Vợ chồng tiền ai người ấy giữ
Theo ý kiến của khá nhiều gia đình, nếu hai vợ chồng cùng chung sống mà tiền ai người nấy giữ và mạnh ai nấy tiêu thì sẽ không cho cảm giác đó là một gia đình thực sự.
Tiền bạc là một vấn đề tế nhị trong cuộc sống hôn nhân. Quản lý tiền bạc ra sao và như thế nào cho hợp lý cũng là một vấn đề hóc búa với nhiều gia đình. Thực tế, không ít cặp vợ chồng trẻ chọn cách “tiền ai nấy giữ” để không khí trong nhà luôn được thoải mái, không ai có cảm giác đang bị đối phương kiểm soát về kinh tế. Tuy nhiên, khá đông gia đình lại chọn cách ngược lại.
Cùng theo dõi ý kiến của các nhân vật tuần này để xem họ xử lý thế nào về chuyện “vợ chồng tiền ai nấy giữ”!
Không nên vì một trong hai vợ chồng giữ tiền sẽ cho cảm giác gia đình
Là vợ chồng son nhưng các kế hoạch về tiền bạc thì đã được bàn bạc và thống nhất với nhau từ trước khi cưới, nên tổ ấm nhỏ của Quỳnh Trang (26 tuổi) chưa khi nào để xảy ra tình trạng “tiền ai người nấy giữ”. “Thường thì lương chồng mình giữ thẻ để tiết kiệm, còn lương mình để chi tiêu hàng ngày. Thú thật là chưa khi nào hai vợ chồng nghĩ sẽ ai tiêu tiền người nấy cho thoải mái, mà ngay từ đầu đã cùng thống nhất là tiền do một người cầm, như thế sẽ có cảm giác gia đình hơn. Ngay cả chồng cũng luôn thích vợ quản lý tiền”, Trang vui vẻ cho hay.
Vợ chồng Quỳnh Trang
Mặc dù vậy, Trang cũng không phản đối việc vợ chồng thoải mái về tiền bạc và cho rằng đó là tùy quan điểm và tính cách của từng thành viên trong gia đình. “Mình có một người bạn, hai vợ chồng cứ đến cuối tháng thì ai nhận lương người đó, chỉ để một phần vào lợn đất để tiết kiệm chung còn thì ai tiêu lương người ấy. Hai vợ chồng rất vui vẻ, thậm chí là cũng không băn khoăn xem vợ hay chồng mình chi tiêu như thế nào. Nhưng nhà mình thì không như thế được”, Trang cho biết.
Trang kể, có khoảng thời gian ngắn sau cưới, hai vợ chồng còn từng gặp áp lực về tiền bạc do kế hoạch sửa sang nhà cửa, đi du lịch… nên chi tiêu cũng không còn được dư dả. Có khi, hai vợ chồng còn tranh luận về chuyện này khá gay gắt nhưng khi hiểu ra thì cũng thông cảm hơn. “Có khi thống nhất rồi những vẫn có chuyện phát sinh. Quan trọng hơn là chồng mình có tư tưởng là chi tiêu gì cũng có kế hoạch và cùng bàn bạc nhưng đôi khi mình nghĩ là cần thì tiêu thôi, nên không thông báo trước. Rồi khi vỡ kế hoạch thì một người cáu, một người thì cảm thấy ức chế. Cũng là chuyện quan điểm thôi, hai đứa cùng nói chuyện để hiểu nhau, rồi khi đã thông suốt tư tưởng rồi thì đâu lại vào đấy, kế hoạch vẫn thực hiện như ban đầu”, Trang chia sẻ quan điểm chung về kinh tế trong gia đình.
Đã là vợ chồng thì tất cả nên quy về một mối và vợ giống như “két sắt”
Giống như Quỳnh Trang, dù mới kết hôn được 2 năm, Nguyễn Thị Quỳnh Giang (27 tuổi) đều ủng hộ quan điểm “tiền bạc quy về một mối” thay vì tiền ai nấy tiêu. “Trong gia đình, mình là thủ quỹ kiêm cái “két sắt”, hai vợ chồng cứ người nào có việc cần đến tiền thì mình chi. Thực ra, nói thì nghiêm trọng thế nhưng cả hai cũng không nặng nề chuyện tiền bạc lắm. Chỉ những khoản lớn hoặc có công việc gì quan trọng cần dùng đến nhiều tiền thì vợ chồng mới phải thông qua ý kiến của nhau. Thường thì hàng tháng, chồng sẽ đưa lương về nhà cho vợ giữ, lúc nào cần dùng thì hỏi vợ, còn lại chỉ để khoảng 300, 500 nghìn đồng trong ví tiêu vặt thôi”, Giang chia sẻ.
Tổ ấm nhỏ của Quỳnh Giang (27 tuổi)
Theo quan điểm của Giang, vì là chia sẻ với nhau trên tinh thần tự nguyện nên chưa khi nào hai vợ chồng nghĩ rằng việc một người quản lý tiền, một người phải “nộp thuế” cả. Bên cạnh đó, nếu hai vợ chồng cùng chung sống mà tiền ai người nấy giữ và mạnh ai nấy tiêu thì sẽ không cho cảm giác đó là một gia đình thực sự.
“Điều đó cũng không chứng tỏ rằng mình đang bị đối phương kiểm soát chặt chẽ về tiền bạc, mà đơn giản là cả hai cùng gánh vác. Đã sống chung trong một gia đình thì nên vun vén cho nhau. Hơn nữa, mình có con nhỏ, hiện tại hai vợ chồng đều đang cố gắng làm việc, cùng đóng góp lấy tiền nuôi con”, Quỳnh Giang cho biết.
Tự do trong khuôn khổ
Khác với Quỳnh Trang và Quỳnh Giang, Thùy Linh (25 tuổi) lại chọn cách giải quyết khá thoải mái về chuyện giữ kinh tế trong gia đình. Hai vợ chồng cùng đi làm, lương hàng tháng thì mỗi người chi tiêu riêng, chỉ khi nào có việc lớn cần dùng đến nhiều tiền thì mới cùng đóng góp. “Mỗi nhà mỗi khác, riêng nhà mình thì hai vợ chồng hầu như không kiểm soát tiền bạc của nhau. Một phần lý do cũng vì cả hai đều chỉ là nhân viên bình thường, lương hầu như chỉ đủ chi tiêu cho bản thân, khi nào có một khoản lớn như tiền thưởng chẳng hạn thì mới để ra dành dụm phòng sau này có việc lớn”, Linh kể.
Thùy Linh (25 tuổi)
Chuyện “tiền ai nấy giữ” được diễn ra trong một thời gian khá dài sau cưới, cho đến khi có con. Lúc đó, hai vợ chồng đều phải bớt chi tiêu cho bản thân, để cùng đóng góp tiền chăm con nhỏ. Nói đến vấn đề tiền bạc, Linh cho hay cả hai vợ chồng đều khá thoải mái về chuyện này nhưng là "tự do trong khuôn khổ".
“Mình nghĩ là tiền tiêu chung hay tiêu riêng không quan trọng. Quan trọng là cả hai cùng có ý thức chia sẻ công việc với nhau, khi có chuyện lớn thì cùng nhau gánh vác, thế là ổn. Còn một điều nữa, trước đây mình không mấy để ý nhưng mà trong gia đình dù gì cũng nên có một người quản lý tiền chính. Không phải vì không tin tưởng nhau mà vì tiêu tiền có kế hoạch vẫn hơn là cứ mạnh ai nấy tiêu, hơn nữa tự do quá cũng không giúp mình ý thức được việc bản thân đã có gia đình để chăm lo”, Linh chia sẻ.