Vợ chồng sòng phẳng

,
Chia sẻ

"Tối đi xem kịch không em?", tin nhắn của ông xã vừa đến, tôi hồi âm luôn: "Kịch gì, anh bao hả, có kèm ăn tối không?". Chồng nhắn lại: "Kịch anh bao, ăn em trả tiền nhé baby".

Tìm được thông tin kịch có Thành Lộc đóng, tôi hào hứng gọi nhưng anh bảo bận không mua vé trước được. Tôi đành xung phong đi lấy vé. Đi làm về, tạt ngang rạp mua vé, tôi phóng xe về nhà, cho con ăn uống và tranh thủ nghỉ ngơi trong lúc đợi chồng về cùng đi xem kịch.

Anh về, tắm rửa thay đồ xong, đèo tôi đi, trước khi nổ máy xe, không quên quay lại đưa cho vợ 200 nghìn đồng. Tôi bảo: "Em mua vé có 180 nghìn thôi, chín chục một vé". Ông xã cười: "Bo cho em luôn." Đúng kế hoạch, bọn tôi ra khu vực Hồ Con Rùa ăn uống chờ đến giờ diễn xuất.

Cũng vì chuyện tiền nong kiểu này, có lần bạn tôi trông thấy cách chúng tôi trả tiền, liền nhíu mày: "Vợ chồng nhà này ngộ ghê". Chúng tôi chỉ cười, bởi vì đã quen với sự phân chia này.
 
Hồi mới cưới, chúng tôi thỏa thuận mỗi tháng mỗi người góp 90% lương vào quỹ chung, 10% còn lại tiêu pha tự do, không can thiệp. Tiền quỹ do vợ giữ. Được khoảng hai tháng, chồng thấy "sao sao ấy", đòi "để anh giữ". Không ngờ, chồng giữ tiền, cả hai còn tiêu pha nhiều hơn. Chồng lại nhường phần thủ quỹ cho vợ.

Nửa năm sau, vợ chồng vẫn chẳng dư dả được nhiều, bèn "nâng cấp" cách đóng quỹ. Số là, có lần hai vợ chồng đỗ xe trước máy ATM để vào rút tiền, vô tình nhìn thấy một đôi khác cùng cơ quan. Chị cũng trông xe, anh chồng vào rút tiền xong ra đưa thẻ cho vợ, đưa cho vợ một xấp tiền và giữ lại một ít. Tôi nói nhỏ vào tai chồng: "Đấy, anh thấy chưa. Chồng nào cũng đưa tiền tất cho vợ. Như thế mới là chồng khôn."

Anh không nói gì, nhưng hai hôm sau, giao luôn ATM của anh kèm password (mật khẩu rút tiền) cho tôi giữ. Anh bảo: "Anh điều tra rồi, cũng nhiều đứa trong cơ quan đóng thuế cho vợ đầy đủ. Anh cũng làm như thế". Từ đó, tôi được giữ tiền của chồng gần như 100%, bởi lương cơ bản và thu nhập phụ trội của cơ quan đều chuyển hết vào thẻ. Tôi và anh làm cùng cơ quan nên tôi nắm chắc điều này.

Anh không yêu cầu tôi phải trích quỹ cho tiền anh tiêu, nhưng hễ hai vợ chồng đi ăn quán là tôi mở hầu bao, mua sắm quần áo, đồ đạc trong nhà, tôi đều là người thanh toán. Anh phải tự kiếm việc làm thêm để trang trải những chi phí anh tiêu khi... không có mặt tôi.

Sinh nhật tôi, anh hỏi: "Em thích gì?". Tôi bảo đi siêu thị xem đã vì cũng chưa biết thích gì. Anh rất vui vẻ thực hiện nghĩa vụ. Đến sinh nhật của anh, tôi nhớ, năm đầu tiên sau khi cưới, anh nói thích nước hoa, tôi liền mua tặng anh. Năm kế tiếp, anh nói: "Anh chưa có nhu cầu gì, em cho anh tiền đi". Tôi rút ví đưa anh 600 nghìn đồng bảo: "Số đẹp nha, lộc đó anh!". Anh cười tít mắt. Năm kế nữa, anh bảo: "Thôi sinh nhật này, em làm ơn đóng giùm anh tiền điện thoại di động của anh nha, anh hết tiền rồi, hình như là hơn 700 nghìn đó!". Tôi ngoan ngoãn đi “tặng” chồng món quà sinh nhật này. Không hoa hồng, không ăn uống trong nhà hàng với ánh nến, nhưng chúng tôi thấy rất OK với những món quà thực dụng kiểu này.  

Người thu tiền điện, internet, điện thoại đến mà không có mặt vợ là anh thanh toán, sau đó đòi lại tôi. Chuyện đó cũng thật nhẹ nhàng và trở thành thói quen, cả hai chưa thấy bức xúc gì với cách tiêu pha này. Thậm chí, bọn tôi còn dư dả hơn trước chút đỉnh.

Thỉnh thoảng vợ chồng đi chơi xa, đi du lịch, tôi thanh toán hết. Đôi lúc, tôi cũng dụ dỗ chồng: "Anh ơi, ăn nem cua bể Hà Nội không, thèm quá!". Anh hỏi lại: "Thế còn tiền không mà đòi ăn, em đãi hả?". Tôi nịnh nọt: "Em nể tình anh ngoan ngoãn, dễ thương, em bao anh uống cà phê. Anh đãi em ăn nem cua bể nhé!"... Thế là,  hai vợ chồng lại đèo nhau đi.

Sòng phẳng hay không, tôi nghĩ còn tùy, quan trọng là vợ chồng thỏa thuận được với nhau và thống nhất một cách tiêu pha. Sòng phẳng như thế tôi nghĩ các bà vợ chỉ có lợi mà thôi.

Theo Lê Anh
Thanh Niên
Chia sẻ