Văn hóa ly hôn

,
Chia sẻ

"Yêu nhau lắm, cắn nhau đau", đó là câu người ta đã đúc kết khi tình cảm giữa hai người, nam và nữ đã kết thúc.

Ly hôn giờ đã không còn là chuyện "xưa nay hiếm". Lý do những cặp vợ chồng đưa ra để được ly hôn cũng rất phong phú. Có điều, khi ly hôn có không ít cặp vợ chồng đã xem nhau như... kẻ thù và hệ lụy của nó là những đứa con, kết tinh của tình yêu một thủa, là người lĩnh đủ!

"Yêu nhau lắm, cắn nhau đau", đó là câu người ta đã đúc kết khi tình cảm giữa hai người, nam và nữ đã kết thúc. Mức độ cay nghiệt của cái sự ghét nhau còn tăng lên gấp bội nếu có người thứ ba xen vào cuộc tình ấy. Chả thế mà khi ra tòa xử ly hôn, ngoài việc dùng những từ ngữ nặng nề để mạt sát, xúc phạm đối phương, một mặt là để cho hả dạ, mặt khác là để cho tòa…thương mà chiếu cố đến phần tài sản và con cái hơn chăng? Những từ hoa mỹ khi yêu nhau nay đã bị thay thế bằng những câu nói nghiệt ngã mà khi còn yêu, có nằm mơ cũng không ai dám nói ra!

Không ít người vợ (hoặc chồng) có chồng (hoặc vợ) ngoại tình, đòi ly hôn, đã không tiếc lời chửi rủa "nửa kia" của mình trước mặt gia đình, bạn bè, con cái, thậm chí cả quý tòa. Nói xấu chưa đủ, họ còn kể ra một loạt "tội lỗi" của đối phương dù những "tội lỗi" ấy, họ đã biết rõ mười mươi ngay từ khi mới yêu. Thay vì đi tìm nguyên nhân và cách hàn gắn sự đổ vỡ thì vợ (chồng) lại xây lên một bức tường giữa bố (mẹ) và các con, biến bố, mẹ chúng thành một kẻ xấu xa, không ra gì. Chính vì thế mà ngày nay, việc vợ chồng phải ra tòa ly hôn mà vẫn "ca ngợi" nhau đã trở thành của hiếm.

Với những người "vô danh tiểu tốt" thì mức độ nói xấu nhau chỉ giới hạn trong khuôn khổ gia đình và cơ quan, nơi người vợ (chồng) làm việc nhưng nếu là những người nổi tiếng thì hiện đang rộ lên cái mốt là kể tội nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng! Người này kể tội người kia, cố thanh minh cho mình là vô tội, và lỗi hoàn toàn thuộc về người kia và kẻ thứ ba. Làm như thế, không những họ đã làm tổn thương lẫn nhau mà còn cố ý làm tổn thương tới cả những người ít nhiều có liên quan tới cuộc hôn nhân ấy, dù trên thực tế, có thể họ hoàn toàn chẳng có lỗi gì!

Khi làm những điều này, người vợ (hoặc người chồng) đã không nghĩ đến hậu quả mà những đứa con của họ, kết tinh của tình yêu một thủa, phải gánh chịu từ "cuộc chiến" giữa cha mẹ chúng. Khi bố mẹ chia tay, con cái luôn phải gánh chịu nhiều  thiệt thòi. Ngoài việc phải sống thiếu cha (hoặc mẹ), chúng còn phải chịu sự tổn thương lớn về tâm hồn khi chứng kiến cảnh bố mẹ lời qua tiếng lại, bêu xấu nhau.

Khi tình yêu đã hết, phải chia tay, không ai có thể khẳng định rằng mình không có lỗi. Cũng có những cuộc chia tay mà lỗi không hoàn toàn thuộc về ai nhưng khi điều này xảy ra, mỗi người đều tự tìm được lý do để biện hộ cho bản thân và ai cũng cho là mình có lý.

Nhưng những người làm bố, làm mẹ đã quên mất một điều rằng con cái không có lỗi trong chuyện bố mẹ chúng không còn yêu nhau. Dù đối phương không còn là chồng (hoặc vợ) của mình nữa thì  họ vẫn là cha, là mẹ của con mình. Vì thế, nếu cuộc hôn nhân không mang lại cho hai người một kết cục hạnh phúc, phải chia tay, thì vợ /chồng cũng nên ly hôn một cách có văn hóa, thay vì xúc phạm, làm tổn thương lẫn nhau.

 Theo ĐS&PL

Chia sẻ