Truân chuyên ở rể

Yến Nhi,
Chia sẻ

Ngậm ngùi, biết lương của hai vợ chồng ra ngoài không đủ sống nên Thanh đành chấp nhận để mẹ vợ “hành”.

Trăm kiểu hành con rể

Từ xưa tới giờ chuyện ở rể thường rất ít, nhưng ngày nay vì nhiều lí do khác nhau nhiều chàng trai đã không ngần ngại khi chấp nhận cuộc sống “ở rể”. Dù biết rằng như vậy sẽ rất phức tạp nhưng họ vẫn phải chấp nhận “sống nhờ” nhà vợ.

Thanh quê ở Ninh Bình lên Hà Nội học, ở lại Hà Nội làm việc rồi lấy vợ người Hà Nội nhưng với mức lương và khả năng của anh thì hai vợ chồng chưa thể mua nhà riêng để ở. Sau đám cưới cả vợ anh và gia đình nhà vợ đều yêu cầu anh về sống cùng vì nhà vợ Thanh cũng chỉ có bố mẹ vợ và một cô em vợ, Thanh cũng tặc lưỡi thôi thì về sống cùng họ lấy chỗ nương thân bao giờ có tiền mua đất, mua nhà thì lại chuyển ra cũng được.

Thế nhưng cuộc sống ở nhà vợ không dễ dàng như Thanh nghĩ. Bà mẹ vợ vốn là người có tính “đồng bóng”, mỗi khi đi đâu đều phải có người đưa đón, giờ có Thanh về ở rể xem như là tài xế đáp ứng mọi chuyến đi của bà từ việc đi chợ, đi siêu thị, đi du lịch, đám cưới, đám hỏi cho đến việc đón đưa cô em vợ học cấp ba hàng ngày Thanh đều phải đáp ứng. Một phần là dịp để bà khoe khoang con rể với mọi người, một phần là bà khỏi phải gọi taxi.

Mỗi lần muốn ra ngoài hay đi mua sắm, mẹ vợ đều yêu cầu Thanh xin nghỉ làm về sớm để đưa bà đi. Như hôm nay chẳng hạn, trước khi Thanh ra khỏi nhà bà còn dặn với theo: “Chiều nay anh đi làm xin nghỉ sớm về nhà lúc 5 giờ chiều để đưa hai mẹ con tôi đi Big C sắm đồ nhé”. Hay như cách đây mấy hôm, đang cặm cụi làm việc thì anh nhận được điện thoại,  bà lại réo: “Có đám ăn hỏi con bà bạn thân anh xin nghỉ làm đưa tôi đi…”. Nhiều khi sếp không cho nghỉ làm nhưng vì muốn làm vừa lòng mẹ vợ, Thanh cũng đành chịu “xin phép từ xa”, gọi điện thoại đến cơ quan xin nghỉ và ngày hôm sau đến nghe “điệp khúc” ca thán từ sếp và cuối tháng trừ lương.
 

Nhiều lần bực tức Thanh định chuyển ra ngoài nhưng nghe vợ năn nỉ: “Ra ngoài ở phòng thuê trọ khổ lắm em không chịu được, thôi anh ráng chiều mẹ chút đi mà” Thanh nghĩ thương vợ nên lại rút lại ý định ra ngoài ở.

Không phải xin nghỉ làm ở cơ quan để đưa đón mẹ vợ như Thanh nhưng hàng ngày đi làm về anh Hòa phải cáng đáng rất nhiều việc, từ những việc bé như dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng phục vụ cả nhà… đều do một tay anh đảm nhiệm. Nếu lỡ có hôm đi làm về, tạt vào đâu đó tụ tập cùng bạn bè trong cơ quan, về muộn một chút mà không gọi điện xin phép mẹ vợ thì hôm đó về nhà kiểu gì cũng bị mẹ vợ mắng cho một trận không ra gì “nào là sống nhờ nhà vợ rồi còn không biết điều, hàng tháng vợ chồng anh đóng cho tôi được bao nhiêu tiền…”.

Ngậm ngùi, biết lương của hai vợ chồng ra ngoài không đủ sống nên Thanh đành chấp nhận để mẹ vợ “hành”.

Còn anh Tuấn (Hà Đông) lại luôn bị mẹ vợ soi mói từng lời ăn, nết ở vì bà vốn là người khó tính, mỗi khi giao tiếp với ai không được thoải mái quá trớn, nếu có nói chuyện điện thoại với ai mà không may nói to hay cười thì đều bị mẹ vợ “soi”, gọi vào căn dặn như trẻ lên ba rằng không thế này, không được thế kia.

Khi mẹ vợ phải chịu nhún

Trong số những người ở rể thì không ít người may mắn lấy được con một, vậy là lí do duy nhất để ở rể là ở để sau này phụng dưỡng bố mẹ vợ. Do đó những chàng rể này được nâng như nâng trứng.

Thành là một trong số những người may mắn lấy được con gái duy nhất của ông chủ doanh nghiệp kinh doanh xe máy ở Hà Nội. Vì là trai tỉnh lẻ, không có nhà riêng nên sau khi cưới xong mẹ vợ đề nghị Thành dọn đến nhà vợ ở. Bố mẹ vợ chỉ có cô con gái duy nhất nên khi về chung sống cùng gia đình vợ Thành không phải đóng góp với gia đình vợ bất cứ một khoản gì, trái lại còn được bố mẹ vợ cung cấp xe máy xịn cho đi làm, ăn ở thì khỏi phải nói sướng như chưa bao giờ được sướng.

Được bố mẹ vợ cưng chiều như con đẻ nên Thành dần sinh hư đi làm xong không chịu về nhà, hôm nào cũng tập trung đàn đúm với bạn bè cho tới khuya mới về gọi cửa. Bố vợ phàn nàn về anh con rể đi sớm về khuya làm mình mất ngủ thì mẹ vợ lại khuyên can: “Nhà mình có mỗi mình nó là rể nếu ông nói nó chuyển ra ngoài ở thì sau này biết làm thế nào, ai sẽ phụng dưỡng vợ chồng mình khi về già”.

Nghe mẹ phàn nàn, vợ Thành khuyên thì anh lại đổi sang dẫn bạn bè về nhà tổ chức nhậu nhẹt, hát hò tới thâu đêm, suốt sáng khiến bố mẹ vợ cũng không thể nào yên thân. Chịu không nổi bố mẹ vợ đành phải mua cho vợ chồng con rể căn hộ để nó ra ở riêng rồi sau này về già sẽ tính sau.

Cùng cảnh với bố mẹ vợ Thành là bà Hà (hiệu trưởng trường trung học ở Hà Nội) cũng chỉ có một cô con gái duy nhất, chồng lại mất sớm vì tai nạn xe nên khi con gái lấy chồng thì bà bảo anh con rể cùng con gái mình dọn về nhà mình ờ. Nhưng chàng rể “độc” của bà thì ngang tàng, phá phách, có việc làm ổn định nhưng tháng nào anh cũng “giật dây” vợ, xin tiền bà để trả nợ, mọi khoản chi phí trong gia đình bà đều lo hết. Buộc lòng phải chiều con rể vì “nếu nó đi thì mình trơ trọi với cái nhà lớn trống huyếch, tiền cũng chả để làm gì!”.

Chia sẻ