Trị vợ chua ngoa
Thấy vợ bắt đầu bù lu bù loa, anh Phương vốn cực kỳ hiền bỗng nổi xung, vớ hai cái đĩa trên bàn ném vỡ tung: ‘Cô có im không?’. Cô vợ quá bất ngờ, đứng sững lại.
Nhiều lần vợ chồng hục hặc, bị vợ nói không ra gì, anh Phương ức lắm nhưng vẫn im im. Tính anh vậy, chưa to tiếng với ai bao giờ. Tuy nhiên, càng ngày càng bị vợ “lấn sân” khiến anh Phương không thể cứ bó tay chịu trận mãi.
Anh tâm sự chuyện này với ông anh họ và được bày cách: “Chọn mấy cái đĩa sứt mẻ, để sẵn trên bàn. Khi vợ chú bắt đầu ‘mở máy’ thì lia đĩa thật mạnh xuống sàn nhà cho vợ 'sợ chơi'”. Anh Phương tâm đắc nghe theo. Không ngờ hiệu quả thật. Những lần sau chỉ cần anh đứng dậy chống tay quát: ‘Biết rồi, nói nhiều quá’ là vợ anh cũng biết rút.
Cũng hiền nhưng anh Trung (30 tuổi, nhân viên bưu điện, Hà Nội) còn khổ vì thói ngoa ngoắt của vợ hơn. Mỗi lần lên cơn “thịnh nộ”, vợ anh “phun” ra một tràng toàn những lời không lọt lỗ tai. Anh bỏ đi, vợ hạch sách: “A, tôi nói mà anh không thèm nghe hả”; anh ngồi im – vợ xa xả: “Anh khinh tôi, không thèm trả lời chứ gì?”; anh nói lại – vợ “già mồm”: “Anh là đồ vô tích sự, chỉ giỏi bắt nạt vợ con. Sao đời tôi lại vớ phải thằng chồng như anh”...
Anh Trung không phủ nhận mình có lỗi. Vợ anh nổi giận cũng có lý. Nhưng cái kiểu “chua hơn chanh vắt” của vợ khiến anh “điên đầu”. Anh Trung thổ lộ nỗi sầu với người bạn thân. Cậu bạn đập bàn phẫn nộ: “Cho nó cái tát, vợ con gì”. Tuy nhiên, anh Trung không muốn “cổ súy” cho bạo lực gia đình nên hiện tại, anh vẫn chọn kế ngồi yên lắng nghe với bộ mặt “không được cau có – cấm được méo mó”.
Anh Cương (nhà ở La Thành, Hà Nội) có cách hiệu quả và độc đáo hơn. Những lúc vợ quá ngoa ngoắt, anh lén bật chế độ ghi âm trong máy điện thoại. Khi vợ “trở lại trạng thái bình thường”, anh mở lại cuộc ghi âm rồi phân tích để vợ hiểu, rằng nói thế này là không nên, nói thế kia là xúc phạm nặng nề đến chồng, ảnh hưởng không tốt đến con... Cũng may vợ anh biết sửa sai. Dù tính “chua chát” không thể triệt được tận gốc nhưng ít nhất, vợ anh cũng biết cân nhắc trong phát ngôn.
Còn anh Vũ (quận Tân Bình, TP HCM) khi thấy vợ to tiếng với mình bằng lời lẽ không đẹp, anh cố tình vặn tivi to hơn một chút hoặc lôi quyển truyện cổ tích ra đọc cho cô con gái 3 tuổi nghe. Tuy nhiên, để tránh cho vợ có cảm giác như bị “trêu ngươi”, trước khi thực thi “kế sách”, anh nhìn vợ ôn tồn: “Hai bố con anh lên nhà đọc sách đây. Em muốn nói gì thì để lát nói”. Một lát sau anh trở xuống thì vợ anh đã bớt “lửa” và biết chọn lời hay ý đẹp hơn.
“Cao tay” hơn cả là anh Tuân (Bình Dương). Mỗi khi thấy “nóng tai” vì ngôn từ của vợ, anh dõng dạc: “Anh xin phép vợ được đi massage thư giãn”. Vợ anh “gầm” lên, anh tỉnh bơ đáp: “Ở nhà, chắc anh đến chết yểu vì lời lẽ của vợ. Do đó, mong em cho anh đi massage để được nghe những lời dịu ngọt của mấy em nơi đó cho nhẹ cái đầu”. Sau đó, anh Tuân “hiên ngang” dắt xe ra cửa mặc vợ như muốn lao vào “ăn tươi nuốt sống”. Thấy thế, anh Tuân quay lại chốt một câu: “Chừng nào em hiền thì chừng đó anh còn muốn ở nhà”. Từ đó, vợ anh sợ chồng nghiện “mát xa – mát gần” nên cũng bớt “chua” đi.