Tôi đã làm chồng mình trở nên… lười biếng
Đàn ông có vợ rồi cũng không từ bỏ nét đặc trưng tâm lý "việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng".
Ở nhà có cái bóng điện cháy, bố mẹ bảo thay, anh ta khất lần. Nhưng nếu ra ngoài, có cô bạn gái nào đó có cái ti vi hỏng, cái xe máy khó khởi động, cái máy tính có virus… nhờ anh ta xem giúp, thì dù anh ta "mù tịt" về mấy thứ đó cũng vẫn nhận lời.
Sau đó anh ta vẫn hì hục chọc ngoáy, có khi làm cho lợn lành hoá lợn què, nhưng vẫn say sưa.
Chở vợ đi siêu thị, đi chợ, thì đàn ông ngại. Nhưng chở cô bạn gái, chị em cùng cơ quan, dù chỉ là bà chị, các anh đàn ông vẫn nhiệt tình. Có bà vợ giật mình khi thấy cô bạn gái hay đồng nghiệp nữ của chồng khen anh ấy "khéo tay", "chịu khó".
Hoá ra ở nhà, không đụng tay vào bất cứ việc gì, nhưng đến "nhà khác", việc gì cũng chẳng nề hà, kể cả bổ củi hay chui xuống bể ngầm làm vệ sinh giúp.
Lý giải nét đặc trưng tâm lý này, các nhà tâm lý cho rằng bởi tâm lý đàn ông luôn luôn muốn "thể hiện sức mạnh đàn ông", muốn "ghi điểm" với phái nữ. Hơn nữa, cách nhờ vả của người khác cũng không giống cách sai khiến của người nhà.
Đặc biệt, sau khi hoàn thành công việc, đàn ông thường nhận được sự khâm phục, kính nể, khen ngợi của người khác, còn ở nhà, việc đã trở thành nghĩa vụ, mấy ai ban tặng lời khen.
Vận dụng sáng tạo sự hiểu biết tâm lý này của con trai, đàn ông, nhiều người phụ nữ đã thiết lập và củng cố mối quan hệ thân tình với người đàn ông từ việc nhờ vả.
Nắm được tâm lý này của đàn ông, chị em phụ nữ sẽ không băn khoăn "tại sao lại thế". Hơn nữa, hãy biết lợi dụng, khai thác tâm lý này một cách sáng tạo, sẽ biến anh chồng lười thành người đàn ông "mẫu mực" trong gia đình.
Theo Đinh Đoàn