Thoát Tết nhà chồng
“Cũng may Tết chỉ kéo dài có vài ngày, ở quê chồng cũng chừng ấy thời gian, nếu không chắc mình cũng ngất xỉu vì mệt”, Hải – một cô dâu trẻ tâm sự.
Lấy nhau chưa được bao lâu, Tết Tân Mão vừa rồi là cái Tết đầu tiên tại quê chồng, Hải bộn bề những lo nghĩ. Liền hai tuần trước ngày nghỉ, cô cùng chồng, và em gái đi sắm đồ, quà Tết mang về nhà. Lại học thêm cách nấu mấy món ngon để làm cho cả nhà cùng thưởng thức. Bao nhiêu suy nghĩ, dự định về một cái Tết ấm áp của cô dâu mới tan tành khi… ngày nào Hải cũng bù đầu trong bếp, lo nấu nướng, dọn dẹp đến tận khuya.
Cũng chung nỗi niềm của các cô dâu trẻ, Hương bực tức nói:“Cũng vì dâu mới nên mình phải nín nhịn nhiều. Hai cô em chồng lớn bằng đấy, nhưng nấu cơm, rửa bát cái gì cũng đến lượt chị dâu. Cả ngày chỉ ngồi ở nhà, chờ xem có khách đến mời cơm, thì dọn dẹp. Một ngày đã dọn cơm, rửa bát tới 5 lần, đến tối mệt muốn đi nằm nghỉ một chút thì cô em dâu nói bóng gió là tiểu thư, lười biếng, mới làm có chừng ấy mà đã kêu ca”.
Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng khiến Hương phát hoảng khi một mình cô phải “chiến đấu” với hàng chồng bát đũa cao ngất. Nhưng chuyện đó còn chưa “đáng sợ” bằng việc Hương phải nhớ tên, vai vế của họ hàng nhà chồng. Hai vợ chồng phải đi chúc Tết họ hàng, đến nhà nào Dũng cũng phải giới thiệu cẩn thận cho vợ để biết cách xưng hô cho đúng. Nhưng Hương không tài nào nhớ hết cái danh sách dài dằng dặc đó. Không có Dũng nhắc là Hương chịu, nhầm lẫn lung tung hết. Người đúng ra là mợ thì Hương gọi là cô, người phải gọi anh thì Hương kêu bằng chú.
Từ ngày đi lấy chồng, cứ hễ nghe nhắc đến Tết là Ngọc lại thấy sợ. Chả bù cho ngày còn con gái, cô chỉ thích Tết để được đi chơi, bay nhảy, hoặc được ngủ vùi cả ngày mà chẳng lo lắng bị mẹ gọi ời ời mỗi sáng.
Ngọc là con út nhưng lại về làm dâu trưởng nhà Quang, vốn là một gia đình rất trọng lễ nghi, cầu kỳ, kỹ lưỡng trong mọi nghi thức. Gia đình Quang quê ở Hà Nam, mặc dù đã chuyển lên Hà Nội hơn chục năm nay nhưng năm nào cũng vậy, từ ngày mùng hai, cả nhà lại về quê ăn Tết, đến tận mùng 4, mùng 5, khi chuẩn bị phải đi làm mới quay lên Hà Nội.
“Nghĩ là về quê đi chơi, gặp gỡ họ hàng nên mình mang toàn váy về. Nhưng thật sự là ngượng chín mặt khi nó trở nên lạc lõng trước con mắt của họ hàng nhà chồng ở quê. Nhất là đám trẻ con, chúng cứ đi theo mình chỉ trỏ, tò mò như nhìn người ngoài hành tinh: “Ô, cô này mặc trên mùa đông, dưới mùa hè này chúng mày ơi!”, “Mắt xanh mỏ đỏ kìa!””.
Nhưng vẫn chưa khổ bằng bữa ăn cơm. Khi ngồi ăn thì trải chiếu ra giữa nhà, Ngọc lại mặc váy, nên loay hoay mãi không tài nào lựa được cách ngồi cho “kín đáo”. Nhất là lại phải đứng lên ngồi xuống nhiều lần để lấy cái nọ, cất cái kia nên cô càng khốn khổ. Lúc rửa bát thì phải lựa ngồi tư thế nào cho không hở dưới, hở trên.