“Thằng lớn” trong nhà

PNO,
Chia sẻ

Một chị than: “Vợ chồng em mới cưới, đã thỏa thuận trước là cùng làm việc nhà, nhưng chỉ được ít hôm thì anh ấy tỉnh bơ, em nhắc lắm mới miễn cưỡng mang quần áo bỏ vào máy giặt".

Trước khi vào một buổi chuyên đề về hôn nhân gia đình ở Nhà Văn hóa Phụ nữ, một nhóm chị em vừa làm quen, vừa tranh thủ “tám”. Quanh đi quẩn lại chuyện gia đình, chồng con vẫn là đề tài muôn thuở. Mới quen nhưng các chị đồng cảm đến lạ khi cùng “bán than”: “Trên đời không ai vô tâm như các ông chồng”. Nhiều chị còn ví người bạn đời chẳng khác nào một "thằng con lớn” phải chăm sóc, chỉ quen nhận mà hiếm khi cho.

CHỒNG KIỂNG!

Một chị than: “Vợ chồng em mới cưới, đã thỏa thuận trước là cùng làm việc nhà, nhưng chỉ  được ít hôm thì anh ấy tỉnh bơ, em nhắc lắm mới miễn cưỡng mang quần áo bỏ vào máy giặt, nhưng lại không phân loại đồ màu và đồ trắng, làm vấy màu tùm lum, khiến em càng nhọc thêm”. Nhiều chị nhao nhao: “Vậy là đã có phước”, vì chồng các chị có nhờ khản cổ thì cũng “để chút anh làm” rồi tiếp tục xem tivi, đọc báo. “Chút” là khái niệm thời gian mơ hồ, có khi không có điểm dừng; dù vợ đi làm về là phải tất bật việc nhà: nấu nướng, dọn dẹp, dạy con học…

Một trong những sự vô tâm của chồng được các bà vợ “tố cáo” nhiều nhất là quên thực hiện nghĩa cử đẹp vào những dịp lễ lạt hay bày tỏ cảm xúc lãng mạn. Chị Kim Ngân bùi ngùi: “Thời yêu nhau, cứ đến sinh nhật, ngày 8/3, Valentine… anh ấy không bao giờ quên tặng hoa, tặng quà và chúc tôi những lời có cánh. Thậm chí, bố mẹ, em tôi cũng được anh quan tâm. Giờ thì những điều đó được anh xem như chuyện màu mè, hoa lá không cần thiết; ngay cả nói những lời yêu thương hay khen vợ nấu ăn ngon cũng xa xỉ nốt. Tôi nói biết trước thế này thì còn lâu mới cưới, anh ấy tỉnh queo: “Em có thấy ai câu được cá rồi mà còn cạy mồm nó ra nhét tiếp mồi vào nữa không?”, đúng là bó tay!”.

Tuy nhiên, điều làm các chị bực mình, muộn phiền nhất không phải là những việc trên, mà là thái độ quan tâm của chồng dành cho mình cứ hiếm hoi, phập phù, nhất là những lúc bệnh tật, hay gặp chuyện buồn phiền trong công việc, cuộc sống. Với các chị, chuyện về sự vô tâm của các ông chồng cứ như phim truyền hình dài tập, cười ra nước mắt.

 Chị Lan Hương (P.An Lạc, Q.Bình Tân) hậm hực: “Có lần tôi dặn chồng về sớm chở đi khám thai, nhưng qua giờ hẹn gần hai tiếng đồng hồ cũng không thấy anh ấy đâu. Gọi điện thì biết anh ấy đang… chơi bi-a: “Ôi, anh quên. Em nhờ dì Út chở hoặc đi taxi nhé. Anh sắp thắng rồi, chút anh về” rồi cúp máy. Đêm đói bụng, thèm ăn tô mì, tôi nhờ nấu giùm thì mắt anh vẫn dán chặt lên chiếc tivi: “Mai ăn đi em!”.

Chị Yến Linh - nhân viên ngành ngân hàng ở Q.1 ngậm ngùi: “Chỉ cần chồng hắt hơi, sổ mũi là em hỏi han, thuốc thang, cơm cháo chu đáo. Vậy mà khi em bệnh, nhắn chồng mua giùm thuốc, đến gần 12g đêm anh ấy mới khật khưỡng về nhà, hỏi “thuốc đâu?”, thì anh nói không mua, tưởng em... đùa để anh ấy về nhà sớm. Hôm nào bận, nhờ chồng đón con mà em quên gọi nhắc là y như rằng anh ấy quên, tỉnh bơ lai rai với bạn bè, bởi việc đó xưa nay là của vợ. Chồng em giống như cây kiểng, có để chưng mà thôi, chán lắm!”. 

Ảnh: P.Huy

Chị Phương ở Hà Nội, quá bức xúc về ông chồng nên đã viết trên blog: “Đêm qua, sau khi rửa bát và phơi đống quần áo, bỗng dưng vợ bị đau bụng kinh khủng, than với chồng: “Sao hôm nay em đau bụng quá!”. Chồng chẳng nói gì, vẫn tập trung vào máy tính. Vợ bắt đầu tủi thân, nằm ôm bụng một lúc nữa không chịu nổi, lại hỏi chồng. Lần này, chồng chịu mở miệng nhưng cộc lốc: “Lấy dầu mà xoa”. Vợ bực lắm, ra phòng khách nằm nhưng những cơn đau bắt đầu khiến vợ lo. Đứa con gái ba tuổi thấy mẹ đau, cứ chạy ra chạy vào giữa hai phòng khiến chồng bực, quát: “Ngủ đi, mất thì giờ!”. Vợ tự hỏi không hiểu chồng đang quát con hay quát vợ. Tủi thân quá, nhấc máy lên gọi điện cho mẹ. Khổ thân mẹ già, phát hoảng lên, giục vợ gọi ngay chồng dậy xem có cần phải đi bệnh viện không. Vợ nghĩ, đúng như người ta vẫn nói, chỉ có người sinh ra mình và người mình sinh ra là yêu mình nhất. Vẫn chỉ có mẹ và con gái là lo mình bị đau. Đôi lúc, vợ tự hỏi, không hiểu có phải vì đã sống với nhau được 10 năm, có với nhau hai mặt con, là người ta đã không còn quan tâm tới nhau như trước nữa?”.

TẠI ANH TẠI Ả 

Qua những diễn đàn trên mạng về đề tài chồng vô tâm, chồng kiểng, 100% các ông chồng đều cho rằng người đàn ông là người của những việc “vĩ mô”, đại sự như kiếm tiền, làm trụ cột gia đình, chứ không loanh quanh xó bếp; chuyện đó tạo hóa đã “đo ni đóng giày” cho phụ nữ. Vì thế, có ông chồng khi bị vợ trách đi làm về không biết vào bếp phụ vợ như… ông hàng xóm, đã thẳng thừng tuyên bố: “Vậy sao em không lấy thằng cha đầu bếp đi. Anh chỉ biết đi làm kiếm tiền về cho gia đình thôi”. Các bà vợ thì dĩ nhiên cho rằng đó chỉ là sự ngụy biện cho tính lười biếng, ỷ lại của “nửa kia” nhưng đành “chịu chết” với cách nghĩ: sự vô tâm của các ông chồng không chỉ do các ông lười, ngán ngại việc nhà, không ga-lăng, mà là do nó được “khai sinh” sẵn trong người đàn ông.

Theo các chuyên viên tâm lý, có ba dạng nội tướng góp phần tạo nên sự vô tâm ở chồng. Đó là những bà vợ quá độc lập, tự làm mọi thứ mà không cần nhờ chồng. Cụ thể như bóng đèn hư, quạt hỏng, tủ giường lung lay, các chị thường tự làm hoặc kêu thợ đến mà không cần nhờ chồng. Thật ra, những việc đó, dù mình làm được, người vợ cũng nên nhờ vả chồng để chồng thấy trách nhiệm, sự quan trọng của mình trong gia đình và có cơ hội thể hiện bản lĩnh đàn ông.

Minh họa: NOP

Thực tế cho thấy, những bà vợ càng mạnh mẽ, độc lập thì sự quan tâm, lo lắng của các ông chồng càng ít, vì các ông biết vợ có thể tự lo được nên yên tâm… đi nhậu, về muộn… dần dẫn đến sự vô tâm, thờ ơ. Giả sử vợ đi công việc, đi làm về muộn; nếu vợ là một người yếu đuối, nhút nhát thì chồng sẽ lo lắng, gọi điện xem ở đâu, sắp về chưa? Còn với “một nửa” mạnh mẽ, thì các ông sẽ yên tâm rung đùi nằm xem tivi, bởi biết có gì cũng… chẳng sao. Chị Minh Hương - biên tập viên một nhà xuất bản, rất sợ ở nhà một mình nên anh Trọng - chồng chị chẳng khi nào dám đi nhậu, đi chơi về khuya. Từ lúc họ cưới nhau đến nay đã ba năm, cứ đúng 9g tối là anh về đến nhà vì biết vợ đang trông ngóng chồng và sợ… ma. Mỗi khi đi công tác xa hay về quê, anh đều nhắc vợ nhờ bạn bè đến ngủ cho… đỡ sợ.

Dạng thứ hai là những bà vợ quá kỹ tính, cầu toàn. Thấy vợ nấu nướng vất vả, chồng ngỏ ý phụ thì vợ lại mỉa mai: “Trời, hôm nay chắc bão lũ quá!”. Hay chồng phụ lặt rau thì bị vợ nhắc: “Làm được không đó?” rồi dặn nhớ phải thế này, thế kia, thế nọ mới được… Chồng rửa chén thì vợ tỉ mẩn “nghiệm thu” từng sản phẩm xem có sạch không? Lau nhà thì vợ phàn nàn góc tủ chưa moi rác, gầm giường chưa lau… Do đó, nhiều ông chồng tự ái lơ việc nhà luôn, bởi có làm cũng bị vợ chê hoặc vợ làm lại, thà không làm cho đỡ mất công. 

Dạng thứ ba là các bà vợ quá tiết kiệm. Các bà luôn phàn nàn chồng không ga-lăng, tình cảm khi thường xuyên quên ngày sinh nhật, ngày tình yêu, kỷ niệm ngày cưới… nhưng một ngày đẹp trời nào đó, ông chồng đi công tác về mua quà tặng vợ là bị hỏi ngay giá tiền, rồi chê chồng “tồ” vì mua đắt quá. Sinh nhật, chồng mua bó hoa to đùng về tặng, thay vì cảm ơn và vui vẻ đón nhận, lại cũng hỏi giá và sa sầm mặt, có khi cằn nhằn cả buổi khi biết bó hoa bằng… mấy ngày tiền chợ. Thỉnh thoảng, chồng muốn hâm nóng tình cảm bằng cách đưa vợ con đi ăn nhà hàng, quán xá, vợ lại giãy nảy: “Thôi vừa đắt, vừa chưa chắc vệ sinh”. Chính sự thực tế và tỉnh táo quá mức cần thiết đó của vợ đã làm triệt tiêu tính ga-lăng vốn đã còn rất ít sau khi kết hôn của các ông chồng.

Những bà vợ như thế đã vô tình khiến các ông phát sinh tư tưởng thụ hưởng - mà các chuyên viên tâm lý hay ví von là “đứa trẻ không chịu lớn”: chẳng đụng tay, đụng chân hay thể hiện trách nhiệm với vợ con. Các bà đã gieo thói quen và gặt lại được tính cách ỷ lại, vô tâm của chồng.

Để chồng bớt vô tư, vô tâm mà biết thể hiện trách nhiệm với gia đình, các chuyên viên tư vấn cho rằng, vấn đề chính nằm ở người vợ. Các bà nên tạo điều kiện cho chồng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm gia đình, dù là những việc cỏn con: lặt rau, phơi quần áo… và chịu khó động viên, khen ngợi chồng vì những đóng góp đó. Khi đó, “mầm” trách nhiệm, quan tâm của ông chồng sẽ không bị sa mạc hóa, mà được tưới mát mỗi ngày nên chắc chắn luôn xanh tốt. Mặt khác, vợ cũng không nên tỏ ra quá mạnh mẽ, khi đau bệnh hay gặp chuyện buồn đừng cố chịu đựng một mình mà hãy sẻ chia với người bạn đời, tạo thành thói quen vợ chồng luôn lắng nghe nhau. Thậm chí, vợ có thể “chịu khó” ngu ngơ, dại dột một chút để chồng có chỗ thể hiện vai trò cây tùng, cây bách; vợ mà luôn sắc sảo quá, mạnh mẽ quá thì chồng có nguy cơ trở thành cây lau, cây sậy trong nhà, đúng theo luật bù trừ của tạo hóa.

Chia sẻ