Sự man trá ngọt ngào
Khi đã trót đa mang, đứng trước câu hỏi “chọn vợ hay người tình?”, quý ông thật khó trả lời. Nhiều người chọn giải pháp duy trì mối quan hệ lén lút và cố gắng đối xử tốt với vợ.
Bên lề cuộc giao lưu “Văn hóa ứng xử trong gia đình” do Hội quán Các bà mẹ (TP.HCM) và Hội LHPN Q.12 vừa tổ chức, chị Nguyễn Hằng (42 tuổi, công chức) đã đưa ra ý kiến… trái chiều: “Vợ chồng phải luôn nâng cao văn hóa ứng xử với nhau, nhưng thời gian gần đây ông ấy liên tục có những hành vi, cử chỉ đẹp khiến tôi càng bực tức. Tôi biết, chồng cố làm vậy để “lấy công chuộc tội”. Mà có “công” nào chuộc cho nổi tội tày trời của chồng. Trong khi mình chỉ muốn chồng cắt đứt liên lạc với tình nhân thì ổng lại chuộc tội bằng mọi cách. Nếu ông vẫn bê bối, vô tư, lười biếng, ham nhậu… như hồi trước, tôi thấy còn dễ thương hơn sự hoàn hảo giả tạo, thiếu lòng chung thủy”.
Điều khiến chị An uất ức không phải là chuyện chồng lập “đại lý” ở miền Tây (vì chị đã biết cách đây ba năm và đích thân chị đã cùng chồng thuê xe xuống thăm, cho tiền khi cô ta nằm ổ). Chị nhói lòng chính vì chồng đem “bà vợ không biết đẻ con trai” ra để bỡn cợt. Chị đã âm thầm che giấu để giữ thể diện cho chồng, tránh tổn thương các con, để công việc làm ăn suôn sẻ. Nhưng, rốt cuộc, chồng nỡ chà đạp lên sự hy sinh ấy. Khi chuyên viên tâm lý hỏi: “Chị cho là anh đối xử nhẫn tâm, vậy đã bao giờ chị nhắc đến hai chữ ly hôn với anh?”, chị An trầm ngâm: “Thật ra, từ khi tôi phát hiện và đề nghị chia tay, chồng bỗng khác hẳn. Trước đây anh ấy không lo làm ăn và nhiều lần đánh vợ, nhưng gần đây thì không. Anh săn sóc chu đáo, dịu dàng khi tôi bệnh. Lâu nay chồng tệ như vậy mà tôi vẫn sống chung, bây giờ chồng đã tốt lên, chẳng lẽ tôi lại bỏ?”.
Nhiều nỗi bất an
Tại sao chị Hằng, chị An không thực sự cảm nhận được bình an và hạnh phúc dù đang có người chồng ngoan hiền “hiếm thấy”?
Theo lý giải của tiến sĩ Võ Văn Nam (giảng viên khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), các bà vợ không bao giờ tìm được hạnh phúc đích thực và bền vững khi đang bị chồng lừa đảo - dù đó là sự lừa đảo… ngọt ngào. Những lời nói hoa mỹ, sự chăm sóc vồn vã mà các bà vợ đang nhận được đâu phải xuất phát từ tấm lòng thành. Về lâu dài, khi người chồng cảm thấy đã thoát khỏi nguy cơ “báo động đỏ”, khi bà vợ đã dần chấp nhận chuyện trăng hoa của chồng và không làm căng nữa, anh ta sẽ trở về với bản tính sẵn có. Nếu ăn năn, hối lỗi thì các ông đã kiên quyết dừng cuộc chơi, không tái phạm và làm mọi cách để hàn gắn vết rạn nứt của gia đình mình.
Có ý thức chuộc lỗi là tốt, các bà vợ luôn ghi nhận nỗ lực của chồng. Nhưng, với những ông trót “thèm phở” thì hành động chuộc lỗi đầu tiên và chính yếu phải là chấm dứt mối quan hệ không đáng có đó. Nếu sau một chặng đường hôn nhân, ông chồng thực sự thấy mình không yêu vợ, thì phải dũng cảm chia tay. Chẳng ông nào có tài thánh để sống tốt và chu toàn với nhiều người phụ nữ và nhiều dòng con trong suốt cuộc đời. Nói như nhà văn Nam Cao, "hạnh phúc là một cái chăn hẹp", hễ phủ ấm bên này thì phải trống lạnh bên kia…
Giận chồng một mà giận mình mười, trong đầu chị An cứ luẩn quẩn những câu hỏi: Nếu thực sự yêu thương vợ con thì sao anh đã không đối xử tốt ngay từ đầu, sao anh lại lén lút quan hệ bên ngoài và không quyết tâm cắt đứt với cô kia? Chị nhẫn nhục chịu đựng mấy năm nay vì hy vọng chồng sẽ thay đổi, rồi sẽ chồn chân mỏi gối quay về. Cơ sở để chị tin tưởng vào viễn cảnh sáng sủa này là hiện tại chồng hết mực yêu chiều vợ con, như có vẻ chồng đã hồi tâm.
Sự ngụy trang của những người chồng “tốt” này gây bất hạnh cho nhiều người khác. Người vợ tuy được xoa dịu bởi những lời nói tế nhị, cử chỉ nâng niu của chồng nhưng luôn đè nặng bởi sự ám ảnh, nghi ngại khi chồng vắng nhà. Bản thân người chồng chắc chắn sẽ chới với, bất an với cuộc sống giả tạo. Niềm tin của các con với người cha có hành vi man trá sẽ sút giảm...
Tiến sĩ Võ Văn Nam khuyên: “Nếu không muốn tiếp tay cho chồng, người vợ nên tố giác để chồng nhận sự xử phạt phù hợp, sẽ không tiếp tục vi phạm. Trong trường hợp người chồng có con rơi, người vợ nên bàn bạc: hoặc đưa con về nhà mình lo hoặc để cho mẹ bé nuôi trực tiếp, chồng được quyền chu cấp và thăm viếng (chỉ với trách nhiệm của một người cha, chứ không lợi dụng cơ hội cho “lửa gần rơm”). Để xác tín điều này, vợ và chồng nên cùng đến thăm nom. Sự tỉnh táo, bản lĩnh, khéo léo, vị tha của vợ sẽ giúp chồng dứt khoát và đoạn tuyệt với lỗi lầm cũ. Nếu mọi nỗ lực đều không hiệu quả, thì người cần dứt khoát là người vợ”.