Sự kỳ lạ của các cặp vợ chồng: Ca thán nhưng vẫn sống với nhau
Những cặp vợ chồng luôn không hài lòng về nhau nhưng vẫn cố gắng sống với nhau. Đó là một điều rất kỳ lạ trong những gia đình Việt.
Đó là nhận xét của anh N.Q.H - một người đàn ông vừa lấy vợ. Dưới góc nhìn của anh, anh nhận thấy nhiều cặp vợ chồng Việt luôn ca thán về nhau, họ khó chịu với nhau nhưng vẫn sống với nhau. Và anh đã cắt nghĩa sự vô lý đó là bởi các cặp đôi dường như đã luôn sống bằng một quy ước bất biến: đàn ông lo kiếm tiền, phụ nữ lo bếp núc. Anh cũng cho biết vì nhận thức rõ được điều đó nên trong cuộc sống hôn nhân của mình, anh luôn cố gắng để vợ chồng anh duy trì mối quan hệ theo hình thức thảo luận, công bằng về mọi mặt.
Anh là một người đàn ông đẹp trai, lịch lãm và thành đạt vậy tại sao anh kết hôn muộn vậy? Anh thấy cuộc sống hôn nhân, gia đình như thế nào?
Chuyện hôn nhân gia đình như thế nào không phụ thuộc vào tuổi tác, hay những thứ rườm rà như bạn vừa hỏi. Quan trọng là hai người hòa hợp với nhau. Vợ tôi và tôi tìm được tiếng nói chung, đó là điều kiện để ghép hai con người chúng tôi về sống chung dưới một mái nhà. Tôi tôn trọng cô ấy, cô ấy hiền lành, chịu khó, chăm sóc chồng con rất chu đáo. Cuộc hôn nhân của tôi dễ chịu.
Người đàn ông là chồng luôn ca thán về vợ; người phụ nữ là vợ luôn ca thán về chồng. Họ luôn khó chịu về nhau nhưng vẫn sống với nhau (Ảnh minh họa).
Ý tôi là anh có sự lấn cấn nào đó không mà lấy vợ muộn như vậy?
À, thực ra là tôi có một sự tò mò. Có thể nói là hơi hoài nghi. Tôi thấy bạn bè mình khi lập gia đình, người đàn ông là chồng luôn ca thán về vợ; người phụ nữ là vợ luôn ca thán về chồng. Họ luôn khó chịu về nhau nhưng vẫn sống với nhau. Đây là điều tôi thấy rất khó hiểu.
Cho đến tận lúc kết hôn, tôi vẫn không thể hiểu. Tôi từng hỏi vợ mình sau khi đã kết hôn rằng: Sao các cặp vợ chồng khác luôn không hài lòng về nhau? Cô ấy nói ở đây mọi người luôn thế. Tôi không hiểu và buộc phải đi tìm hiểu. Hóa ra các cặp vợ chồng sống với nhau theo một quy ước từ lâu rất lâu rồi chứ không phải vì những thứ thuộc về họ.
Ví dụ, ngay từ thời yêu nhau, người phụ nữ đã có ý dựa dẫm người đàn ông về tài chính. Đi đâu, hẹn hò hoặc chi phí gì người phụ nữ cũng dửng dưng để mặc người đàn ông. Hiếm có một đất nước nào lại như vậy. Vợ tôi nói, đây là quy định bất di bất dịch, nó đã thành hệ tưởng của rất rất nhiều người Việt rồi.
Ngược lại, người đàn ông lại tối kỵ trong việc dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và những việc vặt khác. Họ giao phó hết cho phụ nữ trong khi họ có khả năng làm. Họ có quyền nằm xem tivi trong khi vợ mình dọn dẹp cật lực.
Người phụ nữ một mặt làm hết các việc nhà, một mặt kêu ca vì người đàn ông là chồng mình không giúp gì cho mình mà luôn đàn đúm ngoài đường và không chăm sóc vợ con; người đàn ông một mặt vẫn lo kinh tế cho cả gia đình, một mặt vẫn ca thán vì những người vợ chỉ biết ở nhà gào thét, quản lý chồng mà không biết gánh nặng quan hệ xã hội để kiếm được tiền. Họ đổ cho nhau lỗi vô trách nhiệm. Thật tình tôi vẫn không hiểu những điều vô lý đó. Và tôi nói với vợ mình rằng: anh và em đừng bao giờ như thế!
Giả dụ vợ chồng anh sau này cũng sẽ bị vướng vào những chuyện như thế. Liệu đó có phải là chuyện lớn với anh?
Ôi, với tôi nếu thế là cuộc cách mạng đã thất bại rồi. Tôi không muốn cuộc sống của vợ chồng tôi cứ phải hậm hực, cãi nhau suốt ngày. Nếu là bạn chắc chắn bạn cũng không thích và với ai cũng thế thôi. Nếu mọi người hiểu việc nào cũng quan trọng và cần thiết để tôn trọng nhau thì không sao, đằng này vợ chồng cứ chành chọe những việc không đâu, ảnh hưởng tới sự phát triển những tính cách xấu của con cái vì con cái chứng kiến hết những điều đó.
Tôi thấy, rất nhiều trường hợp người vợ hay người chồng trong mô hình gia đình Việt Nam ai cũng cảm thấy mình làm quá sức và thiệt thòi hơn người kia. Theo tôi cuộc hôn nhân được chuyên hóa sẽ ổn hơn. Mặt tích cực của việc chuyên hóa là: Vợ chuyên việc ở nhà sẽ giúp chồng chuyên tâm kiếm tiền; chồng chuyên tâm kiếm tiền sẽ giúp vợ bớt phải bon chen. Đây là mô hình lý tưởng nhưng có rất nhiều người lại không hiểu nó là tốt.
Người ta sống để hoàn thiện hơn chứ không phải gây áp lực cho nhau (Ảnh minh họa).
Thế vợ chồng anh đã áp dụng chuyên hóa trong mối quan hệ của mình chưa?
Ngay từ đầu, vợ chồng tôi đã sống hơi khác. Chúng tôi chia sẻ trách nhiệm kiếm tiền, chia sẻ trách nhiệm con cái, chia sẻ trách nhiệm việc nhà. Tùy vào việc người này bận việc này, việc kia và sức khỏe của vợ hoặc chồng như thế nào mà chúng tôi giải quyết các việc trong gia đình, ngoài xã hội.
Tôi nhìn mô hình chuyên hóa trong gia đình cũng hay, nhưng tôi không muốn áp dụng. Mỗi người sẽ có tâm lý ỉ lại vào người kia, dần dần mất đi năng lực giải quyết những việc lâu họ không làm. Nếu không có vợ, hoặc không có chồng, họ sẽ khó thích nghi với cuộc sống. Cuộc sống như thế là cuộc sống phụ thuộc vào nhau. Người ta gắn bó với nhau không phải vì yêu thương, tôn trọng mà vì có người thay mình giải quyết một số việc mình không làm được.
Tôi rất sợ những câu nói gây tổn thương cho nhau, nhưng những cặp vợ chồng mà tôi chứng kiến lại thường hay nói với nhau những câu nói như vậy. Họ giải thích vì họ stress, họ không kiềm chế được. Tuy nhiên, vấn đề là nhiều người xả được stress khi về tới nhà đấy. Chẳng hiểu lí do tại sao, những cặp vợ chồng đó lại dồn tất cả những bực dọc lên vợ và chồng mình.
Tôi thấy đàn ông, phụ nữ ở đâu cũng có ưu điểm, nhược điểm. Nhưng người ta sống để hoàn thiện hơn chứ không phải gây áp lực cho nhau. Tôi có thể phiếm diện, nhưng góc nhìn của tôi nó như vậy.
Vâng! Tôi cảm ơn anh vì những chia sẻ của một người đàn ông, một người chồng.