Stress vì bỗng dưng chồng kiệm lời
Thấy chồng lúc trước thích tíu tít, giờ hay im lặng, Hiền đâm lo. Hiền nhờ chồng dắt xe, tải mấy bài hát trẻ trên mạng, cốt để được nghe chồng tâm sự nhưng anh xã lại gắt gỏng.
Đọc sách tâm lý, thấy người ta khuyên phải đưa ra những câu hỏi tìm hướng giải quyết thì đàn ông mới hứng thú, Hiền làm theo. Cô hỏi chồng cách tải nhạc, game trên mạng, anh xã hào hứng chỉ cho một hồi. Sau, đâu lại vào đó. Nếu còn hỏi thêm thì chồng bực: “Hướng dẫn rồi, còn hỏi mãi”.
Ban đầu, nghĩ chồng mệt mỏi nên chán không buồn nói, Nhàn kiên nhẫn chờ. Thế mà, đến vài tháng sau, chồng vẫn lạnh như thế. Tìm hiểu từ gia đình chồng, Nhàn mới biết, anh xã vốn kiệm lời, chỉ những chuyện hợp gout (sở thích) mới nói. Mẹ chồng còn đùa: “Chồng con khô còn hơn quần áo được vắt trong máy”. Lúc tán tỉnh, chắc anh xã gắng sức để nói, nên giờ, trở về nguyên trạng thái cũ.
Muốn cải thiện tình hình, mỗi khi có cuộc vui chơi, ăn tiệc của công ty, Nhàn đều chủ động gợi ý để chồng tham gia. Nhưng đến đó, anh xã cũng chỉ hỏi thăm đồng nghiệp của vợ vài câu rồi lại im… ỉm. Mọi người xung quanh phải than: “Sao anh ấy ít nói thế?” khiến Nhàn mặc cảm.
Mà Nhàn bực nhất là khi vợ chồng cãi nhau mà đối phương không thèm… nói lấy một lời.
Phụ nữ vẫn biết tính của đàn ông là ít nói. Không ít anh chỉ nói nhiều trong thời kỳ tán tỉnh và sau này là trong bàn tiệc, cuộc nhậu với các chiến hữu, hoặc các buổi họp long trọng, hội thảo...
Nhìn chung, cái gì liên quan tới tiền hoặc vấn đề to tát như thị trường ôtô, chứng khoán... thì đàn ông thích "nổ". Khi về nhà đã mệt mỏi, còn sức đâu tâm sự với vợ, mà toàn chuyện “vi mô” của đàn bà...
Phụ nữ thích "buôn chuyện" và coi đó là sợi dây kết nối tình cảm vợ chồng. Đó là nhu cầu chính đáng vì rõ ràng, chia sẻ nhiều thì mới hiểu nhiều. Nhưng có khi, anh xã thường thích hành động hơn là nói nhiều đến cảm giác của họ. Các anh cũng ít thích than vãn, phàn nàn về những khó khăn trong công việc như phụ nữ. Họ giải tỏa bằng cách vào mạng, xem thể thao, đọc báo...
Đó là đặc trưng giới, nếu người vợ dung hòa được thì sẽ sống hạnh phúc vì hiểu và thông cảm được với tính nết của chồng. Điều đáng mệt nhất là khi anh xã kiệm lời, đi kèm với thái độ dửng dưng, lạnh nhạt hoặc coi việc nhà, đối nội - đối ngoại nghiễm nhiên là của vợ. Khi đó, người vợ nào cũng ấm ức, buồn rầu vì một mình phải gánh vác mọi thứ. Sự im lặng của chồng chẳng khác gì hố sâu ngăn cách tình cảm đôi bên.
Nói nhiều - nói ít là bản chất của mỗi người. Tránh buồn rầu vì chồng kiệm lời, quan trọng là lời nói của đối phương đúng lúc, đúng chỗ.