Sống với chồng thiếu quyết đoán

,
Chia sẻ

Chị dâu của Diệu muốn cô đánh cho một chiếc chìa khóa nhà để: ‘Lúc nào thích ăn trưa ở đây thì ăn’. Diệu không ưng lắm. Tuy nhiên, chồng Diệu lại bảo: ‘Cứ để chị ấy thoải mái’.

Diệu không hẹp hòi chuyện ăn uống của chị dâu ở nhà mình. Nhưng khi nào chị dâu định ăn trưa thì phải báo trước. Chứ cứ cái kiểu đi làm về, thấy quả dưa hấu mới mua đặt trong tủ lạnh đã bị chị dâu và đồng nghiệp của chị ấy ăn sạch thì Diệu rất ấm ức. Ngại góp ý vì sợ mang tiếng so đo với chị dâu, Diệu “nháy” chồng nói với chị dâu một tiếng nhưng anh xã gạt đi bảo: “Mấy chuyện vặt vãnh ấy, em để bụng làm gì”.

Chồng Diệu vốn hiền nên dù ở riêng, vợ chồng Diệu cũng bị mẹ chồng can thiệp. Mua tivi, sắm xe máy, đổi tủ lạnh... cũng phải thông qua mẹ chồng. Nếu không sẽ bị mẹ chồng chê lên – chê xuống. Có lần, vợ chồng Diệu đã thống nhất sơn lại tường nhà màu hồng. Đến khi mẹ chồng không đồng tình thì chồng Diệu chẳng có chính kiến gì. Cứ như tất cả lỗi là ở Diệu. Nhiều lần như thế khiến Diệu rất chán. Diệu muốn tìm cách để chồng quyết đoán và mạnh mẽ hơn mà chưa thành công.
 
Còn Minh Anh (Ba Đình, Hà Nội) vẫn ức chồng vụ năm ngoái, chồng cô mang tiền đi gửi tiết kiệm theo lời mẹ, thay vì đầu tư vào vàng như dự định của cô. Khi mẹ chồng khăng khăng: “Gửi tiết kiệm để sau này có vốn cho thằng cu Bi đi học, chứ vàng với bạc gì” thì Minh Anh thấy chồng răm rắp nghe lời.
 



Kết quả, sau một năm gửi tiết kiệm với chút ít tiền lãi trong khi giá vàng cao vùn vụt, chồng Minh Anh lại thở ngắn than dài: “Tại hồi đó em không dứt khoát. Sao không nói thẳng với mẹ để mẹ bảo gửi tiết kiệm cũng thấy gật đầu?”...

Ngay cả chuyện đưa cu Bi đi đu quay vào chủ nhật đã được vợ chồng thống nhất từ hôm trước. Thế mà khi chuẩn bị xuất hành, thấy mẹ cản là chồng Minh Anh hủy đi chơi luôn. Có lúc không chịu được, Minh Anh nói rõ quan điểm của mình thì mẹ chồng cô cho rằng, con dâu hay cãi. Hơn nữa, chẳng được chồng đồng tình nên Minh Anh càng thấy “thân cô thế cô”. Minh Anh thà nhịn và không ý kiến gì cho xong, đỡ phải mang tiếng hỗn hào, lại khỏi rước bực mình.

Khéo dùng chồng làm "đồng minh"

Với những anh chồng hay nghe lời mẹ và những mẹ chồng quen can thiệp sâu vào đời sống của con trai thì việc “đối đầu” của con dâu vô cùng khó. Kể cả khi giành được phần thắng thì mối quan hệ vợ - chồng, con dâu – mẹ chồng cũng chưa hẳn đã thuận lợi. Bởi lẽ, có rất nhiều chuyện nhỏ lẻ xảy đến trong gia đình. Nếu chuyện nào là đúng thì con dâu còn có lý lẽ để đưa ra quan điểm của mình. Những chuyện không đúng cũng không sai (như con dâu muốn mua lò vi sóng hãng X, mẹ chồng thích hãng Y) thì khi ấy cũng dễ xảy ra xích mích do khác nhau về sở thích, quan điểm sống, cách nghĩ...

Tất nhiên khi đã có gia đình riêng, người phụ nữ muốn được tự tay thu vén cho tổ ấm của mình. Không ai muốn có sự can thiệp sâu nào từ bên ngoài, dù đó là của mẹ chồng hay anh chị em nhà chồng. Ai cũng muốn cuộc sống riêng của mình được tôn trọng và đó là tâm lý dễ hiểu.

Ở vào hoàn cảnh người chồng thiếu quyết đoán thì để giữ hòa khí trong nhà, lại có thể lái chồng theo ý mình, đòi hỏi con dâu phải tâm lý. Kể cả khi nêu quan điểm đúng thì có khi vẫn khó được mẹ chồng chấp nhận, chưa kể còn mang tiếng là “giỏi cãi”. Bởi lẽ, từ trước đến nay mẹ chồng đã quen với việc đưa ý kiến trong nhà. Người chồng cũng đã quen với việc để mẹ quyết định mọi việc. Khi con dâu sống chung và muốn thay đổi thói quen đã có từ lâu này thì dường như rất nan giải. Hơn nữa, các cụ lớn tuổi thường có tâm lý thích dạy bảo con cái.

Tốt nhất, có chuyện gì hai vợ chồng nên thống nhất trước. Sau đó, có thể thưa chuyện với bố mẹ chồng. Nếu đúng thì chồng, bố chồng hoặc các thành viên khác trong nhà chồng sẽ cùng đồng lòng. Khi ấy, có thể mẹ chồng cũng xuôi theo ý kiến của số đông. Cũng cần tránh phản đối ý kiến của người lớn. Thay vào đó, khéo léo để mẹ chồng biết rằng, đó là ý được hai vợ chồng thông qua. Thông thường, những người mẹ thích can thiệp vào chuyện của con trai là những người yêu con. Do đó, nếu biết con trai mình muốn thế thì các cụ cũng sẽ phải nghĩ lại.
 
Theo Me&be
Chia sẻ