Phũ phàng những tình yêu thực?
Có nhiều cô gái đã bỏ lỡ những cơ hội của đời mình khi cứ hoang tưởng về những điều kỳ diệu, những sự lãng mạn phải có của tình yêu...
Ôm tiểu thuyết để yêu
15 tuổi, Mai đã bắt đầu đọc "Đồi gió hú", cô say mê tiểu thuyết này và đọc lại mỗi khi thích. Khi lớn lên, Mai vẫn giữ cuốn sách như sách gối đầu giường, thi thoảng lại giở những phần yêu thích để nhấm nháp đọc đi đọc lại. Có lẽ, Mai đã thuộc từng đoạn, từng đoạn của cuốn tiểu thuyết đó. Trong lòng Mai, không có tình yêu nào vĩnh cửu và đẹp hơn tình yêu của nhân vật chính Heathcliff dành cho người đẹp Catherine. Thậm chí khi còn nhỏ, Mai còn vừa đọc vừa vẽ những nhân vật mình yêu quý theo tưởng tượng và treo khắp nhà. Tình yêu của nhân vật chính đã in hằn trong Mai và cô luôn nghĩ rằng đã không yêu thì thôi nhưng nếu yêu, cô phải yêu một người như Heathcliff. Cô phải xứng đáng có một tình yêu bất diệt như vậy.
Nay đã 30 tuổi Mai vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai hoặc có cảm tình một ai đó nhưng không đủ độ để cô nghĩ đến yêu. Cô không thấy ở đối phương có cái tình cảm sâu sắc, cháy bỏng như ở "Đồi gió hú" và như vậy thì không đáng để yêu. Một người bạn biết những tâm sự của Mai, biết cô bị ám ảnh bởi câu chuyện tình chỉ có trên sách ấy, bạn đã khuyên Mai phải sống thực tế hơn. Mai cũng biết mình hơi bị hoang tưởng nhưng cô không thể nào nhìn vào thực tế được. Cô thất vọng khi nhìn những tình yêu xung quanh mình, cô thấy tình yêu nào cũng tầm thường và tẻ nhạt. Cô chỉ ước có người đàn ông nào đó sẵn sàng chết vì mình, nhưng thời nay làm gì có trở ngại gì đến mức phải hy sinh cho người mình yêu như mong ước của Mai?!
Sợ đàn ông vì sợ sự tẻ nhạt của yêu
Vốn là người đàn ông từng có gia đình nên bạn trai chị khá cởi mở về sex và anh cũng không ngần ngại đòi quan hệ với chị cho dù chị chưa từng yêu ai. Chị không đồng ý và hai người đã rất nhiều lần cãi nhau lên bờ xuống ruộng chỉ vì một người muốn mà người kia không. Điều đó đã vô tình làm hình ảnh tình yêu trở nên phũ phàng trong con mắt của một cô gái vẫn còn đang thần thánh hòa tình yêu. Chị Phương buồn lắm. Đến người yêu thứ hai, người này cũng từng có vợ rồi, anh không đòi quan hệ, anh hiểu cái tâm tư của một cô gái tuy đã nhiều tuổi nhưng vẫn còn đang mơ mộng với tình yêu nhưng chị cũng lại nhanh chán. Đơn giản vì anh quá bận, thời gian không có nhiều dành cho chị, hai người yêu nhau mà chỉ gặp loáng thoáng hoặc đi ăn trưa cùng nhau là hết. Chị thấy tình yêu như vậy thật chán ngắt. Điều chị mong ước vô cùng đơn giản là được nhận hoa vào ngày lễ, được tặng món quà bất ngờ vào sinh nhật, hàng ngày được quan tâm săn sóc, đối phương phải hiểu được tâm tư tình cảm của chị, phải cho chị thấy được nỗi nhớ thương và say mê chị... Nhưng tất cả đều không được như mong muốn. Chị thất vọng hoàn toàn về chuyện tình cảm. Đàn ông trong mắt chị đều lãng xẹt và vô cảm, ngoài sex và công việc họ hình như chẳng còn biết gì nữa, trong tình yêu họ thật ích kỷ. Trải qua hai mối tình đó, chị Phương chẳng buồn yêu nữa chứ không nói đến chuyện lấy chồng. Chị sắp xếp sẵn trong đầu về một dự định sống độc thân.
Tình yêu thực và sự hoang tưởng
Sẽ có rất nhiều người lên tiếng phản đối khi cho rằng tình yêu thời nay không còn sự lãng mạn, sự lãng mạn có lẽ dành cho tuổi học trò chưa biết lo lắng đến cuộc sống, chỉ lo ăn và chơi và yêu. Còn với những người đã đi làm, đã bước vào cuộc sống đích thực thì những lo toan, những bận rộn của đời sống cứ cuốn mỗi người đi khiến họ không còn nhiều thời gian để lãng mạn nữa. Thực tế đã không ít chàng trai tâm sự rằng họ không muốn yêu dài lâu vì họ sợ cái sự phải chiều chuộng, phải tìm cách này hay cách kia để làm hài lòng người yêu mà người yêu của họ thì cứ muốn những thứ lãng mạn rất... đàn bà, rất phim ảnh đến mức dở hơi. Cho nên, nhiều chàng yêu nhanh cưới vội khi tìm được người cũng "hờm hợp" với mình là đủ, còn lại thời gian sức lực là các chàng dành cho công việc, sự nghiệp và ti tỉ thứ khao khát như xe hơi đẹp, nhà to...
Tất nhiên đã là tình yêu thì dù ở lứa tuổi nào vẫn đầy những mối tình lãng mạn, những điều ngọt ngào chẳng kém các ca khúc nhạc tình mà họ dành cho nhau. Thế nhưng, không phủ nhận rằng thời nay sự lãng mạn ấy cũng bị phôi pha đi nhiều bởi những bận rộn trong đời sống. Với những cô gái mơ mộng, luôn nhìn tình yêu trên phim ảnh và tiểu thuyết là lý tưởng thì điều đó càng phũ phàng và họ bỗng trở nên lãnh cảm với tình yêu.
Họ không phải là những người sống trên mây mà bởi họ quá lý tưởng hóa tình yêu, đòi hỏi quá nhiều ở tình yêu và chờ đợi quá nhiều ở yêu nên dễ thất vọng.
Hãy nhìn xem, với một bộ phim, khi nhân vật buồn, âm nhạc của phim làm nỗi buồn ấy lãng mạn hơn, sâu đậm hơn, khi hai người yêu nhau, gặp nhau, những góc quay đẹp làm cho cảnh họ gặp nhau thật đáng nhớ biết bao... Phim hay tiểu thuyết đơn giản là phải làm cho cuộc sống phức tạp lên, trái ngang giăng đầy để lấy nước mắt, sự thổn thức của khán giả. cuộc sống hoàn toàn ngược lại, âm thanh đời sống chỉ có tiếng va đập, tiếng còi xe và khói bụi. Tình yêu trong đời sống thực cũng vậy, nhiều khi đơn giản và dễ dàng, thuận lợi đến mức không có gì để nói. Yêu và cưới là xong. Nhưng những cô gái mắc chứng hoang tưởng về tình yêu đâu hiểu rằng, sự đơn giản ấy lại là một vẻ đẹp của tình yêu cần giữ gìn. Đâu phải sóng gió mới tạo nên tình yêu, đâu phải những hành động đẹp, rất mãnh liệt như trên phim mới chứng tỏ chàng yêu mình tha thiết, đâu phải buộc người yêu hy sinh mọi thứ vì mình mới là yêu...