Ốc đảo của những kiếp người bạc phận

,
Chia sẻ

“Chú có sợ và ngại khi nói chuyện với chúng tôi không?”. Câu hỏi thẳng thắn của cụ Lượng làm tôi hơi bất ngờ, nhưng làm tôi hiểu rằng: cái ám ảnh và định kiến bao lâu nay vẫn còn đó...

Nơi có những kiếp người bạc phận

Làng phong Quả Cảm có từ năm 1913, trước đây hàng chục năm nó đúng nghĩa là một trại tập trung người mắc bệnh phong, cách ly  hoàn toàn khỏi xã hội, trải qua nhiều thời kỳ biến động  đến nay làng được mang cái tên Bệnh viên phong và da liễu Quả Cảm. Đã bớt đi nhiều sự kỳ thị, nhưng vẫn còn đó những dư tích và biết bao con người đang dần dần đi vào lãng quên theo quy luật bất biến của thời gian, họ cứ thế sống trong sự tách biệt lầm lũi cô đơn.
 
 
Làng phong Quả Cảm có hơn 100 người trong đó đa phần là người già
 
Nép dưới những tán cây xanh, từng lớp nhà tập thể cấp 4 đơn sơ, đó là nơi an trú của hơn trăm người bệnh, đa số đều đã già cả và có thâm niên hàng chục năm gắn bó với làng. Đến thăm gia đình cụ Dương Văn Lượng, khi cụ đang ngồi tuốt từng lá chuối khô, rồi nối chúng lại với nhau thành một sợi dây, “để có cái dùng buộc này nọ chú ạ”. Cụ xưng hô và nói với tôi như vậy!
 
Cụ Dương Văn Lượng – một người sống lâu năm tại Làng

“Chú có sợ và ngại khi nói chuyện với chúng tôi không?”. Câu hỏi thẳng thắn của cụ Lượng làm tôi hơi bất ngờ, nhưng làm tôi hiểu rằng: cái ám ảnh và định kiến bao lâu nay vẫn còn đó, và những người như cụ Lượng thì đã gánh chịu rất nhiều nỗi cực nhục vì 2 chữ “người hủi”…Câu chuyên dài đời cụ kể từ khi mắc bệnh, chạy từ trại này sang trại khác…rồi về ở làng Quả Cảm từ những năm 60 của thế kỷ trước, cứ thế lướt qua, lướt qua như một bộ phim chỉ có những cảnh buồn…Kết thúc câu chuyện cụ Lượng chỉ tay ra phía bệnh xá nói: có một ông vừa mới trả từ bệnh viện tỉnh về đây nằm chờ để “đi”…ông ấy không có ai họ hàng than thích cả, vào thăm chỉ còn phều phào: về rồi…về rồi…Tôi thảng thốt nhận ra điều rằng: rồi dần dần các cụ ở đây rồi cũng sẽ  “đi”, rất nhiều cụ ông, cụ bà sẽ cô đơn nằm xuống không có một nén nhang của người thân thích tiễn đưa…

Tiếng chuông chùa dẫn miền an tịnh
 
Trong Làng Phong Quả Cảm có ngôi chùa nhỏ gọi là chùa Phúc Sinh. Trông nom việc chùa là cụ bà Hoàng Thị Chuốt, năm nay đúng 78 tuổi. Vi khuẩn Hansen đã ăn cụt 10 ngón tay, và cả đôi chân cũng bị cắt đến sát đầu gối, đi lại và làm việc với cụ vô cùng khó khăn. Nhưng sáng sáng chiều chiều nào cũng vậy, gần 20 năm cụ luôn gióng đủ chuông, lên đủ nhang, từ lễ nhật tụng cho đến lễ rằm, lễ riêng, lễ cầu siêu.
 
 
Cụ Hoàng Thị Chuốt đang đánh chuông

Chuyên tâm vào cửa Phật có lẽ vì cụ biết tiếng chuông từ ngôi chùa này là chỗ dựa tâm linh cho rất nhiều con người còn cũng như đã khuất. Ngồi nghe tiếng chuông vang qua các quả đồi, tường chừng như đang dẫn lối bao số phận gánh chịu bất hạnh về nơi an tịnh.

Sợi dây tình người

Để sợi dây ấy được bền chặt, phải nói đến “Cô Xuân”, đó là cách gọi kính mến của tất cả mọi người trong làng với cô Nguyễn Thị Xuân. Cách đây 20 năm cô về làm y tá tại Làng Quả Cảm, để rồi từ đó gắn bó với số phận những con người bât hạnh. Từ các việc như chuyên môn y tế, đóng dụng cụ hỗ trợ, lo toan cải thiện đời sống vật chất, rồi cả mai mối kết duyên cho người ở làng đều có công sức to lớn của cô Xuân. Chuyện cô Xuân mai mối cho người bệnh thì nhiều, có những chuyện như cổ tích, song cô lại không lập gia đình. Người phụ nữ cao cả này đã nguyện trước Chúa dành đời mình làm việc thiện, làm bảo mẫu cho Làng phong Quả Cảm.
 
Cô Xuân – Nguyễn Thị Xuân người dành chọn tuổi thanh xuân chăm lo cho các bệnh nhân
 
Ở làng có những đôi vợ chồng đã nên duyên sinh con đẻ cái, những thế hệ con cháu của họ được học hành, đi làm và thành đạt. Gia đình cụ Hoàng Thị Chuốt là một điển hình, lấy một người đàn ông cùng cảnh ngộ, rồi có được người con trai, đến nay đã trưởng thành, lập gia đình riêng, vẫn thường đưa vợ con về thăm hai cụ.
 
 
Một góc Làng phong Quả Cảm

Tính ra thì Làng phong Quả Cảm đã có lịch sử gang 100 năm, rất nhiều điều đã đào sâu chôn chặt, nhưng hiện thực thì vẫn còn hơn 120 người ở tại làng, phải khẳng định rằng họ chỉ là những người từng bị bệnh phong. Di chứng của căn bệnh cái ác đó đã cướp đi phần cơ thể và mang theo  cả những mặc cảm. Họ vượt qua được tất cả đó là nhờ có tình người, cái sợi dây vô hình nhưng chắc chắn giúp cho ngôi Làng đặc biệt này vượt qua được sự khắc nghiệt của thời gian cũng như bao định kiến kỳ thị để có một màu xanh bốn mùa hoa trái.

Nguyên Minh

 
 
Chia sẻ