Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà

Ở nhà nội trợ cực hơn đi làm?

,
Chia sẻ

Đã mấy đêm nay tôi mất ngủ. Hạn nghỉ đẻ đã hết, nhưng chồng tôi bảo, tôi nên làm đơn xin thôi việc, nghỉ hẳn ở nhà làm nội trợ, trông con.

Năm nay tôi 28 tuổi, tốt nghiệp đại học ra trường và đi làm được 4 năm. Chồng tôi hơn tôi 8 tuổi, anh là người đàn ông thành đạt và rất yêu thương vợ con.
 
Anh đưa ra những lý lẽ rất thuyết phục: Nếu tôi đi làm, phải thuê người giúp việc hay trông con hoặc gửi con ở nhà trẻ rồi các lớp bán trú thì chi phí cho những dịch vụ đó có khi còn lớn hơn số tiền lương của tôi mà lại không yên tâm. Mặt khác, tôi ở nhà sẽ có thời gian rảnh rỗi chăm sóc cho mình và lo cho chồng con chu đáo hơn, do đó gia đình sẽ hạnh phúc hơn. Có lúc anh con nói, tiền lương của tôi chỉ bằng anh làm thêm một chút hoặc giảm bớt một vài bữa nhậu là đủ.
 
Trước những tính toán chi ly của anh, tôi không biết nói thế nào? Tôi có nên nghe lời chồng tôi không? Nghỉ việc ở nhà nội trợ hay, dở thế nào? Thực tình tôi chưa có một chút kinh nghiệm gì về chuyện này nên rất phân vân... (Thuý Hạnh)

Trả lời:

Bạn Thuý Hạnh thân mến!

Có rất nhiều những ông chồng có thu nhập cao, trong khi người vợ vẫn hưởng mức lương khiêm tốn của người lao động bình thường. Từ đó, không ít người nảy sinh ý nghĩ, chỉ mình chồng kiếm tiền là đủ, vợ ở nhà làm nội trợ, trông con, thu vén gia đình.

Phải thừa nhận cách tính toán của chồng bạn là có lý. Tiếc rằng anh ấy chưa quan tâm đến những trở ngại về tâm lý mà nhất định bạn sẽ gặp phải nếu nghỉ việc, ở nhà làm nội trợ.                    

Đó là trong xã hội hiện đại, ở thành phố hầu hết những người đi làm thường thiết lập những mối quan hệ bạn bè ở cơ quan, công sở. Quan hệ xóm giềng là rất phụ vì nhiều khu dân cư toàn những người mới đến, rất ít quen biết nhau.
 
Khi nghỉ việc không đi làm nữa, họ rơi vào tình trạng gần như bị cắt đứt các mối quan hệ xã hội, làm cho đời sống tinh thần, tình cảm nghèo nàn hẳn đi. Nhất là đối với những người đã qua đại học như bạn thì công việc không đơn giản chỉ là để kiếm tiền, để có thu nhập mà còn là một hình thức tự khẳng định mình, thể hiện khả năng của mình.
 
Thôi việc là từ giã tất cả những cái đó, nên thường gây ra tâm lý tiếc nuối, ân hận, buồn bực và chính điều đó ảnh hưởng đến tính tình, đến cách đối xử với chồng con, đến hạnh phúc gia đình. Đó là chưa kể, khi gặp bạn bè từ hồi đi học hay những người mới gặp lần đầu, bạn sẽ rất lúng túng trước câu hỏi: “Hiện nay chị làm gì?”. Không ít chị em có mặc cảm “mất thể diện” về mặt xã  hội khi mà tuổi trẻ chưa qua, tuổi hưu chưa đến.

Có những trường hợp còn tồi tệ hơn. Chồng bắt đầu cảm thấy vợ tẻ nhạt, về nhà còn hống hách với vợ, mắng vợ là “ăn bám”, đối xử như với kẻ ăn người ở. Không ít chị đã nhận ra sai lầm khi xin thôi việc, giờ lại muốn đi làm nhưng điều đó không phải là đơn giản.

Có thể rút ra một nhận xét rằng, trong xã hội hiện đại, quả là có những gia đình chỉ cần người chồng đi làm cũng đủ nuôi vợ con. Nhưng hạnh phúc đâu phải chỉ là sự đủ đầy về vật chất? Khi đời sống vật chất càng cao thường đòi hỏi một đời sống tinh thần tương ứng. Người phụ nữ không đi làm có thể nhàn hạ hơn nhưng điều đó không có nghĩa là hạnh phúc hơn. Nhiều khi những “việc không tên” ở nhà chưa chắc đã nhàn hạ hơn đi làm nhưng lại không được trả lương và bị coi như “ăn bám”.

Chúng tôi chỉ có mong muốn cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để bạn cân nhắc cho khỏi nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện. Còn người quyết định hạnh phúc tương lai của đời mình vẫn chính là bạn.

Chúc bạn có một lựa chọn thông minh và sáng suốt!

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà

Chia sẻ