Nỗi niềm nàng dâu khi họ hàng ở nhờ thi đại học

,
Chia sẻ

Cảnh mất điện liên tục, nhà cửa chật chội hay chẳng may "bầu bì" giai đoạn này mà có người thân tới ở nhờ thì cũng lắm cảnh "dở khóc, dở cười".

Cô em họ vụng về

Sắp đến ngày thi ĐH đợt hai, chị Thu Phương ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang "méo mặt" vì có cô em họ tên Hoa bên nhà chồng đến ở nhờ thi đại học khối C.

Là con gái, lại ở quê nhưng cô bé này không biết làm việc nhà thành thạo, lý do là bố mẹ nuông chiều, chỉ cho ăn và học, không phải làm bất cứ việc gì.

Ưu điểm của Hoa là rất chăm học, nhưng khổ nỗi, đêm nào cô cũng thức khuya, nhà chật chội, nóng nực nên sáng dậy muộn, uể oải. Thế là chị Phương lại phải vác bụng bầu đi chợ sáng sớm, chế biến thức ăn để trưa Hoa ở nhà ăn một mình. Cô bé chỉ biết mỗi việc là cắm nồi cơm điện và luộc rau muống, còn các món ăn chế biến cầu kỳ một chút như ở thành phố thì hoàn toàn "mù tịt". Hôm trước cho thử rang thịt thì mặn đắng, rán cá thì cháy khét lẹt.

"Là phận làm dâu, cả đời họ hàng nhà chồng mới nhờ một lần, chả lẽ lại từ chối. Em sẵn sàng cho tiền nó thuê nhà trọ nhưng đời nào chồng em chịu, mang tiếng với họ hàng ở quê ra. Hơn nữa, em nó đến ở nhờ có vài ngày, khó bắt làm những việc như lau 3 tầng nhà hay giặt quần áo, vì cần nghỉ ngơi để có sức cho kỳ thi quan trọng. Nhưng kéo dài tuần lễ thế này chắc em cũng ra bã, mà ngày sinh sắp đến nơi rồi, lẽ ra phải được nghỉ ngơi mới đúng", chị Phương tâm sự.
 

Mất vệ sinh quá!

Cảnh nhà chị Hằng, quận Tây Hồ cũng không kém phần éo le.

Ông bác ruột của chồng ở quê lên đưa con trai đi thi đại học. Chị Hằng làm công ty nước ngoài, rất bận rộn nhưng mấy ngày nay cũng phải thu xếp để phục vụ họ hàng. Ông bác nói rõ là không ăn đồ ăn chế biến sẵn trong siêu thị để đảm bảo sức khoẻ cho con ôn thi nên sáng sớm, chị ra chợ mua đồ ăn tươi ngon, về nấu cho bác và cháu ở nhà ăn do trưa chị không về được.

Về mặt tiền bạc đóng góp cho chị mấy ngày hai bố con ở rất thoải mái, nhưng chị Hằng cũng rất mệt mỏi.

Chị Hằng thở dài nói thêm: Cả nhà chỉ có mỗi mình là phụ nữ, ăn xong dĩ nhiên phải rửa bát, lau nhà, phơi quần áo. Bực nữa là cảnh sinh hoạt người quê rất khác nên càng "xì trét" nặng. Ông bác lại có thói quen là khạc nhổ vào bồn rửa bát hoặc ra ngay hè chứ không vào bồn rửa mặt rồi xả nước. Nhiều khi phát khùng, nhưng phải bấm bụng chịu đựng.

Càng nhẫn, càng được

Ai biết gia cảnh nhà chị Hồng Nhung ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng đều giật mình khâm phục. Hai vợ chồng vay mượn tứ tung mới mua được căn nhà 25m2, xây ba tầng.

Ngoài hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ, một người giúp việc ra, trong nhà chị thường xuyên có thêm hai cậu sinh viên họ hàng nhà chồng ở nhờ. Mùa thi năm nay, chị vừa đón thêm một cậu nữa con chú ruột chồng ra thi đại học. Bằng ấy người "nen" trong căn nhà chật chội đã phát khiếp, chứ chưa nói đến vài cái xe máy luôn phải để trong nhà vì ngõ chật.

Người khác nhìn vào đã thấy ái ngại, nhưng kỳ lạ, chị tuyệt nhiên không bao giờ than thở với hàng xóm câu nào, cứ nhẩn nha làm mọi việc, từ cho con ăn đến đi chợ. Bà giúp việc có lần còn nói đùa: "Nhà này có hai ô sin", cho thấy chị tốt nết thế nào.

Cũng nhờ hỏi bà giúp việc mới biết, bí quyết giúp cho chị "trong ấm ngoài êm" với gia cảnh phức tạp thế là bởi chị quan niệm: cuộc đời có trả, có vay. Giờ mình có thể đang trả nợ người khác, cứ hoan hỉ thì mọi việc tốt đẹp. Chị cũng đã nói rõ với các cháu họ hàng, trong lúc chị khoẻ thì chị có thể làm giúp mọi việc, nếu lúc nào bận rộn, mệt mỏi, là con trai cũng phải làm việc nhà hay giúp đỡ anh chị những việc cần thiết.

Chị Thanh Hà (quận Hoàn Kiếm) cho biết: thông thường, chỉ phụ nữ mới chú ý đến mấy điều nhỏ nhặt, thành ra càng thêm khó chịu. Nếu họ hàng nhà mình, chắc các chị không bực bội đâu, có khi giúp đỡ nhiệt tình, vui vẻ là khác. Tuy nhiên, nếu những lúc căng thẳng, mệt mỏi và nóng nực như thế này, các ông chồng cũng tham gia vào các công việc gia đình thì các chị sẽ hài lòng hơn, không mang nặng tâm lý "đi phục vụ người dưng" nữa.

Chị nói thêm: Người ở quê đúng là khác văn hoá, có thể nếp sống không đồng nhất được, nhưng với cảnh đắt đỏ thuê nhà hiện nay thì việc đến ở nhờ người họ hàng là lựa chọn số một. Có lẽ những dịp như thế này, cả hai bên đều học được những cách sống hay vì có dịp "thử lòng".
 
Theo Vietnamnet
Chia sẻ