Những cuộc hôn nhân chớp nhoáng

,
Chia sẻ

Tina Wang cưới người bạn trai đầu tiên vào mùa xuân năm 2008, vì anh thường xuyên thúc ép cô quan hệ, còn cô không muốn chuyện đó ngoài hôn nhân. Mùa hè năm 2009, họ ly hôn.

"Tôi không thể chịu đựng được tính tình của anh ta... chúng tôi cãi nhau luôn", Wang, 27 tuổi, kể lại. "Tôi muốn tìm một người phù hợp hơn với mình".

Wang thuộc thế hệ "8x đời đầu" - những đứa trẻ con một, là sản phẩm của chính sách kế hoạch hóa gia đình chặt chẽ của Chính phủ Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1979 và cũng là những người đang đổ dầu vào trào lưu ly hôn ở nước này, các chuyên gia cho biết.

Theo Bộ Nội Vụ Trung Quốc, 1,71 triệu cặp đôi đã đâm đơn ra tòa vào năm ngoái, tăng 10,3% so với năm 2008. Tuy không có số liệu cụ thể về con số ly hôn của nhóm "8x đời đầu", song Ủy ban Nghiên cứu Gia đình và Trẻ em Trung Quốc cho biết 30% các cuộc hôn nhân như vậy kết thúc thất bại.

"Lý do các cặp vợ chồng 8x đời đầu ly hôn nhiều chủ yếu là vì họ quá đề cao cái tôi của mình và hiếm khi nghĩ đến cảm xúc của người khác", Sun Yunxiao, phó giám đốc cơ quan này cho biết. "Họ chính là thế hệ 'Tôi là trên hết' đầu tiên của Trung Quốc".
 

Tuy nhiên, điều mà các con số chưa tiết lộ, là sự bùng nổ tình cảm giữa những người đàn ông và phụ nữ này sau khi ly dị.

Những cuộc hôn nhân chớp nhoáng đã tạo ra một hệ quả đáng ngạc nhiên. Nó dạy cho thế hệ "con một" thói quen cân nhắc các quyết định của mình.

Serena 31 tuổi, là ví dụ điển hình minh họa cho những người đã trưởng thành hơn sau một lần đổ vỡ.

"Ly hôn không phải là sự thất bại của một người. Nó là thất bại của cả đôi", cô tâm sự trong một quán cà phê ở Bắc Kinh. "Tôi giữ trong lòng những điều tốt đẹp và đã học được nhiều từ những điều xấu".

Chồng cũ của Serena là bạn trai đầu tiên của cô và họ đã kết hôn sau 7 tháng quen nhau. Cô cho biết 2 năm đầu chung sống "rất hạnh phúc", nhưng năm sau đó trở thành "địa ngục" khi bà mẹ chồng góa bụa của cô đến ở chung. Bà này cố gắng kiểm soát cô trong mọi hành động, kể cả thời gian tắm của con dâu, cuối cùng buộc chồng của Serena phải chọn mẹ thay cho vợ mình.

"Tôi không hề nghĩ anh ấy sẽ trở thành loại người này", Serena nói, "vì thế điều rất quan trọng là hãy hẹn hò ai đó lâu hơn một năm".

Việc cùng quê đã khiến cô gái "tưởng bở" rằng cô có thể hiểu người chồng này tốt hơn, và có thể sống chung với anh trước khi cưới. "Nhưng đó là một vấn đề rất lớn với các cô gái sinh ra trong các gia đình truyền thống".

Trong một năm rưỡi kể từ khi ly dị, Serena đã chọn cách không hẹn hò với ai cả, mà tập trung để trở thành một phụ nữ độc thân "hạnh phúc và khỏe mạnh".

"Bạn thường sẽ tìm lầm người nếu chỉ muốn có một sự thay thế cho người cũ", cô chia sẻ, không quên nói thêm rằng cô may mắn có gia đình không gây áp lực phải tái hôn hoặc có con.

Sun Li, ngược lại, cảm thấy áp lực kỳ vọng của người xung quanh. Chàng trai người Bắc Kinh này kết hôn lần 2 vào năm 2008, 4 năm sau vụ ly dị, bởi anh "đã gần 30 và cần có một đứa con".

Giờ đây, ở tuổi 29, anh tự nhận mình đã làm tốt hơn vai trò của người chồng: biết quan tâm hơn tới người khác, và cũng dễ dàng nhất trí hơn.

Sun Li cưới lần đầu tiên ở tuổi 22, chỉ 3 tháng sau khi hẹn hò với một cô gái trẻ hơn anh 2 tuổi. "Tôi khi đó quả thực rất bốc đồng, tràn đầy sinh lực. Thấy bạn bè của tôi kết hôn, cha mẹ nói tôi nên tìm lấy một người bạn gái và cưới", anh kể.

Cuộc sống chung chỉ kéo dài 13 tháng vì cả hai vợ chồng đều thích ra ngoài và đi ăn tiệc hơn là ở nhà.

Sun, một tài xế, đồng thời là hướng dẫn viên du lịch, giờ đã là cha của một bé gái một tuổi và nhìn nhận cuộc hôn nhân thứ hai của mình đang trở nên tẻ nhạt, không vì mục đích gì khác ngoài lợi ích của đứa trẻ.

"Nếu có thể tránh được ly hôn, hãy tránh ra. Đặc biệt nếu bạn đã có con, đừng cố chia tay làm gì. Nghĩ kỹ về hôn nhân, và cẩn trọng hơn nữa về ly dị", anh chia sẻ.

Những quyết định vội vàng, bốc đồng của thế hệ đầu 8x chỉ là một nhân tố góp phần vào tỷ lệ ly hôn gia tăng ở Trung Quốc. Một lý do sâu xa hơn đó là quan điểm ngày càng tiến bộ của xã hội về chuyện ly dị.

"Quan điểm của mọi người đã ngày càng cởi mở hơn, vì thế mọi người cũng dễ chấp nhận trước những tình huống như vậy", Ma Fengru, bác sĩ tại Bệnh viện tâm lý Olympic Quốc gia Bắc Kinh, nhận xét.

Lợi ích của cá nhân ngày càng được nâng cao, thay cho lợi ích tập thể trong xã hội truyền thống trước đây, đã ảnh hưởng đến các quyết định kết hôn, ly hôn này.

"Mọi người ngày càng nhấn mạnh đến điều họ cảm thấy và mang những kỳ vọng này vào trong hôn nhân", Ma nói.

Serena, được trang bị bằng chủ nghĩa thực dụng mới, tin rằng giờ đây cô đã sẵn sàn cho các cuộc hẹn hò tiếp theo.

Trong khi đó, Tina Wang, đang chuẩn bị cho cuộc kết hôn lần thứ hai của mình - với người chồng cũ. Wang cho biết hẹn hò với người con trai khác đã khiến cô nhận ra rằng anh chồng cũ mới chính là người hợp với mình. Họ hòa giải sau 6 tháng chia tay và đang có kế hoạch tổ chức đám cưới vào mùa hè tới.

"Chúng tôi giờ đã hiểu nhau hơn và kiên nhẫn với tính cách của người kia. Chúng tôi khoan dung với nhau hơn", cô nói.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ