Những cô vợ thích… ốm để được chồng chiều
“Phỉ phui cái mồm em. Người ta muốn khỏe mạnh chả được mình lại mong bị ốm”. Chồng Thanh gắt lên khi cô đi ước một điều chẳng ai bình thường lại ước.
Đúng là một điều nghịch lí. Nhưng nó lại tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của những cô nàng thích được quan tâm, thích được nhõng nhẽo một cách thái quá… ngay cả khi họ đã có chồng, có con.
Anh ơi, lâu lắm rồi sao em chả ốm?
“Phỉ phui cái mồm em. Người ta muốn khỏe mạnh chả được mình lại mong bị ốm”. Chồng Thanh gắt lên khi cô đi ước một điều chẳng ai bình thường lại ước.
Nhưng Thanh vẫn không chịu thôi, phụng phịu nói với chồng. “Mỗi lần em bị ốm anh chiều em hơn, nên em thích. Anh đi chợ này, nấu cháo cho em ăn này. Lại còn cuống cuồng lên hỏi em có đau đầu không, có dát họng không. Nhìn anh lo lắng tít mù lên, em thấy hạnh phúc lắm vì như thế là anh yêu em nhiều thật nhiều!”
“Thôi đi cô nàng ơi, anh thương em, lúc nào cũng thương, chứ không phải cứ em ốm mới chăm sóc quan tâm đâu mà ước”, chồng Thanh vừa nói vừa véo mũi cô một cái.
Ngay từ hồi còn ở với bố mẹ, Thanh nhiều lúc cũng ước được… ốm như thế. Vì cô bảo, lúc ấy cô muốn gì cũng được bố mẹ chiều. Thế cho nên, cứ hễ không hài lòng điều gì là Thanh lại giở chiêu bài “giả ốm” để bố mẹ lo cuống lên và đồng ý với những yêu cầu của cô. Mà Thanh giả vờ vô cùng giỏi, chẳng sốt thì chùm chăn bông lên thật lâu thì trán cũng nóng, miệng thì rên hừ hừ, đau bụng thì chỉ cần ôm bụng lăn lộn, kêu la một tí là y như thật…
Cũng mắc bệnh “thích ốm” như Thanh, Tùng Chi rất thành công trong việc “uy hiếp” ‘papa’ và ‘mama’. Khi yêu cô cũng hồn nhiên áp dụng với người yêu. Nhưng ngược lại với những gì cô suy nghĩ, anh chàng bác sĩ người yêu cô thừa biết đâu là ‘bệnh nhân thật’, ‘bệnh nhân giả’.
Lần đó, trong ngày 8/3, chàng mắc ca cấp cứu nên tới đón nàng đi chơi muộn mất những… 5 phút. Thế là Chi “hành tỏi” chàng. Vẫn đi chơi như thường, nhưng cái loa phát thanh của Chi hôm nay tự nhiên lại “mất tín hiệu”, mặc cho người yêu làm đủ mọi cách, cô nàng vẫn lặng thinh, “giấu” đi nụ cười.
Chi giận lắm. Cô vùng vằng đòi về. Đêm đó, cô nhắn tin cho người yêu bảo mình bị sốt cao lắm. Người yêu Chi cũng chỉ nhắn lại một câu: “Ừ, em ngủ đi mai sẽ khỏe”. Chi tức lắm, đấm con gấu bông bùm bụp và cảm thấy tủi thân khi không được người yêu quan tâm, chăm sóc.
Hai ngày cuối tuần sau đó, người yêu rủ đi chơi, Chi nhất định không ra khỏi cửa vì “em đau khắp mình mẩy, chả thiết ăn uống gì, đắng miệng lắm”. Người yêu đến, Chi nằm đắp chăn chả thèm ngồi dậy, rên hừ hừ… Nhưng trái với những mong đợi của Chi, người yêu cô chỉ hỏi thăm qua quýt rồi chào về cho cô nghỉ và không quên chua thêm một câu: “Anh mới lấy lương, định đưa em đi mua chiếc váy mới. Nhưng em ốm thế này thì chắc là không đi được rồi. Chờ vài hôm nữa anh lại tiêu hết tiền mất. Thôi anh về nhé. Ăn nhiều vào để mau khỏe em nhé!”.
Bụng Chi tiếc đứt ruột. Cô đang rất thích một chiếc váy màu tím ở cửa hàng mới khai trương gần nhà. Nhưng mà làm sao bây giờ, trót nói là ốm rồi mà.
Nhưng người yêu vừa ra khỏi phòng, Chi đã bật dậy: “Anh ơi, mình đi mua váy nhé. Em khỏi ốm rồi”. Anh chàng người yêu của Chi mỉm cười với bố mẹ cô, “Đúng là bác sĩ có khác, bệnh nhân khỏi ngay” – mẹ Chi vừa cười vừa nói. Còn Chi đỏ bừng mặt, sau lần ấy, chứng bệnh “hơi tí là ốm” của cô cũng giảm hẳn.
Thật giả lẫn lộn
Hồng cũng có cùng chung căn bệnh như hai cô bạn Thanh và Tùng Chi ở trên. Nhưng đó là câu chuyện của 2 năm về trước, giờ thì cho tiền cô cũng không dám cầu… được ốm.
Chả là vốn Hồng cũng là cô tiểu thư con nhà giàu, chỉ cần giẫm phải gai mùng tơi là đã kêu oai oái rồi. Lấy chồng, có con, cô vẫn giữ nguyên tính cũ. Thỉnh thoảng muốn chồng săn sóc, quan tâm là cô lại kêu đau đầu, đau gối. Năm bữa nửa tháng là lại thấy Hồng kêu "hình như em bị ốm mất rồi". Đang khỏe như vâm cô cũng có thể ốm ngay được.
Có lần, bụng đói như cồn, nhưng vì trót kêu đắng miệng, không muốn nuốt đồ ăn nên Hồng đành ngậm ngùi nằm nuốt nước bọt khi mùi vịt quay bốc lên thơm nức mũi. Sau khi cả nhà ăn xong, cô mới lén xuống bếp, ăn "mót" thức ăn còn thừa lại.
Và lần nào Hồng cũng thành công trong việc kéo chồng khỏi bàn nhậu vì thế cô lấy làm hả hê lắm. Mặc dù đôi khi chồng cô cũng cau có, cằn nhằn vì bị ăn “quả lừa” nhưng chẳng sao cả vì cô đã thành công.
Nhưng cái gì quen quá cũng nhàm, thuốc dùng nhiều cũng bị kháng. Lần ấy anh Chương chồng chị Hồng đi họp lớp với bạn bè thời phổ thông. Toàn cánh bạn ruột, lâu ngày không gặp nên anh Chương vui lắm. Hết ăn uống, các anh lại còn đi hát hò rồi ôn lại kỉ niệm xưa. Đang cuộc vui, điện thoại của anh Chương vang lên bản nhạc quen thuộc.
“A lô, anh à. Anh về ngay nhé. Em đau bụng quá, hình như là đau ruột thừa, em không chịu nổi nữa rồi”.
“Thôi, gần 15 năm hôm nay bọn anh mới họp mặt. Em ở nhà chơi với con đi, cho anh về muộn tí”- nói rồi anh Chương tắt máy.
Chị Hồng lại gọi tiếp. Nhưng lần này, anh Chương không nghe máy nữa mà tắt nguồn luôn vì ngỡ vợ cũng như mọi lần, giở chiêu bài “giả ốm” để kéo anh về nhà.
Không may cho anh Chương, lần này vợ anh lại ốm thật. Chị bị đau ruột thừa cấp. Cũng may, đứa con trai lớn của anh phát hiện mẹ nằm đau dữ dội trong phòng, nên đã gọi xe cấp cứu đưa chị đi bệnh viện, nên chị Hồng được phẫu thuật kịp thời.