Những chàng trai sợ yêu phải người như mẹ

,
Chia sẻ

Mỗi lần nhìn mẹ là Chung, sinh viên năm 3, Đại học Giao thông Vận Tải (Hà Nội) lại dội lên lòng căm ghét phụ nữ.

Từ nhỏ, cậu chưa có giây phút nào cảm nhận được tình yêu thương của mẹ, bởi "bà ấy chỉ biết ăn diện rồi đi quán bar, bỏ bê hẳn việc nhà cho bố".

Thỉnh thoảng Chung còn nhìn thấy mẹ thả giọng lẳng lơ với mấy ông hàng xóm già khụ, cậu góp ý với mẹ thì nhận được những lời chửi bới đậm chất "đường phố".

Không thể chịu đựng nổi, Chung khuyên bố nên ly dị đi nhưng ông vẫn bảo thủ vì không muốn anh em Chung không có mẹ, và để gia đình phải ly tán. “Với em, mẹ còn không bằng một người phụ nữ hàng xóm”, cậu tâm sự.

Dù giờ đây đã đi ở trọ bên ngoài, nhưng hình ảnh lẳng lơ của mẹ vẫn ám ảnh đến nỗi cậu không muốn gặp gỡ với bất kỳ một người con gái nào nữa. “Cứ nhìn thấy con gái là y như rằng em nhìn ra cả đống những thứ xấu xa. Cứ nghĩ cô nào cũng giống như mẹ, thế là lại từ bỏ hết ý định kết bạn hay yêu đương”.

Chuyên gia Bùi Ngọc Mai, Trung tâm tư vấn tâm lý Hà Nội cũng từng gặp khá nhiều bạn trẻ, chủ yếu từ 17 đến 23 tuổi, gọi điện tâm sự về việc không có cảm tình gì với những người phụ nữ ở xung quanh, do ám ảnh của tuổi thơ quá lớn.
 

Theo bà, lý do là vì ở lứa tuổi này các em chưa chín về suy nghĩ nên phần nhiều là hành động và tư duy theo cảm xúc. Từ việc chán ghét các bà mẹ sẽ dễ dàng dẫn đến nhìn con gái xung quanh bằng một ánh mắt hoàn toàn tiêu cực. Còn sau này khi đã trưởng thành, có thể chính họ sẽ có được cái nhìn sáng suốt hơn để vượt qua.

Bà chia sẻ về chuyện của Quân, một sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Quân tâm sự rằng từ nhỏ mẹ đã bỏ bố con cậu trốn theo người tình. Sau một thời gian rất dài, bà ta quay lại cầu xin bố con Quân tha thứ, làm lại từ đầu. Vì vẫn còn yêu và cũng thương con không có mẹ nên bố đã chấp nhận.

Nhưng thực tế, tính tình bà ta không những không thay đổi mà còn tệ hại hơn khi liên tục lấy trộm tiền của chồng để đem bao người tình. Đến tận khi ra tòa, bố con Quân mới biết rằng vì bị phá sản khi đi buôn nên bà ta đã nghĩ ra kế này để vừa trốn nợ vừa có chỗ kiếm ăn. Quân bảo chính vì vậy mà cậu căm hận mẹ và cũng trở nên đa nghi, sợ hãi những người con gái quen biết. “Mọi thứ phức tạp quá. Thà cháu phải sống một mình còn hơn lấy phải một người vợ như mẹ, rồi lại khổ sở giống bố con cháu”, Quân chua xót nói.

Rơi vào trường hợp tương tự, Phạm Bình (22 tuổi), nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản ở Cầu Giấy, Hà Nội không những không dám yêu mà còn luôn tỏ ra ác cảm với những người phụ nữ mà anh gặp. Ngay cả những cô bạn học cùng lớp hay những đồng nghiệp hiện tại, nhìn đâu anh cũng cảm thấy họ chỉ là những người “ngồi lê đôi mách, nói xấu chồng con rồi ăn quà vặt như mỏ khoét. Chẳng được cái tích sự gì”.

Theo lời người nhà thì trước đây Bình cũng không đến nỗi hằn học như vậy, nhưng càng lớn Bình càng trở nên khắc nghiệt. Nguyên nhân chính vẫn là do mẹ của anh vốn là tiểu thư nhà giàu, khi lấy chồng thì ỷ lại hết vào chồng, đã thế lại còn mắc bệnh ham mê đỏ đen. Bố Bình nói nhiều nhưng chỉ được vài ba ngày là vợ ông lại trốn đến những ổ bài quen thuộc để "gỡ gạc".

Ngay từ khi Bình còn nhỏ, bố hay đi làm xa vậy mà mẹ cứ đánh bài bạc liên miên rồi đồ đạc trong nhà cũng lần lượt đội nón ra đi. Mỗi lần thua bạc bà lại trút hết cơn giận dữ lên đầu cậu con trai nhỏ khiến cậu bé sợ hãi.

Bình tâm sự: “Chẳng biết sau này thế nào nhưng thực sự cho đến lúc này tôi vẫn ghét phụ nữ xung quanh mình vô cùng. Cũng chẳng có ham muốn gì cả. Chẳng có vợ thì thôi chứ chẳng tội gì phải lấy những người không ra gì như thế”.

Chuyên gia tư vấn Hoàng Anh, Trung tâm tư vấn Share cũng từng gặp một cậu thanh niên ít tuổi đã tuyên bố thẳng trước mặt mẹ rằng: “Tôi thà là một đứa trẻ mồ côi chứ không bao giờ thèm có một người mẹ như bà”.

Cậu sinh viên năm ba, Đại học Thăng Long Hà Nội đã quá uất ức khi suốt thời thơ ấu chứng kiến mẹ cư xử như dân chợ búa, quát "cả bố lẫn con" mỗi khi mang được ít tiền về nhà. Tệ hơn cả, có lần bà còn dẫn bồ về nhà trong khi bố đi vắng, chơi trò tình cảm trước mắt cậu con trai 17 tuổi, khiến cậu quyết chí bỏ đi.

Cho đến tận bây giờ khi bố mẹ đã ra tòa ly dị, cậu vẫn không thể nào hết căm hận mẹ. Cũng từ đó, cậu trở nên dè dặt hơn trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là những người con gái xung quanh.

Theo nhà tâm lý Hoàng Anh, dân gian vẫn thường nói “Phúc đức tại mẫu” nên việc cư xử của người mẹ có ảnh hưởng quan trọng nhất đến đời sống tâm lý của con trai, vì thế khi người mẹ có những hành vi không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái, và dẫn đến rất nhiều những tổn thương sau này.

“Những bạn trẻ này rất cần sự tâm tình, động viên và chia sẻ của bố nhằm giúp họ mở lòng với những người phụ nữ. Và thật sự nếu họ có cơ hội gặp được một người phụ nữ chân thành, chính bản thân họ sẽ dần có những chuyển biến tích cực”, nhà tâm lý nói.

Chia sẻ