Ngoại tình “nhờn thuốc” ly hôn
Khi biết chồng ngoại tình nhiều lần, phụ nữ dễ rơi vào tâm lý tự thỏa hiệp, buông xuôi hoặc “mơ ước hão huyền” rằng sẽ có một ngày anh ấy thay đổi.
Lần đầu phát hiện chồng theo “gái”, Nhâm kiên quyết ôm con về bên ngoại, chỉ để lại nhà tờ đơn ly hôn. Khi đó, để vợ nguôi ngoai, Hiệp - chồng Nhâm đã phải cố gắng làm mọi điều, kể cả viết cam kết “thề rằng sẽ chừa thói “ong bướm”, nếu còn tái phạm, sẽ mất quyền nuôi con khi 2 vợ chồng ly hôn”.
Lần thứ hai biết chồng có quan hệ ngoài luồng, Nhâm điên tiết, lao vào chồng, cấu xé, chửi bới. Cô ký sẵn vào đơn ly hôn rồi đi. Nhưng lần này, chính mẹ đẻ của Nhâm ôm con an ủi: “Thôi, con ạ! Đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường. Nó chơi bời một chút nhưng không đánh đập vợ con, mà cũng không ảnh hưởng đến kinh tế gia đình là được”. Nghĩ thương con và còn yêu chồng, Nhâm lủi thủi trở về.
Với lần “trăng gió” thứ ba, thứ tư của chồng, Nhâm lại lao vào chồng nhiếc móc nhưng ngay khi Hiệp hối hận, cô tiếp tục bỏ qua và hy vọng anh xã sẽ đổi thay…
Đánh ghen mãi cũng... mệt
Khoảng thời gian mang bầu bé thứ hai, chị Liên phát giác dấu hiệu “ăn chả” của anh nhà. Chị ôm cả bụng bầu, thuê xe, bắt quả tang chồng đang “hú hí” với ả bồ. Sau hồi đánh ghen cho bõ tức, chị vội vã viết đơn ly hôn rồi thuê nhà ở riêng. Nhưng khó khăn ở chỗ, tiền lương của chị Liên không đủ tiền nuôi bé lớn học và dưỡng thai nên chỉ vài câu xin lỗi của chồng, chị đã quay về nhà.
Lần thứ hai nghi ngờ chồng “ngựa quen đường cũ”, chị Liên dầm mưa trong đêm tối theo dõi chồng, đánh ghen. Sau vụ đó, chị Liên bị ốm; cộng thêm nỗi dày vò, uất ức vì chồng ngoại tình liên miên nên chị xin nghỉ việc ở nhà, chăm con…
Những lần sau đó, thừa biết chồng mình “vụng trộm” nhưng chị Liên cũng chẳng còn sức mà đánh ghen. Đôi lúc, nghĩ quẩn, chị lại hy vọng tìm đâu được loại thuốc cho “liệt” chỗ đó của chồng, hết đường “hú hí”…
5 nguyên nhân dẫn đến việc “nhờn thuốc”
Tâm lý chung của chị em, khi phát hiện chồng ngoại tình lần đầu, là ghen tuông ầm ĩ, chửi bới và quyết liệt đòi ly hôn (cho dù mới lập gia đình thì suy nghĩ phải chia tay anh chồng lăng nhăng là rất phổ biến). Tuy nhiên, nếu đã vượt qua một vài lần “bị đau”, quan điểm “thích” ly hôn của người vợ có tần suất giảm dần…
Thứ nhất là do ràng buộc về con cái và cản trở của tuổi tác. Theo các thống kê xã hội, tình trạng ly hôn ở nhóm phụ nữ trẻ thường cao hơn nhóm phụ nữ trung niên. Nếu chưa có con hoặc mới có một con nhỏ thì người vợ cân nhắc chuyện chia tay với chồng mãnh liệt hơn. Nhưng nếu đã có hai con và tuổi đời cũng không còn nhỏ thì việc ly hôn với chồng luôn được người vợ dè chừng. Không ít chị em thay đổi quan niệm, lúc này họ chuyển sang việc chấp nhận chồng ngoại tình vì đã quá quen với việc đó. Thậm chí, họ còn mong chồng chỉ chơi bời theo kiểu “ăn bánh trả tiền” rồi mau chóng trở về với gia đình. Không ít người vợ lo sợ, chồng mình dành tình yêu cho “hồ ly tinh” hoặc muốn ly hôn vợ để đến với ả bồ kia.
Thứ hai, nhiều người vợ tin tưởng vào sự thay đổi của chồng. Lần đầu chồng ngoại tình, chị em trông chờ lần sau anh ấy sẽ chấm dứt; lần thứ hai chồng ngoại tình, họ lại hy vọng là chồng đã biết lỗi mà sửa sai… Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, người vợ không còn muốn đề cập đến chuyện ly hôn nữa.
Thứ ba, do định kiến xã hội. Phần nhiều phụ nữ không thể đối mặt với dư luận xã hội về việc ly hôn nên ngại đề cập đến chuyện này dù bị chồng phản bội liên tiếp. Cũng không ít người vợ mang tâm lý chấp nhận và thông cảm cho bản tính “trăng hoa” – vốn được coi là đặc trưng của đàn ông.
Thứ năm, ưu điểm lớn của người chồng là chỉ mắc thói trăng hoa chứ không nhiễm “tệ nạn” nào khác. Quãng thời gian nghỉ giữa các “cuộc dạo chơi”, các anh vẫn về nhà cùng vợ, lo cho vợ, con chu đáo. Khi ấy, trái tim mềm yếu của đàn bà được xoa dịu, các chị dễ dàng bỏ qua tội ngoại tình cho chồng. Chứ nếu anh nào vừa đi “ăn vụng” vừa đánh đập vợ con, rượu chè, cờ bạc thì người vợ có quyết tâm ly hôn hơn.