Nghiện yêu và lụy tình
Nghiện yêu không chỉ là cảm giác của cô thiếu nữ khi thiếu vắng một bờ vai, cảm thấy mình cô đơn, cảm thấy mình cần nơi nương tựa và khao khát tìm một bến đỗ mới.
Đó còn là nghiện cảm giác khám phá, tìm ra cái mới và con người mới; nghiện cảm giác được chìm đắm vào mắt một người, được nhìn thấy bản thân mình mới mẻ và đáng khám phá trong mắt một “người dưng” nào đó.
Trạng thái tăng adrenaline nhẹ nhàng và thường xuyên có tác dụng rất tốt, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, sức chịu đựng trước mọi thử thách. Hormone dopamine lại gây cảm giác sung sướng và thỏa mãn. Noradrenaline tập hợp năng lượng làm cơ thể nóng lên. Đôi khi, noradrenaline làm người ta không thể kiềm chế cảm xúc, tăng ham muốn.
Do vậy, rất nhiều người luôn muốn mình được “sống mãi trong tình yêu”.
Năng lượng của tình yêu
Đó là thứ năng lượng mãnh liệt, nhất là đối với phụ nữ. Nó có sức mạnh hồi sinh, sức mạnh xoay ngược những vòng quay của thời gian. Người phụ nữ không còn tình yêu, hay quá mỏi mòn với một cái gì quen thuộc và cũ kỹ, sẽ khó có cơ hội hiểu được, trải nghiệm được cảm giác ấy.
Trong khi, ở mỗi một giai đoạn của đời người luôn ẩn chứa biết bao vẻ đẹp phong phú. Còn khi trải qua cảm giác được thắp sáng bởi tình yêu, sẽ xảy ra một trong hai trạng thái: Hoặc, người ta cảm thấy mình bị “lên bờ xuống ruộng” vì tình yêu, người ta sợ hãi và mong thoát khỏi tình trạng căng thẳng về cảm xúc đó. Hoặc, người ta đâm ra nghiện, thấy mình trẻ trung, linh hoạt và thực sự quyến rũ, ít nhất là trong mắt một người.
Một liều ma túy tinh thần? Có lẽ! Mạch máu căng lên, má ửng hồng, quan tâm đến mình nhiều hơn, lung linh, mơ mộng, khao khát... Những xúc cảm tích cực của tình yêu khiến họ nghiện, chứ không phải chỉ là dục vọng, nhu cầu về cái mới, về sự thay đổi. Vậy nên, không phải tất cả những người phụ nữ “nghiện” cảm giác này đều sẽ dẫn đến ngoại tình. Cũng có khi không thể tránh khỏi sa ngã, nhưng nên chăng, vẫn phải có một phân khúc cho cảm xúc này và nhìn nhận nó dưới ánh sáng nhân văn hơn?
Và... lụy tình
Cảm giác “yêu” cho con người một nguồn năng lượng vô tận, nhưng cũng gây ra nhiều “tác dụng phụ” phiền toái: bệnh tương tư, trầm cảm... Sự xuất hiện nhiều dopamin trong não bộ (gần giống với việc tác động của các chất ma túy), làm xuất hiện những cảm xúc khao khát, đòi hỏi, u sầu, bối rối, khắc khoải đến kiệt sức... Khi không - hoặc chỉ đơn giản là chưa - được đáp lại, nó dẫn đến chứng trầm cảm, gây hậu quả nặng nề về tâm lý.
Lần trải nghiệm sau luôn có sự gia tăng nhất định so với lần trải nghiệm trước – điều này là tất yếu. Một lúc nào đó, kẻ nghiện yêu sẽ có xu hướng bỏ qua một vài giai đoạn đã bị lặp lại, để đi thẳng đến cái mình chưa biết. Não bộ sẽ dần “quen”, “nhờn” với những kích thích đã cũ, và thường có xu hướng đòi cái mới, mạnh hơn. Như thế, cuối con đường sẽ là những nỗi lụy tình càng ngày càng sâu nặng, ngày càng đớn đau, sầu thảm hơn...