Nếu vợ chồng đổi vai cho nhau

,
Chia sẻ

Rất nhiều điều đàn ông kỳ vọng ở vợ mình nhưng chẳng thể nói ra. Rất nhiều thứ phụ nữ mong muốn ở chồng nhưng khó thốt thành lời. Nếu “đổi vai” cho nhau, họ sẽ làm gì?

Nếu anh là em

Một chiều cuối tuần, anh vừa hí hửng hẹn được hai ông bạn nhậu thì điện thoại reo: “Anh về chưa, để còn chở mẹ con em đi chợ nữa chứ!”. Anh ngập ngừng: “Vừa định về thì mấy ông bạn thân lại rủ làm vài cốc”. Bên kia đầu dây dứt khoát: “Không được, hôm qua anh đã hứa về sớm chở hai mẹ con đi chợ rồi, tùy anh”. Khổ nỗi anh là chủ xị, rủ người ta mà bỏ về thì “giang hồ coi ra gì”. Vậy là nhắn tin với vợ “anh đang về”, nhưng kỳ thực là chui vào quán. Trời sập tối, anh mới mò về nhà.

Em vẫn chưa đi chợ, đang ôm một “đống” cơn giận chờ chồng. Anh biết mình “chết chắc” với hai tội danh: không giữ lời hứa và nói dối. Nhưng vợ ơi, nếu là em, anh sẽ linh động giải quyết theo cách hai mẹ con đi chợ với nhau, bởi chồng không thể bỏ rơi bạn bè “giữa đường” được. Anh đi nhậu về sẽ cảm thấy áy náy, và tự động rửa chén, lau nhà. Nhưng cách giải quyết của em đã khiến nhà mình tóe lửa suốt hai ngày mới êm. Thiệt hại biết bao!

Anh muốn em luôn xinh đẹp khi ở nhà.

Anh không thích những người bạn thành đạt đến nhà mình chơi, bởi mỗi lần bạn về, em lại ca thán: “Chồng người ta là ông này ông nọ, còn chồng mình vẫn ba cọc ba đồng với lương nhân viên phòng thí nghiệm. Chán!”. Chỉ một tiếng “chán” của em, anh gần như sụp đổ.

Trong xã hội, mỗi người một việc. Nếu ai cũng làm giám đốc, trưởng phòng kinh doanh như mấy ông bạn đó, thì lấy ai làm công tác nghiên cứu khoa học như anh? Nếu vợ ông giám đốc ở cơ quan anh tự hào về chồng mình, thì em cũng có quyền tự hào về anh, một nhân viên quèn nhưng luôn hết mình với công việc. Nếu là em, anh sẽ không muốn những gì mình không thể có, anh sẽ không đưa chồng mình ra để so sánh với người đàn ông khác.

Một lý do khác khiến anh không muốn bạn bè đến nhà là vì cách ăn mặc của em. Người ta bảo, vợ phải như bà hoàng trong phòng khách. Vậy mà em chỉ sửa soạn cẩn thận khi ra đường, còn ở nhà thì luộm thuộm đến... kinh khủng.  Có lần khách đến nhà, em tiếp họ với bộ đồ ngủ, đầu tóc rối bời. Nếu là em, anh sẽ ăn mặc chỉn chu, gọn gàng lúc ở nhà, nhất là khi có khách. Nếu là em, anh sẽ tự  biết rằng, ở nhà ta lại càng cần ăn mặc tươm tất, đẹp đẽ, bởi lúc đó là mặc cho chồng. Và còn bởi chúng mình đi làm suốt ngày, chỉ tối về mới gặp nhau mà.

Thỉnh thoảng, anh đi làm về lại bị em chơi trò ú tim: “Tóc ai trên vai anh thế này?”. Anh biết vợ đang “ném đá dò đường” nên dù rất trong sáng, anh cũng phải tư duy thật nhanh để tìm ra phương án trả lời hợp lý nhất. Chẳng có chuyện gì nhưng chỉ vì thói ghen bóng ghen gió của em mà anh phải gồng mình lên chống đỡ, rồi lại phải “đóng kịch” với nhau trong từng lời nói. Nếu anh là em, anh sẽ quan sát thái độ, tình cảm của chồng mà biết mức độ chung thủy, thay vì phải dò hỏi, điều tra. Làm như vậy, người chồng lúc nào cũng phải cảnh giác cao độ, dù bản thân trong sáng. Từ  đó, tình cảm sẽ mất tự nhiên.
 
Và bực nhất là những lần anh phạm lỗi thì em lại đem ra phàn nàn với... con. Đại loại như: “Bố chẳng thèm quan tâm đến mẹ con mình nữa đâu. Bố sắp đi tìm người khác rồi. Tội nghiệp con, có ông bố chẳng ra gì”. Nếu là em, anh không bao giờ lôi con vào cuộc. Chỉ để hả dạ mà em có thể phá đổ hình tượng người cha trong con.

Nếu em là anh

Tan sở, anh bù khú với bạn bè, trong khi em phải tay xách nách mang cùng con nhỏ đi chợ. Nếu là anh, em sẽ về sớm với vợ con. Đành rằng đàn ông rất cần những dịp vui vẻ với bạn bè, nhưng đàn ông cũng cần quây quần với vợ con ở nhà nữa chứ? Nếu là anh, em sẽ báo giờ đi nhậu sớm hơn, để vợ biết đường sắp xếp việc chợ búa, cơm nước. Em cũng sẽ không uống quá nhiều, để lúc về đến nhà còn có thể cười tươi với vợ.

Chuyện vô tình so sánh anh với người khác, đúng là em thiếu tế nhị. Nhưng anh cũng phải thông cảm với em, bởi áp lực kinh tế ngày càng đè nặng lên gia đình. Em ngày càng hụt hơi vì chưa hết tháng đã hết tiền. Người ta năng động, làm thêm việc này, việc nọ để cải thiện cuộc sống, trong khi anh quyết tâm chung thủy với chuyên môn. Nói là vậy, nhưng em vẫn tự hào về chồng mình, một người giỏi chuyên môn và mẫu mực trong công tác. Em sẽ rút kinh nghiệm, không so sánh chồng với người khác nữa. Nhưng nếu là anh, gặp người bạn đồng trang lứa giàu có, em vẫn tự tin về bản thân chứ không bất mãn rồi quay ra bực dọc với vợ con.

Em rối bù đầu tóc, quần áo xộc xệch, kể cả lúc có khách đến chơi. Thú thực, anh nhắc em mới nhớ. Nhưng anh có biết, em bận đến mức ở nhà, vớ đại cái gì mặc cái đó rồi luôn tay luôn chân làm đủ thứ việc. Nếu là anh, em sẽ bất ngờ đưa vợ đến shop quần áo để tặng vợ một vài bộ đồ tươm tất. Em cũng sẽ giúp vợ làm việc nhà nhiều hơn và tặng một vài câu khen ngợi nho nhỏ khi vợ mặc tươm tất, để vợ ý thức hơn.

Ai đó bảo “có yêu mới ghen” cũng có lý. Những lúc bỗng dưng em hỏi “tóc ai vương trên áo anh thế?”, đó là khi em cảm thấy rất hạnh phúc với tình cảm của mình và cảm thấy bất an, sợ rằng mình sẽ đánh mất nó. Nếu là anh, em chỉ xem hành động của vợ như một biểu hiện tình cảm thật dễ thương nên chẳng cần khó chịu. Nhưng qua đó, em cũng rút ra rằng, cái gì không thích thì phải nói ra, người khác mới biết. Anh không thích điều đó, anh cứ nói thẳng thắn là ổn thôi.

Nếu là anh, em sẽ chung tay giúp vợ việc nhà, em sẽ nói với vợ nhiều câu ngọt ngào hơn. Mỗi ngày em sẽ đưa con đi học và đón con về mà không than vãn, em sẽ không quên đổ rác, em sẽ không hút thuốc, không rượu bia, em sẽ...

Nhưng em biết, em chẳng thể là anh và anh chẳng thể là em. Vì thế, em sẽ không đòi hỏi ở anh tất cả những gì em muốn, và em tin rằng anh cũng thế.

Câu chuyện này được ghi lại từ  vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hoa và anh Hồ Minh Quân (83/503 D Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM).  

Theo Phụ Nữ TP HCM
Chia sẻ