Mếu máo vì chồng!
Những tưởng chỉ để khoe mẽ, lấy lòng vợ thôi nhưng anh mang cả những câu chuyện "dát vàng" của mình ra “chém” mọi lúc, mọi nơi.
Chán ngán chồng sĩ
Thời buổi kinh tế khó khăn, ai cũng phải ngưỡng mộ anh Tiến (Hàng Buồm, Hà Nội) bởi anh lúc nào cũng phơi phới. Mới ngoài 30 tuổi nhưng anh “dắt quanh” người toàn vàng, vàng từ đồng hồ, dây chuyền cho tới cả… cái răng giả.
Chỉ Loan – vợ anh mới biết anh chỉ phét lác, oai linh tinh, mọi thứ anh đắp lên người không là đồ giả thì cũng là đồ ảo.
Chính Loan cũng đã từng là nạn nhân của cái mỏ nhọn hoắt của chồng. Chị nhớ như in trước đây khi hai người quen nhau tại một cuộc họp báo, Loan đã phải xiêu vẹo vì độ hào nhoáng, bóng bẩy của anh Tiến. Anh đẹp đẽ từ vẻ bề ngoài tới lời nói nên Loan ngày càng say đắm anh chàng công tử nhà phố cổ lại ngọt ngào này.
Trước đây, anh cứ khoe ngoài căn nhà mặt phố gần 200m2 ở Hàng Buồm, nhà anh còn có đến hơn chục căn khác rải rác khắp nơi trong nước. Rồi vây quanh anh đều là những em chân dài mắt xanh cực xinh. Nghe anh nói vậy, chị càng thấy mình thật may mắn khi chiếm được tình yêu của anh.
Nhìn cách tiêu tiền của anh, chị cũng phải choáng ngợp. Khi yêu, dù đi uống cốc nước hay đi ăn trưa, bao giờ anh cũng đưa Loan vào những nhà hàng sang trọng, đắt tiền để thưởng thức.
Đôi khi chị thấy ái ngại nhưng anh bảo: "Tiết kiệm gì thì tiết kệm chứ sức khỏe của em là quan trọng nhất, em không có gì phải lo cả". Chị Loan cảm động lắm.
Tuy giàu có thế nhưng phương tiện đi lại của anh lại khiêm tốn với con "đờ rim" nhỏ xinh. Anh bảo: “Con xe này với anh còn quý hơn cả ‘Au đì’ hay ‘Lếch xù’ấy chứ. Với lại anh đi ô tô hay buồn ngủ lắm, dễ nguy hiểm. Đi xe máy mát hơn”. Loan càng nghĩ Tiến đúng là một chàng trai khiêm tốn, biết chơi.
Thế nhưng từ khi lấy anh rồi chị mới phát hiện ra tất cả những gì anh nói trước đây giỏi lắm chỉ đúng được 10%.
Căn nhà mặt phố Hàng Buồm trên thực tế chỉ rộng chừng 20m2, lại là nơi chung sống của biết bao thế hệ gia đình anh. Sau khi cưới, hai vợ chồng phải ở tạm khu nhà ở Trung Hòa Nhân Chính – một trong những căn nhà trước đây anh có giới thiệu với vợ.
Chị cũng rất thích căn chung cư này, rộng rãi, tiện nghi. Nhưng ở chưa được nửa năm, anh mới tỏ bày cần phải chuyển chỗ ở. Lúc này, chị mới vỡ lẽ đây là căn nhà thuê, giờ giá cả leo thang, anh không thể lo đủ tiền trả được.
Sau vụ nhà cửa, chị té ngửa khi biết anh chẳng có xu mốc nào, toàn vay mượn bạn bè, anh em họ hàng để chắp vá vẻ ngoài của mình.
Những tưởng chỉ để khoe mẽ, lấy lòng vợ thôi nhưng anh mang nguyên cả những câu chuyện “mạ vàng” ấy ra “chém” mọi lúc, mọi nơi. Bạn bè anh, ai ai cũng nghĩ anh có nhiều nhà rải khắp Việt Nam, rồi anh là tay chơi bất động sản thành thần. Nhiều lần, dù rất khó chịu nhưng Loan đành cười trừ phụ họa cho chồng “nổ” với bạn bè, vì không thể làm xấu mặt anh.
Chị té ngửa khi biết tiền anh toàn là vay mượn
“Mảnh đất đó 30 tỷ giờ quá bèo, vớt đi”
Chị Thiên Hương (Minh Khai, Hà Nội) cũng rơi vào một cảnh tương tự. Dù sống với nhau gần 20 năm trời, biết tính anh hay nói nhiều, tỏ ra oai này nọ với bạn bè nhưng từ khi ở nhà vì nằm trong diện giảm biên chế của công ty, anh đã gây ra không ít vụ rắc rối.
Có lẽ do “nhàn cư vi bất thiện” nên ngày nào cũng như ngày nào, anh gọi điện hết người nọ, người kia đến đón đi cà phê bàn chuyện “làm ăn”.
Không những thế, anh về tận quê giáo huấn, rồi lôi lên lô lốc họ hàng để giới thiệu việc làm. Khi chị họ anh nói chuyện, chị Hương mới biết anh lôi kéo mọi người tham gia làm cùng "cái mô hình gì gì về chăn nuôi". Nhưng quái lạ, trước anh toàn làm về máy móc, thiết bị, đến phân biệt cá rô với cá chép anh còn chẳng biết nữa là làm chăn nuôi.
Một lần, nghe lén điện thoại của anh, chị cười chẳng được mà khóc cũng chẳng xong khi anh khoe khoang rằng công ty anh tin tưởng và đã đưa anh đi sang… Mỹ đào tạo về “công nghệ dây chuyền chăn nuôi”. Giờ anh mở công ty với chức danh giám đốc, anh kêu gọi hàng xóm, họ hàng làm cùng để kiếm lời.
Được một thời gian, làm ăn ở đâu không biết, nhưng cứ mỗi chiều đến lại thấy anh say bí tỷ mà cuối tháng vẫn không mang được đồng nào về cho vợ con.
Họ hàng, hàng xóm thì thi nhau gọi điện trách mắng rằng sau bao nhiêu năm làm cùng mà chẳng có thành phẩm gì, rồi ai cũng xin rút.
Thậm chí, một lần có người gọi điện đến nhà đòi nợ, nói gần, nói xa, rồi người ta cũng nói thẳng: “Anh nhà chị chỉ giỏi chém gió, khoác lác ba lăng nhăng, rủ vớ rủ vớ vẩn trong khi chẳng biết cái mù tịt gì. Thật dốt khi nghe lời mấy ông này”.
Nói nhưng anh chẳng nghe, vẫn chứng nào tật nấy, điên cuồng “nổ” tưng bừng. Cứ đến chỗ nào đông đông, anh lại bắt đầu dọa mọi người. Anh rút điện thoại ra và hàng loạt những chuyện đao to bố lớn nhảy xổ ra từ mồm anh. Nào là: “Mảnh đất đó 30 tỷ giờ quá bèo, vớt đi” hay “Chiều lại họp à, thôi được rồi, phải có mặt tôi chứ mấy ông chẳng làm được trò trống gì đâu”… Hành động lạ của anh khiến ai ai cũng phải ngoái lại nhìn.
Kết
Chút tính “sĩ diện” có lẽ cũng ít nhiều thường trực trong tính cách người đàn ông. Người biết tiết chế và bộc lộ đúng mực thì không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng với một số người, bệnh này lại “trầm kha” nên mới gặp phải nhiều tình huống bi hài như những trường hợp kể trên.
Thông thường những người này không đủ tự tin, họ hay có cảm giác thua kém người khác hay sợ bị coi thường nên mới tích cực “nổ” để nâng cao mình lên. Người vợ, trong hoàn cảnh này, nên thông cảm và trò chuyện, phân tích để chồng hiểu, thay đổi dần tính cách.