Mặc kệ: Bí quyết để gia đình hạnh phúc

,
Chia sẻ

Thế nào các mẹ cũng giãy nảy lên mà phản đối: Rõ vớ vẩn, mặc kệ thì làm sao gia đình hạnh phúc được?

Nhân ngày tụ tập đại gia đình, bốn chị em gái mới có dịp ngồi lại với nhau, cùng phê bình và tự phê bình. Thường thì các đức ông chồng, bố mẹ chồng luôn là đề tài nóng hổi của mấy chị em. Hôm nay khác. Cuộc mạn đàm khởi nguồn từ việc hai nhóc nhà cô em út tự ngồi xúc cơm ăn ngon lành.

Chị ba vừa gào con thôi ngay trò son phấn vừa châm ngòi: "Khổ quá, cứ đến bữa ăn là như đi đánh trận. Cứ phải cầm cái bát chạy theo chúng nó, mệt đứt cả hơi. Nhìn các em con dì út đây này. Đứa 2 tuổi, đứa 5 tuổi mà chẳng đứa nào phải phiền đến mẹ."
 
Chị cả cười phá lên: "Ừ, dì út nuôi con nhàn thật. Khiếp, ngày xưa chị đến là vất vả, suốt ngày nhồi nhồi, nhét nhét chúng nó. Đến bữa ăn, có bao giờ được ngồi thảnh thơi lấy một chốc, một lát đâu. Đằng này vợ chồng dì út, có khi con chưa ăn cũng kệ, bố mẹ cứ phải no cái bụng đã. Thế này thì đẻ cả chục đứa cũng cứ như không ấy nhỉ!".
 
Chị hai phụ họa: "Có muốn học cái nhàn của dì út cũng khó. Mình mà nhìn thấy con ăn rơi, ăn vãi là không chịu được rồi. Nhiều hôm muốn để cho chúng nó tự lập nhưng rồi thấy bẩn thỉu, ngứa mắt, bực mình, lại phải tiếp tục đút đút, bón bón. Mỗi bữa phải ép chúng nó ăn hết tiêu chuẩn, có hôm hết hai ba tiếng mới xong một bát cháo. Mệt lắm, nhưng chúng nó mà không ăn hết còn mệt hơn. Cái đầu cứ như muốn nổ tung ra vì lo".
 
Phải chăng các mẹ nên học một chút tính vô lo của cô út? (Ảnh minh họa)
 
Tự dưng cô út trở  thành tâm điểm của hội nghị bàn tròn. Mấy bà chị nhất trí với quan điểm cô út sướng vì vô lo. Các chị cứ về đến nhà là hùng hục lao vào quét dọn, nhiều khi 11 giờ đêm rồi vẫn phải lọ mọ đứng rửa bát cho kỳ xong mới dám lên giường ngả lưng.
 
Đằng này cô út cứ đánh bài kệ. Nhà bẩn một tí cũng kệ. Miễn là xong nhanh chuyện cơm cháo để dắt díu cả nhà ra bờ hồ hóng gió. Bát đũa chưa kịp rửa, kệ. Sáng dậy sớm thì giải quyết nốt. Dậy muộn lại để đến trưa hôm sau. Miễn là có thời giờ để ngồi xem quần vợt cùng chồng, hoặc kể chuyện cho con nghe. Nhiều hôm bà ngoại sang đúng lúc cả nhà con gái út đang chơi trò đá bóng trong nhà, bà kêu trời lên: Khiếp, nhà cửa gì mà cứ như bãi chiến trường ấy.
 
Thấy ba bà chị bàn luận sôi nổi quá, cô út phải cắt lời: "Tóm lại, các chị đang khen ngợi hay phê bình em đây?". Khen, khen, khen. Ba bà chị cười xòa. Cô út vụng, cô út đoảng có tiếng trong nhà rồi. Giờ ngồi nhìn con cô út tự xúc cơm ngon lành, các chị mới nhìn ra sự sung sướng của kẻ vô lo.
 
Chị cả bảo, gần đây chị mới rèn được một tí tì ti cái đức vô lo ấy để mình đỡ khổ. Phải ngày xưa, đi làm về mà nhìn thấy bụi bám vào tủ là lập tức lấy giẻ lau ngay đấy. Thế mà bây giờ cũng phải dằn mình, tặc lưỡi, tạm cho qua! Cái đầu vẫn vấn vương vì đám bụi, nhưng mà cái thân có nhàn hơn thật. Làm nhiều thì lo nhiều. Làm nhiều thì cáu nhiều khiến cho cái mặt nhăn, cái đầu sớm có tóc bạc.
 
Ba bà chị nổi tiếng đảm đang đều như thế. Cô út thì khác. Cô út làm vừa đủ, làm hôm nay không xong thì mai lại làm. Thời gian của cô út dành nhiều cho chồng con. Cho bạn bè. Cho những thú vui riêng.
 
Hơn ba mươi tuổi, một nách hai con, nhưng ra đường cứ phơi phới như chưa vướng bận gì. Thảo nào mà cô út trông trẻ hơn tuổi. Chẳng mấy khi thấy cô út cáu giận. Thứ bảy chủ nhật nào cũng dắt díu chồng con đi tít mít. Chỉ có một chữ kệ mà giải quyết được nhiều nỗi lo như thế, ai chả muốn kệ. Có khi các chị lại phải cắp sách học theo dì út mất thôi.

Theo Đời sống & Pháp luật

Chia sẻ