Ly hôn hay chịu đựng?
Nhưng ở một góc nào đó vẫn đang có không ít phụ nữ thà chịu đựng một cuộc hôn nhân bất hạnh thay vì chọn giải pháp ly hôn.
1.001 lý do để chịu đựng…
Anh em của chị Ngọc Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đồng loạt ra tối hậu thư với chị Bình: “Hoặc ly hôn, hoặc phải chấp nhận cuộc hôn nhân không hạnh phúc, đừng bao giờ làm phiền anh chị em khi hai vợ chồng có chiến tranh”.
Vợ chồng chị Bình lấy nhau đã ba mặt con, nhưng anh Thìn - chồng chị vẫn chẳng có chút trách nhiệm với gia đình. Trong khi vợ bận buôn bán kiếm tiền nuôi cả gia đình năm miệng ăn thì anh chỉ biết ăn nhậu. Nhậu xỉn về anh lại đuổi đánh vợ con chạy tán loạn. Hai năm nay, anh còn sinh tật bồ bịch lăng nhăng. Để có tiền bao gái, anh tìm cách “khua khoắng” tài sản, tiền bạc của vợ. Cứ mỗi lần về nhà anh kiếm cớ đánh vợ, đánh con, phá phách đồ đạc… chị lại chạy lên kêu cứu anh chị em. Mọi người tức cành hông khi nghe chị thút thít thú nhận: “Ảnh là mối tình đầu của em. Sống không có ảnh, em sẽ không chịu nổi. Bây giờ có sức, ảnh còn đi, vài ba năm nữa yếu sức, mấy con nhỏ kia chê, cũng phải quay về với vợ con. Em chấp nhận chịu đựng chờ tới khi anh quay đầu lại. Với lại, dù sao con có cha vẫn hơn”.
Ảnh minh họa: GettyImages.com
Cũng “thà chịu đựng chứ nhất định không ly hôn” như chị Bình, nhưng quan điểm của chị Thục Uyên (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lại ở một hướng khác. Vợ chồng chị “cơm không lành, canh không ngọt” ngay sau ngày cưới chẳng bao lâu bởi những khác biệt quá lớn về suy nghĩ, quan niệm sống… Từ khi chị sinh con thứ hai và lại là một bé gái, anh có cớ mạt sát chị là không biết đẻ con, chỉ biết sinh ra “vịt trời”. Gần 10 năm nay, vợ chồng chị chung sống với chiến tranh lạnh. Một vài người biết chuyện, thắc mắc tại sao chị có thể tiếp tục cuộc hôn nhân không chút niềm vui. Giọng chị nghẹn lại: “Phụ nữ ly hôn chẳng đẹp mặt tí nào. Không mang tiếng bị chồng bỏ cũng mang tiếng lăng nhăng rồi về bỏ chồng. Thà chấp nhận ổng, mình chỉ phải chịu áp lực từ một phía”.
Là mẫu người mạnh mẽ nhưng sự chịu đựng của chị Quỳnh Nguyệt (Q.7, TP.HCM) cũng khiến không ít người ngạc nhiên. Biết chồng lăng nhăng từ hơn ba năm trước, thời gian gần đây anh bỏ nhà về sống chung với vợ bé và cũng chẳng màng việc chăm nom hay chu cấp cho các con. Từ đau khổ, dằn vặt, chị dần chuyển sang thái độ xem thường và khinh ghét chồng. Thậm chí, có lần nhìn thấy chồng chở vợ bé, chị cũng tỉnh bơ, chẳng có thái độ gì.
Tuy vậy, hễ ai nhắc chuyện ly hôn, chị gạt phắt: “Việc gì phải thả cho họ được quyền tự do chung sống”.
…Và hệ lụy
Sau ngày họp gia đình không bao lâu, chị Bình đã khiến anh chị em phải hốt hoảng với cuộc điện thoại lúc nửa đêm. Hôm đó, chồng chị trở về trong trạng thái say khướt. “Bổn cũ soạn lại”, anh đá thúng đụng nia, chửi bới. Bị vợ phản ứng, anh vơ cọc giăng mùng đánh vợ túi bụi. Thằng con lớn đang ở giai đoạn “chướng” của tuổi dậy thì không kiềm chế được, nhào xuống bếp cầm dao, mặt đầy sát khí: “Ba bỏ cây xuống, tôi đâm ba chết, tôi ở tù”. May mà hàng xóm ứng cứu kịp thời.
Chị Nguyệt cũng rơi vào hoàn cảnh khó xử khác. Từng tuyên bố: “Một ông chồng tệ bạc đủ để “dị ứng” với đàn ông”, chị chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện kết hôn lần nữa, nhưng… tình yêu khó nói trước. Khi chị bắt đầu có người đàn ông khác cũng là lúc chồng chị và vợ bé lục đục nên anh ta lại muốn quay về. Biết chị có người yêu và tính chuyện sẽ chung sống, anh chồng tìm đủ mọi cách phá bĩnh và nhất định không chịu ly hôn. Dù đã vượt qua nhiều áp lực, trở ngại để tiến tới với một người phụ nữ hai con, người yêu của chị không đủ sức chịu đựng những trò quấy rối của anh chồng. Họ đành chia tay…
Cuộc sống của chị Uyên tuy không có “sóng dữ”, nhưng những cơn sóng ngầm lại càng khiến chị đau đớn, u uất hơn nhiều. Mới hơn 40 tuổi nhưng trông chị già xọm. Cô con gái lớn ảnh hưởng sự u uất của mẹ cũng sống khép kín, không bạn bè, không giao tiếp. Thời gian này chị đang phải điều trị tâm lý vì luôn bị ám ảnh bởi những ý nghĩ u ám. Chị thú nhận đã vài lần nghĩ đến cái chết.
Vác bướu lạc đà, nên chăng?
Chuyên viên tư vấn Kim Bắc (Trung tâm Tư vấn gia đình và ly hôn (FDC) lý giải: “Đa số phụ nữ khi cố níu kéo hôn nhân thường lấy lý do vì con cái. Nhưng tìm hiểu đến tận cùng, nguyên nhân chính đa phần xuất phát từ sự thiếu dứt khoát, yếu đuối, không thể vượt qua được chính mình”.