Làm dâu không khó!
Tôi tâm niệm rằng dù mẹ chồng dễ hay khó tính, con dâu vẫn phải thật cẩn thận trong từng lời ăn tiếng nói bởi bản chất mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn cực kỳ nhạy cảm.
Điều thứ nhất cần thấu hiểu là phải chân tình nhưng không quá thật thà. Không quá thật thà ở đây chính là sự khôn khéo, bởi có những điều người trẻ chúng ta nghĩ là đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp trong thế giới nội tâm của những người cao tuổi.
Một lần mẹ chồng tôi từ quê lên thăm, bà mang đôi dép Lào đã mòn vẹt, tôi bèn đi mua tặng mẹ một đôi dép da mới. Đó là thành ý của tôi nhưng ông xã tôi sợ, bảo: “Nói không khéo rất dễ làm mẹ buồn giận. Mẹ mà nghĩ em xấu hổ vì đôi dép cũ và tệ hơn là khinh mẹ thì phiền lắm”.
Nghe lời chồng, tôi đắn đo suy nghĩ, thay vì nói: “Mẹ bỏ đôi dép cũ đi, con mua cho mẹ đôi dép mới”, tôi nói: “Con thấy có đôi dép phù hợp với mẹ nên mua tặng mẹ...”. Và sau câu nói ấy, mẹ tôi cầm lấy đôi dép mang thử ngay và lòng rất vui.
Điều thứ hai là tránh nói đến những điều nhạy cảm. Càng cao tuổi, các cụ càng muốn được con cái chiều chuộng, quan tâm; lại hay mặc cảm, nghĩ rằng mình là gánh nặng của con cái, và thường hờn dỗi nếu không được quan tâm. Vì thế, tôi luôn chú ý để có thể hiểu và thông cảm cái sự khó chịu của mẹ chồng.
Lúc cần nói với bà một vấn đề hơi nhạy cảm, tôi thường bàn ông xã để có thể trình bày sao cho thật gần gũi, nhẹ nhàng và dễ hiểu. Cũng có lúc, tôi phải nói vòng, chứ không dám đặt thẳng vấn đề vì sợ mẹ hiểu sai ý.
Tháng rồi, mẹ gọi điện thoại bảo tuần tới sẽ lên nhà chúng tôi chơi vài ngày. Thế nhưng đó là thời gian tôi và ông xã rất bận rộn với những dự án ở công ty, ngày nào cũng phải tối mịt mới về tới nhà.
Tôi ngại sẽ không có thời gian dành cho mẹ nên muốn mẹ lên chơi vào tháng sau để có thể chăm sóc bà chu đáo hơn; nhưng nếu nói không khéo, mẹ sẽ nghĩ tôi không muốn mẹ lên chơi. Cuối cùng, chúng tôi quyết định mời: “Qua đầu tháng sau, mẹ thu xếp lên ăn Tết và ở chơi với tụi con lâu lâu nhé! Vợ chồng con sẽ đưa cả nhà đi du lịch”. Nghe thế, mẹ chồng tôi rất vui, còn tôi thở phào nhẹ nhõm.
Thứ ba là luôn biết lắng nghe. Người già thường nghĩ rằng mình có nhiều kinh nghiệm và muốn truyền đạt cho con cháu những bài học cuộc đời đã trải qua. Mỗi lần mẹ nói là tôi luôn cố gắng lắng nghe, thế là mẹ vui lòng ra mặt.
Dù một vài kinh nghiệm của mẹ đã không còn thích hợp với thời nay và không khoa học nhưng tôi không phản bác. Tuần rồi, con trai tôi nóng sốt, nhiễm siêu vi, đi bác sĩ hai lần chưa khỏi, mẹ bảo cháu bị cảm, rồi ra chợ mua nắm lá xông nấu, bảo thằng bé xông; tôi đành phải vào xông cùng cháu để bà vui và con không bị phỏng…
Mẹ muốn chúng tôi sinh nhiều con để con cháu vui vẻ đầy nhà như mẹ. Mẹ còn bảo vì chúng tôi quá bận nên muốn dắt hai đứa nhỏ về quê chăm sóc, cho học hành dưới đó. Gặp những chuyện như thế, nếu không chọn những thời điểm thuận tiện và nhẹ nhàng giải thích với mẹ, tôi sẽ gặp nhiều rắc rối to.
Mỗi lần ông xã đi đâu về hay ôm eo tôi trò chuyện này kia nhưng khi có mặt mẹ, tôi luôn tránh, không để mẹ thấy những riêng tư, nghe những lời yêu thương mà chồng dành cho tôi, hoặc khoe những món quà mà anh ấy tặng. Thỉnh thoảng, tôi còn nhắc chồng mua quà tặng mẹ nên mẹ cảm thấy rất ấm lòng.
Mọi hành vi, cách cư xử của tôi dành cho mẹ đều bắt nguồn từ tình cảm thật và mẹ cảm nhận được nên bà hạnh phúc vô cùng. Vậy nên là dâu con chúng ta hãy luôn nhớ: Gieo yêu thương sẽ “nhận” được nhiều thương yêu từ mẹ.