Khổ nhục kế

,
Chia sẻ

Đã có rất nhiều sách vở, báo chí và cả lời truyền miệng hướng dẫn các bà vợ cách giữ chồng. Mỗi cách đều có mặt phải, mặt trái của nó.

Trong thời hội nhập, nếu người vợ thông minh, mạnh mẽ hơn chồng thì gia đình cũng dễ... bật gốc. Biết thế nên nhiều bà vợ đã chọn cách ngược lại: phát huy vẻ mỏng manh, yếu đuối vốn có của mình.

Thân em liễu yếu

Có thể, người vợ hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng vì muốn tìm sự che chở, bao bọc của chồng, họ bỗng nhiên... đổ bệnh. Cũng có người bệnh thật, nhẹ thôi nhưng không chịu chữa (sợ khỏe rồi, chồng sẽ hết cưng). Nếu có xét nghiệm, bác sĩ cũng sẽ lắc đầu chào thua các bà vợ này vì biết tìm đâu ra bệnh, bởi họ chỉ bị nhiễm vi rút “khổ nhục kế”. Những bà vợ nhiễm vi rút này luôn tìm tòi, sáng tạo ra những hoàn cảnh đặc biệt để tạo sự quan tâm, chú ý nơi chồng.

H. - bạn tôi có học thức, thông thạo hai ngoại ngữ, luôn năng động và quyết đoán trong công việc, nhưng chẳng hiểu sao khi lấy chồng, H. bỗng trở nên mềm oặt. Chồng H. hơn H. hẳn một giáp, nên luôn chiều chuộng vợ, nhất là khi H. cấn bầu. Có khi đang nói cười bình thường, thấy chồng xuất hiện, H. liền chuyển sang “kênh” mệt mỏi, tóc tai xõa ra, nói năng nhỏ nhẹ, thậm chí hơi thều thào.
 
Khổ thân chồng H., dù giữa trưa nắng hay đêm khuya, anh cũng phải lặn lội mua đồ ăn cho vợ tẩm bổ theo... yêu cầu. H. cứ suốt ngày ôm bụng bầu, nhèo nhẹo nói: “Bố ơi, thằng cu nó đòi, bố ơi thằng cu nó thích...”. Anh đi làm mà cứ nhấp nha nhấp nhổm vì lo cho vợ ở nhà.
 
Anh đi làm mà cứ nhấp nha nhấp nhổm vì lo cho vợ ở nhà
 

H. sinh xong, ông chồng thở phào, tưởng đã trút được gánh nặng; không ngờ gánh nặng lại nhân đôi. Viện cớ đau vết mổ, H. bỏ phế việc chăm sóc con cho chồng, chỉ lo mỗi “chuyên môn” là cho  con bú. Để cột chân chồng, bà vợ “thiểu năng” này còn kéo dài thời kỳ bú mớm. Đưa chồng vào thế bận bịu cuống cuồng, H. hy vọng chồng sẽ không còn thời gian và hơi sức để tơ tưởng các nàng. H. biết tính chồng đào hoa, nếu không gắn chồng với trách nhiệm chăm sóc vợ con, chồng sẽ “không cánh mà bay”. Mãi về sau, H. mới tá hỏa khi phát hiện sự thật. Lúc H. bị bầu hành, chồng cũng “hôi cơm tanh cá” và đi “ăn phở”. Tình địch không trẻ không đẹp như H., nhưng được cái vui tươi, nhanh nhẹn và tự lập.

Từng tiếp rất nhiều khách hàng tư vấn, nhưng chuyện “người phụ nữ bị chồng bỏ ngoài mưa” của chị Q. (nhân viên văn phòng, nhà ở Q.7, TP.HCM) vẫn khiến tôi động lòng. Buổi chiều, chờ mãi không thấy chồng là anh C. đến đón như thường lệ; chị Q. gọi điện, anh trả lời dửng dưng: “Tối nay tôi có việc bận. Tự về đi”!
 
Giận chồng đã không xin lỗi mà còn nói chuyện kiểu đó, chị Q. khóc và tự đi bộ 5km về nhà. Chị không quen đi bộ, lại mang giày cao gót, dây mỏng sắc cứa vào bàn chân phồng rộp, rướm máu. Về đến nhà, chị mới nhớ là mình không mang theo chìa khóa nên không mở cửa vào nhà được. Gọi điện thoại cho anh, chị chỉ nghe ò í e. Trời lại đang mưa như trút nước. Nước mưa, nước mắt chị hòa vào nhau. Chị ngồi gục trước cửa nhà đến tận 11g khuya, anh C. mới về trong trạng thái say khướt. Thấy vợ như thế, C. không xin lỗi mà còn mắng: “Không vô nhà, ở ngoài mưa bệnh chết luôn cho bỏ cái tội ngu”!
 
Hận chồng, chị chẳng nói chẳng rằng, suốt ngày rũ rượi

Hận chồng, chị Q. chẳng nói chẳng rằng, suốt ngày rũ rượi. Tính đến ngày đi tư vấn, chị đã tuyệt thực bốn ngày. Anh C. cũng chẳng ngó ngàng gì đến. Vợ không vào bếp, anh tự nấu ăn và chừa phần cho vợ. Để đến thiu, anh đổ bỏ. Chị Q. sụt sùi: “Ngày mới cưới, em bỏ ăn một bữa là anh ấy sốt vó lên, hết năn nỉ rồi chọc cười, hết mua đồ ăn về  lại chở em đi ăn nhà hàng. Em không ăn, anh ấy cũng nhịn cùng em. Giờ chắc anh ấy có người khác, chán em rồi”! Tôi hỏi: “Sao lúc chồng bận, chị không đi taxi về nhà, không đến quán nào đó ăn tạm, chị quên mang tiền theo à?”. Chị Q. trả lời: “Đâu có được. Nếu anh ấy biết mình tự lo được, tự giải quyết được những rắc rối thì anh ấy sẽ dần trở thành người vô lo luôn. Còn nếu mình tự khắc phục, chồng sẽ không thấy vợ đau khổ như thế nào, thì sẽ không dằn vặt, hối hận vì đã làm vợ tổn thương!”. Không biết anh C. đã hối lỗi chưa, nhưng rõ ràng chị đang bị tổn thương: viêm loét dạ dày nghiêm trọng.

Lối mòn tình yêu

 
 

Thay vì cùng góp sức thu xếp việc nhà, nuôi dạy con cái để chồng yên tâm với công việc của mình, nhiều người phụ nữ đã vô tình làm cho gia đình trở thành gánh nặng của chồng. Thay vì tạo không khí vui vẻ, lạc quan “đầy sinh khí” trong ngôi nhà mình, nhiều chị đã “nông cạn” làm điều ngược lại.

Cái nhõng nhẽo dễ thương của H. từng làm cho bạn trai ngất ngây và luôn thấy mình là “người đàn ông đích thực”, giờ lại đang trở thành gánh nặng oằn lên vai người chồng. Anh muốn nghe tiếng cười giòn tan của cô gái ngày nào anh theo mê mệt. Anh thèm cảm giác đầy sức sống trong ngôi nhà của mình. Anh muốn vui sướng khi vợ  tự lo được những việc trong nhà khi không có anh. Anh muốn nhấc máy điện thoại là nghe tiếng vợ kể chuyện về cậu con trai.
 
Nhưng đằng này, chồng đang làm việc, vợ cứ ới báo bệnh. Có thể lúc đầu, chồng sợ vợ bệnh thật, luôn lo lắng hỏi han. Nhưng riết rồi ông chồng trở nên chai lì, chặc lưỡi “Vợ bệnh hoài chứ có gì mới mẻ đâu”. Anh ấy muốn đi làm nhiều hơn, muốn đi công tác xa xa một chút, muốn thoát khỏi... đống lửa. Việc cơ quan đầy ắp, gia đình không là chốn ngơi nghỉ bình yên mà lại là kho việc thứ hai, chả trách anh sợ về nhà. Dù biết vợ con cần mình, nhưng nếu có cơ hội là anh tìm cách tự giải phóng cho bản thân.
 
Cứ vậy, không những H. không giữ được tình yêu của chồng mà khoảng cách giữa hai người cứ ngày một lớn hơn. Đời sống vợ chồng không đổ vỡ nhưng cứ lạnh dần, nhạt dần. Chồng chưa một lần nặng lời với vợ, nhưng giọng điệu đã giảm sự vồn vã, nồng nhiệt. Sự chán nản đưa anh ra xa dần gia đình,  đắm vào những cuộc chơi và đưa chị đến chuyên viên tâm lý.
 
Khi đã phải dùng đến “kế” là lúc ta không còn cách nào làm chủ tình huống. “Kế” là một chiến lược chỉ mang tính tạm thời, giải quyết gút mắc tại chỗ. “Kế” lặp lại lần thứ hai, thứ ba sẽ thành lối mòn. Lại phải thay “kế” khác, nên dù sở hữu cả “rừng kế” cũng đến lúc ta... bí. Không thể dùng “mỹ nhân kế” hay “khổ nhục kế” để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
 
Hãy sử dụng “mỹ nhân kế” và “khổ nhục kế” để làm gia vị thôi
 
 
Trong tình cảm vợ chồng, chỉ có sự sẻ chia, chân thành, đồng cam cộng khổ mới giữ hạnh phúc được bền lâu. Nếu dùng “khổ nhục kế” để giữ chồng, là các bà vợ đang dùng một con dao hai lưỡi. Chồng chỉ thương, cảm thông với mệt mỏi và bệnh tật của bạn khi họ chưa thấy đó là gánh nặng.
 
Nếu bạn dùng quá liều, “thuốc” sẽ nhờn và sinh tác dụng phụ. Chồng bạn sẽ thấy “mệt hơn cả người bệnh” và “trốn” luôn. Tình yêu sẽ không còn hơi men, gia đình không còn là tổ ấm. Chồng không còn cảm xúc vinh quang, tự hào khi vợ được nép bóng. Nguy hiểm hơn, chồng nhận ra vợ thiếu niềm tin, vợ không yêu chồng mà chỉ yêu bản thân. Gia đình không thể hạnh phúc được nếu nữ chủ nhân lại sống trong khổ nhục triền miên.
 
Ở một chừng mực nào đó, “khổ nhục kế” chính là gia vị của tình yêu, là phương tiện đánh động để vợ chồng hiểu và đáp ứng niềm mong mỏi của nhau. Nhưng, nếu bạn không biết điều chỉnh, vô tình  nó sẽ làm cho tình cảm phai nhạt. Bạn nghĩ, khi mình ốm yếu, mệt mỏi là chồng không thể xa mình? Lầm! Với một người phụ nữ khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có lối sống tích cực, đàn ông sẽ thấy được tiếp thêm năng lượng (đàn ông cũng yếu đuối, mong manh lắm).
 
Bạn đừng biến câu “anh không thể sống thiếu em” thành câu “anh không thể sống có em”. Bên cạnh một người vợ lười biếng, buồn bã, đàn ông dễ nản lòng, dễ “bỏ của chạy lấy người”. Hãy sử dụng “mỹ nhân kế” và “khổ nhục  kế” để làm gia vị, đừng làm nguyên liệu nấu món ăn hạnh phúc, sẽ có ngày chồng bạn khiếp đảm.
 
 
 
Theo Minh Huệ
(Trung tâm tư vấn tâm lý gia đình và thanh thiếu niên)
Phụ nữ
Chia sẻ