Khi chồng chỉ là... chồng

,
Chia sẻ

Đây là một trong những nỗi sợ của các cô gái khi lấy chồng. Nghe có vẻ ngược đời, chồng không là chồng thì chồng còn là gì được?

Lấy chồng là bước ngoặt lớn nhất của người con gái. Trước khi lấy chồng bao giờ các nàng cũng phải lăn tăn khi nghĩ đến “hậu kết hôn”. Liệu sau kết hôn, tất cả đều là màu hồng?

1. Mẹ chồng

Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu từ lâu đã được coi là bài toán khó giải nhất đối với các cô gái khi lấy chồng. Nhiều bà mẹ chồng, đặc biệt là những người chỉ có độc nhất một người con trai thì lại càng trở nên khắt khe trong cách đối xử với con dâu.

Người xưa cho rằng, mẹ chồng khắt khe với con dâu bởi lẽ con dâu chính là “kẻ” cướp con trai của bà, cướp “độc quyền” chăm sóc con của bà.

Ngày nay, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu có phần nhẹ nhàng hơn vì có nhiều người mẹ cũng suy nghĩ thoáng hơn và hiện đại hơn. Nhưng cũng có không ít những bà mẹ chồng là chuyên gia “đổ thêm dầu vào lửa” khi cố tình bêu rếu con dâu trước mặt con trai mình.

2.  “Bà cô” bên chồng

Sau mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu thì mối quan hệ chị dâu – em chồng cũng được đề cập không ít. Nhiều cô gái còn phải lấy lòng em chồng từ khi lớ ngớ bắt đầu yêu anh trai của cô ấy.

Quan niệm “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” đã làm nhiều cô gái “nổi da gà” khi yêu người có em gái.

Sở dĩ những cô em chồng thường bị mang tiếng có lẽ bởi do ít tuổi, là em nên tính tình có phần đành hanh hơn và những cô em gái này lại hay có cảm giác ganh tị với chị dâu, ví dụ như anh trai không cưng chiều như hổi chưa yêu/ chưa lấy chị ấy hay có người yêu/ có vợ là anh trai mình chẳng coi mình ra gì cả.
 

3. Bố chồng

Dù bố chồng với con dâu là mối quan hệ ít va chạm nhất trong nhà, nhưng không phải vì thế mà mâu thuẫn không thể xảy ra. Nhiều cặp đôi chia rẽ đôi ngả cũng vì bố chồng quá khắt khe, khó tính.

Bố chồng khắt khe thường rơi vào những ông bố là con trưởng hoặc có tính gia trưởng. Với những ông bố chồng này một khi con dâu mắc lỗi, lỗi nhỏ thì không nói làm gì, chứ lỗi to, kiểu như lỗi mang tính gia phong, nề nếp thì đừng hòng mà bỏ qua. Không chỉ không thể bỏ qua mà những ông bố này còn có thể làm to chuyện bằng cách gọi cả thông gia đến nói chuyện phải trái.

4. Chồng vũ phu

Khi yêu nhau, bao lời đường mật đều được các chàng tuôn ra hết, bởi lẽ các cụ thường nói con gái yêu bằng tai. Khi yêu, các chàng sẵn sàng nhường nhịn các nàng và các nàng thỏa sức nũng nịu, vòi vĩnh.

Nhưng khi lấy nhau rồi có không ít ông chồng bắt đầu thể hiện uy lực của mình qua những lần “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Có nhiều bà vợ vì sợ tai tiếng mà dù bị chồng đánh thâm tím mặt mày, tổn thương bao lần vẫn không dám cầu cứu đến ai, cứ âm thầm chịu đựng hết ngày này qua ngày khác.

5. Chồng phản bội

Chẳng có phụ nữ nào thích chung chạ chồng với người khác, chính vì vậy chồng phản bội, ngoại tình cũng là điều khiến các nàng sợ khi nghĩ đến kết hôn.

Khi chồng “ăn chả”, nhiều bà vợ cũng tìm cách “ăn nem” nhằm mục đích trả thù hoặc lôi kéo chồng về. Tất cả cũng chỉ vì sợ mất chồng, sợ chồng rơi vào tay người khác.

Thực tế, bên cạnh những cách đánh ghen kiểu Hoạn Thư khi bị chồng phản bội, đã có không ít những bà vợ theo suy nghĩ “lạt mềm buộc chặt” để níu chân chồng. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, dù là một bà vợ Hoạn Thư hay một người vợ hiền lành, biết điều thì việc chồng ngoại tình cũng làm cho họ bị tổn thương rất nhiều.

6. Kinh tế eo hẹp

Tiền không phải là tất cả làm nên hạnh phúc hôn nhân gia đình, nhưng tiền lại là công cụ để con người có thể sống được.

Khi yêu nhau, hai người có thể thề non hẹn biển, rằng “một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”, rằng “yêu nhau mấy núi cũng trèo…”, nhưng lấy nhau rồi, dường như mọi người đều trở nên thực dụng hơn.

Nói thực dụng thì cũng không hẳn chính xác, nhưng là một người phụ nữ, là người nắm tay hòm chìa khóa trong gia đình, người vợ sẽ không khỏi chi li tính toán, căn ke sao cho phù hợp với túi tiền mình đang có. Chính vì vậy, kinh tế eo hẹp sẽ khiến người phụ nữ phải tính toán, cân đo nhiều hơn và không ít người bị stress vì điều này.

7. Lấy chồng xa

“Có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho”, câu này luôn được các bậc phụ huynh nhắc nhở con gái nhằm mục đích hướng con gái lấy chồng gần nhà bố mẹ đẻ, nhưng không ít người vì duyên số vẫn quyết lấy chồng xa.

Lấy chồng xa nhà, người phụ nữ thiệt thòi nhất là lúc sinh đẻ vì không ai hiểu mình hơn mẹ đẻ và chỉ có mẹ đẻ mới xót con xót cháu mà chăm chút, động viên con gái mình.  

Lấy chồng xa, sợ nhất là những ngày Lễ Tết. Những ngày này dù công việc bộn bề vẫn phải dừng ở đó để về nhà chồng làm bổn phận con dâu thảo. Lễ Tết ở nhà chồng, ở nơi có phong tục, tập quán khác cũng làm không ít cô dâu phải òa khóa nức nở ngay hôm Giao thừa.

8. Sinh con

Có con là niềm hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ, nhưng quá trình mang thai và sinh con lại là giai đoạn khó khăn nhất. Hầu như người phụ nữ nào được hỏi cũng khẳng định đau đẻ là đau nhất, chưa có đau gì bằng đau đẻ.

Nhiều người trì hoãn việc sinh con cũng chỉ vì lý do trên. Có những người trì hoãn vì sinh con thân hình không được gọn gàng như hồi con gái. Có những người lại từ chối sinh con chỉ vì lo sợ sau này không dạy bảo được chúng.

9. Chồng bao dung nhưng… thù dai

Nhiều người vợ lỡ mắc sai lầm và được chồng tha thứ, bỏ qua lúc đó, nhưng lại đay nghiến vào những lúc khác.

Khi kết hôn, bao giờ người con gái cũng mong muốn có được người chồng bao dung, vị tha. Chính vì vậy, bao giờ các nàng cũng rất sợ người chồng thích chỉ trích, đay nghiến và “để bụng”. Có nhiều người vợ đau khổ viết đơn xin ly hôn cũng chỉ vì chồng thù dai.
 

10. Chồng chỉ là chồng

Theo quan niệm nam nữ bình đẳng nên con gái thời nay “ngán” nhất những ông chồng chỉ là chồng. Có nghĩa rằng chồng chỉ biết khoanh chân khoanh tay sai khiến vợ làm việc này việc kia mà không chịu xắn tay làm cùng.

Thời nay, vợ chồng đều đi làm, đều kiếm tiền, chính vì vậy các cô gái cũng khát khao có được người chồng biết chia sẻ việc nhà với mình. Không ít người mệt mỏi khi lúc tất bật việc cơ quan rồi lại việc nhà mà không được sự chia sẻ của chồng.

Bên cạnh đó, lấy chồng nhưng thường các cô gái không chỉ muốn chồng là chồng mà họ còn mong muốn chồng là người anh, là người bạn tâm giao để họ có thể chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, để vợ chồng có thể giãi bày những điều khó nói trong lòng.

Hoàng Ngân
(Tổng hợp)
Chia sẻ