Khi chị em tự mua dây buộc mình
Có người khi thấy chồng lóng ngóng nấu cơm, thay vì khuyến khích chồng làm tốt hơn thì lại nói "để đấy em"...
Trở về quỹ đạo
Đây là một trong nhiều cách mà phụ nữ đang "tự trói" mình vì không vượt qua được thói quen và cách nghĩ "cổ hủ": Việc nhà là của phụ nữ.
Anh Bình (phường Hố Nai, TP Biên Hoà) là người thích đi chợ và tự tay nấu nướng. Anh thường bảo với bạn bè, mình muốn ăn ngon thì phải vào bếp thôi, vợ mình nhiều việc nên cứ nấu quáng quàng, ăn không nổi. Cũng nhờ sở thích này mà chị Hoa (vợ anh Bình) được đỡ đần rất nhiều. Mỗi ngày đi làm về, chị không phải sấp ngửa đi đón con, tranh thủ đi chợ, rồi vào bếp nấu nướng như hầu hết chị em có gia đình khác. Nhờ có chồng "chịu khó" mà chị Hoa được thảnh thơi, vui vầy bên nhóc con hai tuổi sau mỗi ngày đi làm về.
Không phải ai cũng có "cơ hội" được chồng chia sẻ việc nhà như chị Hoa. Nhưng có lẽ vì không ở trong cảnh phụ nữ buộc phải "giỏi việc nước, đảm việc nhà" nên chị Hoa đã không ý thức hết sự may mắn của mình. Thay vì khuyến khích chồng làm tốt hơn thì chị Hoa lại tỏ vẻ khó chịu khi anh Bình làm không đúng ý mình. Anh nấu ăn ngon nhưng bù lại rất cầu kỳ trong khâu thực hiện. Mỗi lần nấu, anh lôi hết các loại nồi niêu soong chảo ra "biểu diễn" nên chị rất mệt trong khâu "hậu" nấu nướng.
Mỗi lần đi rửa bát, nhìn thấy một đống nồi, bếp nhoe nhoét thức ăn, nào cối giã tỏi, rồi các thứ thải ra vương vãi trên nền nhà... khiến chị bực bội. Vừa lau dọn, vừa rửa bát chị vừa càu nhàu: "Thôi lần sau anh đừng vào bếp nữa. Anh mà cứ bày bừa thế này thì tự đi mà dọn đi. Ngày nào cũng dọn dẹp cái bãi chiến trường của anh thế này thì em đến chết mất thôi". Nhiều hôm thấy chồng lóng ngóng, cặm cụi bên bếp, thấy "ngứa" mắt nên chị Hoa xốc nách, con bảo chồng: "Này, anh bế con đi, để đấy em làm. Anh làm có mà phải đi dọn ốm"...
Thấy vợ không ủng hộ nên anh Bình cũng chán không thèm vào bếp nữa. Nhiều hôm con khóc đòi mẹ, chị Hoa cứ phải một tay bế con, một tay nấu cơm. Ăn cơm xong lại phải đi rửa bát, giặt giũ... Stress vì không được nghỉ ngơi, nên nhiều lần chị Hoa tìm cách "đấu khẩu" chồng.
Trong khi chị Hoa, vì thiếu sự khôn khéo nên đã để vuột mất cơ hội được chồng chia sẻ việc nhà thì có một số bà vợ lại không vượt qua được nếp nghĩ "việc nhà là của phụ nữ".
Chị Lan Trang (nhà ở đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) nhận thức rất rõ sự phi lý của sự phân chia công việc gia đình. Ngay trước khi cưới, chị đặt ra yêu cầu là anh Khang, chồng chị phải cùng chị làm việc nhà. Cũng may anh Khang là người đàn ông chịu thương chịu khó, không phân biệt công việc gia đình là của riêng ai. Anh cũng rất khéo léo trong chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.
Chính vì điều đó nên khi trở thành vợ rồi, càng ngày chị Trang càng yêu chồng hơn. Cũng vì yêu chồng nên đôi khi thấy chồng cắm cúi làm việc nhà, chị lại thấy thương. Đặc biệt là khi nhà có khách, chị thường ra dành lấy việc, không nỡ để chồng làm. Chị Trang tâm sự: "Giữa lý thuyết và thực tiễn là cả một trời một vực. Mặc dù biết đó là bình đẳng, không nên phân biệt công việc gia đình là của riêng ai, nhưng nếu mình ngồi tiếp khách trong khi chồng nấu cơm là thấy khó coi vô cùng".
Không vượt qua được thói quen
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho rằng, không hiếm người vợ đòi hỏi chồng chia sẻ công việc cho mình, đến khi chồng làm thì mình lại cảm thấy áy náy, khó coi. Điều đó vô hình trung đã tước mất cơ hội để nam giới thể hiện sự tham gia của mình vào công việc gia đình.
PGS. TS Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gia đình & Giới cho rằng, thói quen coi công việc gia đình là của phụ nữ sở dĩ chưa thay đổi được bao nhiêu là do công tác bình đẳng giới chưa làm thay đổi được phong tục tập quán. Trong điều kiện hiện nay, người phụ nữ muốn giải phóng mình, trước hết họ phải là người tiên phong trong việc nhận thức, thay đổi thói quen của mình.
Lâm Nhi là một nhà báo nữ, công tác tại Hà Nội, đã rất thẳng thắn đề nghị chồng chia sẻ việc nhà. Ban đầu mới về nhà chồng ai cũng phản đối, thậm chí còn dè bỉu cô lười nhác. Cô ở Hà Nội, chồng ở Hà Tây (cũ). Có lần về quê chồng dự đám cưới của cháu (con người anh trai cả), thấy phụ nữ cứ lăn ra làm, từ rửa bát đến bê mâm, rót nước... còn đàn ông, con trai cứ đứng thẩn thơ chơi, cô rất bực. Cô không làm gì, nếu ai đó có nhắc thì cô nói thẳng "làm thì làm cả, ai lại phụ nữ thì làm, đàn ông sức dài vai rộng lại đứng nhìn phụ nữ bê mâm thế kia". Chính sự thẳng thắn đó của Lâm Nhi khiến cô không được lòng nhà chồng, nhưng cô không sợ.
Trong gia đình, cô giao việc cho chồng rất rõ ràng: Nếu em nấu cơm thì anh lau nhà. Con thì con chung, anh đi làm, em cũng đi làm, không có chuyện việc nhà là của riêng ai cả. Ngoài việc làm báo, Lâm Nhi mở công ty truyền thông riêng, thu nhập cũng khá nhưng không vì thế mà cô "thả rông" chồng. Cứ đến ngày 10 hàng tháng, khi chồng cô được lĩnh lương là lúc anh phải nộp vào quỹ chi tiêu của gia đình.
Điều đáng nói là chồng Nhi rất tôn trọng cô. Họ có với nhau những đứa con và sống khá hạnh phúc. Bố mẹ chồng Lâm Nhi cuối cùng cũng nhận ra rằng, con trai của họ không hề hèn đi, mà trở thành một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, được vợ con yêu thương và kính nể. Câu chuyện của Lâm Nhi cho thấy, con đường tự giác ngộ mình và giác ngộ chồng là... có thể thực hiện được. Tất cả là vì hạnh phúc của gia đình, chứ không chỉ cho riêng ai.