Kế hoạch làm chồng

,
Chia sẻ

Lấy được nàng rồi... Rồi thì ta sẽ trả thù để bõ công những ngày nhẫn nhịn cưa cẩm nàng!

 "Gái lớn ai chẳng phải lấy chồng", thi sĩ xưa đã an ủi các cô gái như vậy khi thấy các cô khóc nức nở trước khi về nhà chồng. Đàn ông cũng vậy, đàn ông... lớn ai cũng phải lấy vợ, không lấy vợ hoá chăng chỉ có những bậc tu hành hoặc những người không thể lấy được vợ vì một lý do rất đặc biệt, rất riêng tư nào đó. Nhưng đàn ông lấy vợ thì... chả thấy ai khóc. Giải thích cho việc đàn ông không khóc có nhiều lý do, nhưng lý do rõ ràng nhất là khi lấy vợ đàn ông chẳng mất gì mà chỉ được thêm. Nhà lại thêm người thì đông vui, thêm chân thêm tay tức là thêm của thêm cải.

 Các cụ bảo làm nhà, tậu trâu, lấy vợ là ba việc lớn trong đời. Phàm đã là việc lớn thì phải có kế hoạch rõ ràng mới đáng mặt đấng nam nhi nhìn xa trông rộng. Cái chuyện chọn vợ ngày xưa do cha do mẹ, ngày nay cha mẹ chỉ đóng vai trò thứ yếu,  sau cái thằng bé con có cánh với cái cung tên mà người ta quen gọi là thần Ái tình. Cưa cẩm được người yêu xong bỗng dưng một ngày đương sự thấy chán cái quan hệ yêu đương lằng nhằng mệt mỏi ấy. Lượng biến thành chất, và tình yêu phải đi đến hôn nhân thì mới gọi là tình yêu… không vô sinh, là tình yêu biết đơm hoa kết trái.

Từ người yêu thành vợ, mà vợ ngày nay lại chẳng còn như xưa, cũng được học hành tử tế, cũng đi làm, cũng đi chơi, thậm chí còn cả đi… nhậu. Bài cũ về cái kế hoạch làm chồng “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” của các quý ông bị đảo lộn. Trong khi lượng ào ào biến thành chất thì ta bắt đầu cuống cuồng xây dựng cho mình một cái kế hoạch đổi đời - kế hoạch làm chồng.

Lắm ông sẽ bắt đầu thở phào, lấy vợ nghĩa là tự dưng kiếm được cái máy giặt, máy lau nhà, máy rửa bát, máy nấu cơm... Rồi thì ta sẽ trả thù để bõ công những ngày nhẫn nhịn cưa cẩm nàng! Và anh lâng lâng nghĩ đến một buổi sáng mai, vợ sẽ phải dịu dàng vào giường gọi “Anh ơi dậy ăn sáng còn đi làm.” Rồi lát sau, anh - quần áo tinh tươm sạch sẽ đã là ủi sẵn sàng từ đêm trước - chỉ việc lau miệng, dắt xe đi.

Cơ mà đấy chỉ là giấc mơ, và sự thật vẫn là sự thật, các cô vợ thành phố thời nay ai cũng có công có sở, ai cũng bận rộn mệt mỏi, việc nhà không nhất nhất chia đôi nhưng sẽ chẳng mấy cô cam chịu cảnh chồng ngồi vểnh râu đọc báo xem ti vi trong khi vợ cặm cụi nấu ăn, rửa bát, giặt giũ, lau nhà. Thế là cái kế hoạch đầu tiên đã tan nát khi nàng đưa ra một thỏa thuận tiền hôn nhân trong đó có phân công rõ ràng “bên anh thái thịt bên nàng rửa rau”. Thôi thì cũng hợp lý, luật bình đẳng giới đã có hiệu lực, công dân thì phải sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật!


Lấy em về, có còn phút lãng mạn thế này không?

 Chuyện việc nhà việc cửa xong là đến chuyện tiền chuyện bạc. Sở thích chung của các bà vợ là thâu tóm lấy hết mọi thứ tiền bạc của chồng. Đang xúng xính chi tiêu bỗng dưng lại phải bóp mồm bóp miệng, kể cũng ức. Giá mà cứ như Tây hồn ai nấy giữ, tiền chồng chồng tiêu, tiền vợ vợ tiêu, tiền chi tiêu chung thì cả hai góp lại, người lương nhiều góp nhiều, kẻ lương ít góp ít... Mơ là thế, nhưng Ta lại không phải là Tây, vừa đưa ra cái dự án tiền khả thi ấy thì lại bị nàng bác ngay, nào là phải tiết kiệm, tích lũy cho tương lai, nào là đàn ông giữ nhiều tiền sẽ dễ sinh tật liếc ngang dòm dọc, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Phụ nữ bao giờ cũng có lý lẽ riêng, khốn nạn thay cái thân đàn ông, lý lẽ ấy bao giờ cũng đúng! Thì thôi, lại trở về cách truyền thống, mỗi ngày xin vợ ít tiền cho xứng với danh hiệu chồng ngoan. Còn thì ta sẽ lập quỹ đen quỹ đỏ. Cơ mà vừa người tính chẳng bằng… nhà nước tính! Đùng một cái chính phủ yêu cầu trả lương qua tài khoản, cái thẻ thì sẽ phải nộp cho vợ. Dẫu sao ta cũng sẽ có cách thôi, đến khi cưới xong, bị dồn vào bước đường cùng thì đột nhiên người ta sẽ sáng suốt ra ấy mà.

 Người đời vẫn nói đùa, hôn nhân như cái… toa lét, người ngoài thì muốn vào, người ở trong thì lại muốn ra. Toa lét nói vậy chứ cũng dăm bảy đường toa lét, có cái toa lét kiểu nhà quê, trăng thanh lấp lửng trên đầu, cũng có cái toa lét kiểu toa lét trường học, mùi hương đậm đặc ngây (đến nỗi) ngất; lại có dạng toa lét hiện đại, rộng thênh thang, nước hoa xịt phòng ngan ngát, thánh thót giai điệu Serenata; vân vân và vân vân. Nhiều loại toa lét lắm, tha hồ chọn, và cơ bản, người ta chẳng ai sống được mà không cần toa lét.

Thế nên dù muốn dù không, ta vẫn phải chui vào. Điều quan trọng là trót vào rồi thì cũng phải cố trang hoàng sao cho cái “toa lét” của mình thành một môi trường “user friendly” – thân thiện và dễ sử dụng hơn. Kế hoạch là thế, nhưng nói thì dễ, mà làm thì hổng dễ chút nào, thôi thì phận trai mười hai… chai rượu, rượu xịn thì say mà rượu dzỏm thì cũng say, cũng đành nhắm mắt… đưa cay.

 Võ Thanh

Chia sẻ