Họp phụ huynh – Chuyện nhỏ mà không nhỏ!

,
Chia sẻ

Các bậc phụ huynh đều có tư tưởng lười đi họp cho con, phần vì bận công việc, phần ngại “chiềng mặt” ra trước bá quan văn võ nếu con mình có kết quả học tập kém cỏi.

“Mai mẹ đi họp phụ huynh cho con nhé!”, năm ngoái khi nghe cậu con trai học lớp 11 thông báo như vậy chị Thu (Kim Liên) “mắt tròn mắt dẹt” hỏi lại con: “Sao lại họp vào lúc này, bị học lại à?”

“Con học lại đấy! Mẹ có bao giờ đi họp cho con đâu – cậu con trai tiếp tục nhấm nhẳng -  lúc nào mẹ cũng đưa ra lý do hết bận rồi lại quên. Khi có chuyện gì đều mắng con mà chẳng chịu tìm hiểu gì cả.”

“Con với chả cái, học hành thế à? - Chị Thu than thở - Đi họp cho mày chắc tao phải kiếm cái gì úp vào mặt quá!”

“Mẹ kiếm cái rổ ấy – Giọng cậu con trai tưng tửng – mà che mặt lại. Mà mẹ làm sao thế, bây giờ là đi họp cuối học kỳ I, lúc nào cũng chỉ nghĩ con thế này thế nọ. Có gì mẹ cũng đi họp đi rồi mới biết chứ!”.

Không riêng gì chị Thu mà hầu hết các bậc phụ huynh đều có tư tưởng lười đi họp cho con, phần vì bận công việc phần thì ngại “chiềng mặt” ra trước bá quan văn võ nếu con mình có kết quả học tập kém cỏi. Bên cạnh đó nhiều bậc cha mẹ thường có tâm lý không quan tâm lắm đến các buổi họp phụ huynh mặc dù nó rất quan trọng cho chính họ và con cái của họ.

“Khi nghe con nói vậy mình đành phải đi để xem tình hình thế nào. Thú thực nhiều lúc bận cứ mải mốt đến lúc nhớ ra thì lại đã qua buổi họp của con rồi!”. Chị Thu cho biết: “Rút kinh nghiệm sau sự cố nhầm lẫn về buổi họp hết kỳ I năm ngoái, các lần họp sau mình luôn hỏi con cặn kẽ lịch họp, giờ họp, chuẩn bị kỹ càng những điều cần tìm hiểu và trao đổi với giáo viên chủ nhiệm trước khi đi họp để khỏi lơ ngơ!”

Chị Hằng (Gia Lâm) thì khác, do không theo dõi sát sao việc học tập cũng như sinh hoạt của con nên khi được nhà trường mời lên gặp riêng đã rơi vào tình thế dở khóc dở cười. Dũng - cậu ấm của chị - mải chơi nên quên cả việc đi thi hết kỳ và đã không đủ điều kiện lên lớp. “Khi nào hỏi về chuyện học hành, thi cử Dũng cũng nói là mọi chuyện đều ổn – Chị cho biết – Mãi tới khi được mời lên nghe cô giáo chủ nhiệm hỏi tại sao Dũng không đi thi hết môn toán học kỳ II mà không có giấy khám bệnh của bác sĩ chị mới ngã ngửa người ra”.

Lỗi do chị một phần, do cả 2 vợ chồng bận việc nên mọi chuyện học tập cũng như ăn uống của Dũng chị đều giao phó cho bác giúp việc và cũng là người nhà của chị. Sau khi mọi chuyện đã rồi về nhà hỏi lại bác giúp việc chị mới tá hỏa khi nghe bác phân trần: “Thằng Dũng có đi chơi đâu, như cô nói cứ nó ngồi vào bàn học là tôi yên tâm lắm rồi. Tối về thấy nó hí húi học thì để yên cho nó học. Vì đi họp cô giáo nhắc nhở về trao đổi lại với nó thì nó lại bảo bác có phải là mẹ cháu đâu với lại bác có biết gì mà nhắc nhở cháu! Cô chú đi liên miên mà có nói thì cô lại cũng nói nó không chơi bời đàn đúm là được. Tôi chẳng biết làm thế nào cả!”

Còn anh Tùng (Thanh Xuân) than thở: “Không lần nào đi họp mà tôi cảm thấy tư tưởng thoải mái, không chuyện nọ thì chuyện kia. Người ta đi họp thì mát mặt vì con ngoan, học giỏi, còn tôi mỗi khi nghe cô nhắc tới tên và “thành tích” của con, nói thật tôi chỉ muốn ngay lúc đó đất nẻ ra mà chui xuống. Không đi thì không biết con mình học hành thế nào, đi rồi thì ức chế về chỉ muốn tạt tai con vài cái cho bõ tức. Mà mình có lơi là việc kèm cặp nó đâu cơ chứ!”

Chị Thu tâm sự: “Nhờ có vụ nhầm lẫn đó mà mình đã thay đổi hẳn không còn nghĩ họp hành chỉ tốn thời gian,vô bổ nữa. May mà trước đến nay con mình là đứa học khá và ngoan trong lớp nên không có vấn đề khúc mắc gì trong học tập và sinh hoạt. Đến họp rồi thấy nhiều người khi đến họp mới biết con mình học đuối và hay cúp tiết đi chơi là do có sự lơi là trong việc quản lý, kết hợp giữa nhà trường và gia đình. Giờ thì không có chuyện “sao lại họp bây giờ nữa?”

Một năm học mới sắp tới để có sự gắn kết tốt giữa nhà trường và gia đình, cũng như theo dõi tốt việc học tập của con, các bậc phụ huynh nên gặp gỡ và trao đổi với giáo viên chủ nhiệm. Việc đó thực hiện tốt nhất vào các buổi họp phụ huynh dược tổ chức giữa nhà trường và phụ huynh từng lớp.

Các bậc phụ huynh cần có sự chuẩn bị một số vấn đề trước khi vào họp: Thăm dò khả năng học tập, những vướng mắc cũng như sự thích ứng, hòa nhập của con ở lớp để trao đổi với giáo viên. Cung cấp những thông tin hữu ích về con (những biến động trong gia đình) cho giáo viên rõ. Bên cạnh đó việc tìm hiểu về phương pháp giảng dạy cũng như những thông tin về giáo viên chủ nhiệm, bộ môn cũng là điều các bậc phụ huynh nên làm. Theo dõi, chia sẻ và cùng giải quyết những khó khăn, mà giáo viên đang gặp phải với con cũng như những thay đổi, tiến bộ của con từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh cho phép. Như vậy, việc trao đổi với giáo viên mới thực sự có tác dụng.

Khánh Phương

Chia sẻ