Hôn nhân sắp đặt thời @

,
Chia sẻ

Làm cho Tây, ăn mặc xì - tin, tư tưởng tự do, Thu Hường làm không ít người ngạc nhiên khi chấp nhận lấy chồng theo sự mai mối, sắp đặt của bố mẹ.

Hường 31 tuổi, làm cho một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội, được mọi người chấm điểm khá cao khi xét cô trong tư cách một “ứng cử viên” cô dâu: xinh, học cao, kiếm tiền giỏi, tính thoáng, lại nấu ăn ngon dù ít khi làm. Tuy vậy, khi rảnh, cô vẫn chỉ đi chơi với bạn bè chứ không có người yêu. Cô bận bịu, và lý do quan trọng là không tìm thấy người phù hợp.

Bén duyên qua mai mối

Có mấy anh Tây yêu Hường, cô thấy họ cũng hấp dẫn nhưng tính đến chuyện trăm năm thì không thực tế. Còn với các chàng người Việt, người thì cô không ưng, người thì chưa gì đã muốn cô thay đổi cách sống, “cổ điển” hơn một tí. Nghĩ đến chuyện vì lấy chồng mà phải từ bỏ những thú vui, cô quyết định thà không còn hơn. Thời gian trôi qua. Đến tuổi 30, không chỉ bố mẹ sốt ruột mà Hường cũng nghĩ, đã đến lúc tìm một tấm chống. Cô nói với song thân: “Người mà con muốn lấy hình như không có trên đời, hoặc có nhưng không muốn lấy con”.

“Được, thế chúng tôi sẽ kiếm chồng cho cô!”, mẹ cô nói. Ông bà mở chiến dịch tìm rể qua thông tin trong bạn bè đông đúc của mình. Sợ con chán, họ sàng lọc rất kỹ và chỉ giới thiệu những ứng cử viên có triển vọng nhất. “Thời buổi này, một người như mình mà cũng cần mối lái mới lấy được chồng ư?”, Hường cười thầm, nhưng vẫn đến các cuộc gặp để bố mẹ “không lôi thôi được gì khi con gái ế”. Trong 7 người được giới thiệu, có ba chàng trai sau đó thường xuyên gặp gỡ cô, nhưng song thân Hường thất vọng vì họ chỉ là bạn.

Nhưng đến khi gặp Sơn thì Hường thực sự hy vọng. Chàng trai 33 tuổi này không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn “không xấu, không nghèo, tính phải tây nhưng vẫn phải ngoan” của cô, mà còn gây một cảm xúc lần đầu Hường có. Sau bốn tháng, đám cưới diễn ra. Hường mãn nguyện vì bố mẹ đem đến cho cô không chỉ một ông chồng mà còn cả tình yêu đẹp.
 



Anh Xuân Thiên, 35 tuổi, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu đóng tại quận Đống Đa, Hà Nội, cũng hài lòng với cuộc hôn nhân do cha mẹ “tổ chức’ cho mình. Vốn chỉ lo học hành sự nghiệp, lại kém khoản “tán gái”, suốt thời trẻ anh không có người yêu. Khi du học, anh có chuyện tình ái với vài cô Tây, nhưng đều do họ “cưa” anh và không xác định lâu dài. Về nước, việc làm ăn đã ổn, bố mẹ Thiên ra tối hậu thư: “Trong năm nay con phải cưới vợ”. Sau vài cuộc tán tỉnh không thành, Thiên đâm ra ngại chuyện chinh phục, nên bảo bố mẹ tìm vợ giúp.

Ngạc nhiên khi thấy anh con trai cao giá của mình lại cần được mai mối nhưng ông bà vẫn phấn khởi thực hiện sứ mệnh, và làm rất mát tay vì chỉ đến lần thứ hai là đã “đậu”. Cô gái này 26 tuổi, quê Thái Bình, cháu một người quen của bố mẹ Thiên, làm thu ngân trong một siêu thị. Giờ cô là vợ anh và đang mang thai 6 tháng. Chưa bao giờ mọi người thấy Thiên rạng rỡ, sung sướng như vậy.

Cưới chỉ để có gia đình

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu, hôn nhân và gia đình, không chỉ thời xưa hay ở nông thôn mới có chuyện cưới theo sự sắp xếp của bố mẹ. Ngày nay, xuất hiện nhiều cuộc hôn nhân “sắp đặt” mà cô dâu chú rể là những người rất hiện đại. Có những cô gái xinh đẹp, thời thượng, những chàng trai thành đạt lấy người do cha mẹ giới sau thời gian tìm hiểu không dài. Phần lớn họ do quá bận học hành, công việc mà quên tình duyên, hoặc kém may mắn trong chuyện yêu đương, đến một lúc nào đó thấy không thể độc thân mãi nên cần sự giới thiệu.

Đã có không ít đôi lứa hạnh phúc nhờ bố mẹ tác thành. Tuy nhiên, không phải cuộc hôn nhân mai mối nào cũng được như vậy, chuyện của anh Hồng Tú ở quận Lê Chân, Hải Phòng, là một ví dụ.

Tú không thiếu cô “chết” và cũng từng yêu rất nhiều. Các mối tình đều không kéo dài, anh chán người ta cũng có mà bị “đá” cũng có. Đến tuổi 34, Tú vẫn không muốn lấy vợ, phần vì chẳng mối tình nào đủ sâu đậm, phần không muốn mất tự do. Bỏ ngoài tai sự giục giã của song thân, Tú cứ tiếp tục cuộc sống của một “người độc thân vui vẻ”, cho đến khi bố mẹ do tuổi già đều mắc các bệnh nặng, và kiên quyết yêu cầu anh tính chuyện hôn nhân. “Con không muốn lấy vợ. Nhưng nếu bố mẹ nhất thiết phải có con dâu thì cứ chọn đi, bố mẹ ưng cô nào con cưới cô đó”, anh nói.

Cô gái mà bố mẹ Tú chọn kém anh 9 tuổi, đã đẹp lại ngoan, phải tội lần lượt học hết cả hai bằng đại học mà vẫn chưa có việc làm. Cưới xong, cô phụ bán hàng với bố mẹ chồng, còn Tú thì vẫn “đi mây về gió” chẳng khác gì hồi độc thân. Hết giờ làm, anh thường nhậu đến khuya, nhiều khi đi qua đêm. Việc có vợ đẹp không ngăn anh “vui vẻ” với nhiều cô khác. Để bù đắp, đến tháng, anh lại ném cho vợ cục tiền nặng, nhưng các cuộc cãi vã vẫn liên tiếp nổ ra. Đến năm thứ hai, vợ Tú có bầu. Được ba tháng, cô phá thai và đưa đơn ly dị vì quá tuyệt vọng, phẫn uất với cách cư xử của chồng.

Vẫn cần có tình cảm

Theo chuyên gia Hồng Hà, việc thanh niên lấy vợ theo sự giới thiệu của bố mẹ không có gì xấu. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đó không thể hạnh phúc nếu cô dâu chú rể lấy nhau theo kiểu “nhắm mắt đưa chân”, cưới cho bố mẹ khỏi đốc thúc hay để có gia đình. Đành rằng đến một tuổi nào đó, con người sẽ khó yêu nồng nhiệt như hồi trẻ, nhưng đôi lứa vẫn phải có tình cảm nhất định mới đến được với nhau.

Điều quan trọng nhất trong các cuộc hôn nhân kiểu này là cả hai phải có ý thức và hiểu biết về cuộc sống gia đình, hiểu rằng lấy nhau là cùng xây dựng một tổ ấm, phải có trách nhiệm và vun đắp cho nó. Họ phải xác định được sau khi cưới, mình sẽ đối mặt với những vấn đề gì, cần thay đổi gì… Với ý thức trân trọng hôn nhân, những thiện cảm ban đầu dành cho “đối tượng” mới có thể phát triển thành tình yêu bền vững.

“Nghĩa là, thời hiện đại vẫn cứ có các cuộc hôn nhân do bố mẹ sắp đặt, nhưng để nó thành công, bố mẹ chỉ đóng vai trò cầu nối mà thôi”, bà Hồng Hà nói.
Theo Lam Giang
Đất Việt
Chia sẻ