Hôn nhân không có "chứng chỉ" - Được hay mất?

,
Chia sẻ

Đăng ký kết hôn được xem là "chứng chỉ" hợp pháp cho mỗi người khi bước vào cuộc sống hôn nhân. "Chứng chỉ" ấy không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi cho mỗi người vợ người chồng.

Thế nhưng trong cuộc sống hiện nay vẫn có không ít người bước vào cuộc sống vợ chồng bỏ qua việc đăng ký kết hôn. Để rồi khi xảy ra sự cố thì mới hay bao nhiêu thiệt thòi bỗng dưng đổ ập xuống đầu mình chỉ vì không có tờ giấy "chứng chỉ" hợp pháp kia.

Làm vợ nhưng không có quyền... của vợ

Vốn có chút khiếm khuyết ở chân nên chị Mây trở thành gái lỡ thì dù có công việc ổn định, mặt mũi cũng không đến nỗi nào. Bố mẹ chị thấy con gái lỡ làng như thế cũng thương tình nên lo xa cho con một căn hộ tập thể nhỏ để sống đỡ cảnh chung chạ với anh em trai sau này. Ông bà bảo chị ra ngoài sống rồi kiếm lấy một đứa con riêng để nương tựa khi về già.

Trong cuộc sống hiện nay vẫn có không ít người bước vào cuộc sống vợ chồng bỏ qua việc đăng ký kết hôn. Để rồi khi xảy ra sự cố thì mới hay bao nhiêu thiệt thòi bỗng dưng đổ ập xuống đầu mình chỉ vì không có tờ giấy "chứng chỉ" hợp pháp kia

Chị Mây dọn ra ngoài sống chưa được bao lâu thì gặp một người đàn ông vừa ly hôn. Theo lời anh ta kể thì nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân đổ vỡ là do vợ ngoại tình. Người đàn ông đó thuê nhà ở gần căn hộ của chị, cơ quan họ lại gần nhau nên họ thường xuyên gặp gỡ. Lửa gần rơm, dần dần chị Mây có cảm tình với người đàn ông ấy.

Sau một thời gian tìm hiểu, họ dắt díu nhau về thưa chuyện với bố mẹ chị Mây rồi dọn về sống chung. Cuộc sống hôn nhân của họ cũng có một đám cưới giấu giếm vì anh chồng ngại kết hôn lần thứ hai. Chyện đăng ký kết hôn, anh chồng bảo từ từ vì vừa làm thủ tục ly hôn xong lại ra phường làm thủ tục đăng ký kết hôn... xấu hổ lắm. Chị Mây tin lời chồng, vả lại họ có đám cưới hẳn hoi, có người chứng kiến, chuyện đăng ký sớm hay muộn cũng không quan trọng.

Sống với nhau được ba năm, chị sinh liền hai đứa con. Mỗi lần làm giấy khai sinh cho con, người thân chị đều nhắc chị chuyện đăng ký kết hôn cho hợp pháp. Chị nghĩ đến giờ có hai đứa con rồi chuyện đó cũng không còn quan trọng nữa. Thế nhưng một thời gian sau đó, chị Mây phát hiện chồng mình đang "tá túc" bán thời gian tại nhà một phụ nữ khác. Chị tìm đến đánh ghen bắt chồng về và yêu cầu cô gái kia chấm dứt mối quan hệ.

Ban đầu anh chồng còn im lặng biết lỗi nhưng sau đó thì ra mặt nói thẳng chị không có quyền ngăn cấm anh ta quan hệ với người phụ nữ khác bởi chị... không phải làm vợ hợp pháp. Vấn đề bây giờ là nếu hạnh phúc thì chung sống còn không thì đường ai nấy đi, không ai có quyền ngăn cấm chuyện riêng tư của người kia.

Chị Mây điếng người nhớ đến chuyện chưa đăng ký kết hôn. Vậy là mấy năm nay chị như tảo tần làm thân trâu ngựa phục dịch chồng đến nơi đến chốn. Thậm chí còn gánh cả cái phần cấp dưỡng nuôi con thay anh ta với đứa con riêng ở quê. Chị đã làm tròn chức năng và nhiệm vụ của một người vợ, ấy vậy mà giờ anh ta bảo chị không có quyền của vợ.

Chưa kịp "trừng trị" người chồng "ăn cháo đá bát" kia thì một ngày anh ta dọn ra ngoài sống cùng cô bồ nhí kia thật. Trước khi ôm quần áo ra khỏi nhà anh ta còn tuyên bố nếu chị tìm đến quấy rầy người tình của anh ta thì đừng có trách, anh ta sẽ báo công an bắt chị vì tội quấy rối người khác.

Chị Mây đắng lòng nhìn người đàn ông phụ bạc mà chị đã hi sinh hết mình ấy thản nhiên ôm ấp người tình ngay trong nhà mình. Đến giờ chị mới thấy hối hận vì đã không đi đăng ký kết hôn đàng hoàng. Nếu có tờ giấy hợp pháp ấy thì bây giờ chị đâu có ngậm ngùi trước cảnh chồng ngang nhiên cặp với gái nhưng vẫn to tiếng mắng chửi lại chị.

Đến thế nào thì đi thế ấy

Không phải dạng quá lứa lỡ thì, chị Nga đẹp người đẹp nết, có công việc hẳn hoi. Thế nhưng sau khi được một đại gia trong lĩnh vực bất động sản ngỏ lời cầu hôn chị đã bằng lòng dọn về sống chung và bỏ qua việc đăng ký kết hôn.

Lúc đến đây chị chỉ mang đúng một va ly quần áo thì giờ ra đi chị cũng chỉ có chừng ấy

Chị Nga bảo, cuộc hôn nhân của chị có đám hỏi mười mấy mâm lễ to đùng hẳn hoi, đám cưới thì cả một dàn xe sang rước dâu. Vậy là thiên hạ ai cũng biết rồi, chuyện đăng ký chỉ là thủ tục. Sau khi cưới xong, chị xách đúng một va ly quần áo về căn hộ cao cấp người chồng đã mua sẵn. Từ đó, chị sống trong căn nhà đầy đủ tiện nghi đều do một tay chồng chị mua về cung phụng. Sau khi cưới, chồng chị bảo nghỉ việc ở nhà để nội trợ chăm con là đủ. Chị Nga đồng ý vì điều kiện kinh tế chồng làm ra quá dư dả.

Gần 10 năm, cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng với hai đứa con xinh xắn không còn như thuở ban đầu nữa. Vốn tính trăng hoa, anh chồng ra ngoài gái gú. Mâu thuẫn cứ thế nảy sinh và đẩy lên căng thẳng từng ngày. Chồng chị bảo chị chấp nhận được thì cứ tồn tại hôn nhân không thì đường ai nấy đi. Khuyên can không được, chị Nga ngán ngẩm nghĩ đến chuyện ly hôn.

Đặt tờ đơn ly hôn trước mặt chồng, chị như bị tạt gáo nước lạnh vào mặt khi chồng chị bảo không cầm đơn từ ra tòa, chị đến thế nào thì giờ cứ đi như thế. Thấy vợ không hiểu, anh ta giải thích họ chẳng đăng ký kết hôn, bao năm nay tài sản một tay anh ta kiếm về chị chỉ việc tiêu, tài sản nhà cửa đều mang tên anh ta vì thế giờ nó thuộc về một mình anh ta.

Lúc đến đây chị chỉ mang đúng một va ly quần áo thì giờ ra đi chị cũng chỉ có chừng ấy. Gần 10 năm chung sống, chị ở nhà quán xuyến công việc nội trợ, chăm sóc con cái để chồng rảnh tay làm ăn. Vậy mà giờ đây anh ta bảo chị không được hưởng một tí nào. Hai đứa con, anh ta đều bảo chị nên để lại để anh ta nuôi. Bởi một người không tài sản, không nghề nghiệp như chị thì lấy gì nuôi con chứ đừng nói là để cho con đi học trường Quốc tế như hiện tại. C

hị đi hỏi luật sư, người ta cũng bảo anh chồng thắng thế, chị chấp nhận thua thiệt vì không có đăng ký kết hôn thì làm sao đòi chia tài sản. Trong khi đó, tất cả giấy tờ đều mang tên một mình anh ta. Thương hai đứa con nhưng chị Nga cũng đành ngậm ngùi cho con ở lại với chồng để đảm bảo điều kiện ăn học. Chị xách va ly ra khỏi nhà tay trắng, lòng không khỏi đau xót. Nếu trước kia chị đừng lờ đi việc đăng ký kết hôn thì giờ có đổ vỡ hôn nhân chị cũng không đến nỗi trắng tay, muốn nhận nuôi con cũng khó khăn.

Đừng tự đánh mất quyền lợi của mình

Trước đây khi nói đến các cuộc hôn nhân không giá thú, người ta thường liên tưởng đến cuộc sống chung bất hợp pháp của những người đàn ông vẫn còn ràng buộc hôn nhân nhưng lại muốn đèo bòng bên ngoài. Đa số những người vợ chấp nhận hôn nhân không giá thú thường là những người quá lứa lỡ thì hoặc một lần đổ vỡ hôn nhân. Thế nhưng cuộc sống hiện đại, hôn nhân không giá thú cũng đa dạng hơn.

Chủ nhân của những cuộc hôn nhân này không hẳn là những người đàn ông có gia đình thích đi tìm "tập 2" bên ngoài, và những người vợ cũng không đơn thuần là "gái lỡ dở". Họ có đám cưới hẳn hoi, thậm chí là trai thanh gái tú tình nguyện yêu và sống chung với nhau. Cuộc sống vợ chồng diễn ra bình thường như bao người khác chỉ có điều cuộc hôn nhân ấy không bị pháp luật ràng buộc.

Có người quan niệm, có cưới xin đàng hoàng thì đương nhiên là vợ chồng hợp pháp nên không cần đăng ký kết hôn, có người lại cho rằng cứ sống thế nếu hợp thì sống chung đến trọn đời không hợp thì đường ai nấy đi cũng tiện đỡ phải ra tòa mất thời gian lại phiền hà. Tất cả đều ổn thỏa nếu như cuộc sống cứ êm ấm, hạnh phúc đến cuối đời.

Tuy nhiên không phải cuộc hôn nhân không có giá thú nào cũng êm đẹp hoàn toàn. Khi phát sinh mâu thuẫn, họ quyết định chia tay và đến lúc này thì người chịu thiệt thòi nhất là phụ nữ. Có người tay trắng ra đi trong khi đã đổ bao công sức, hi sinh hết tuổi trẻ, sức lực cho chồng con. Thế nhưng chỉ vì không có đăng ký kết hôn nên dù cố gắng kiện ra đến tận luật pháp họ cũng bị thua.

Bởi rất dễ hiểu, cuộc hôn nhân cũng như thân phận của họ nằm ngoài vòng luật pháp vì thế họ không được luật pháp bênh vực và bảo vệ. Vì thế, bài học lớn nhất là cho mỗi người; đặc biệt đối với các chị em khi bước vào cuộc sống hôn nhân là hãy đăng ký kết hôn đúng pháp luật. Bởi đó chính là "chứng chỉ" an toàn cần thiết bảo vệ quyền lợi thiết thực của họ trong cuộc sống hôn nhân.
 
Theo Đời sống gia đình
Chia sẻ