Học cách ứng xử để ngăn bạo hành gia đình
Nói đến bạo lực gia đình (BLGĐ) người ta nghĩ ngay đến những hành vi như lăng mạ, đánh đập, ngược đãi... mà nạn nhân nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em.
BLGĐ đang là vấn đề xã hội nhức nhối, nó không còn là vấn đề riêng của từng gia đình mà thực sự trở thành vấn đề xã hội, gây tâm lý căng thẳng bất an cho các thành viên trong gia đình, tác động xấu đến môi trường giáo dục con cái, gây mất trật tự an ninh thôn xóm, thậm chí dẫn đến tội phạm... Muốn ngăn ngừa BLGĐ, phải chú ý cả người gây ra BLGĐ và người bị BLGĐ. Người gây ra BLGĐ phải bị gia đình, tộc họ và xã hội lên án, khuyên nhủ, giáo dục, răn đe kể cả xử lý nghiêm theo pháp luật để ngăn chặn. Đối với người bị hại phải được quan tâm nâng cao nhận thức, đặc biệt là kỹ năng ứng xử để chủ động đối phó trong mọi tình huống.
Ảnh minh họa
Ông bà chúng ta thường nói “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” chị em hãy bình tĩnh nghiệm lại xem những lần dẫn đến BLGĐ đó có phải một phần là do mình thiếu kiềm chế? Có to tiếng, quá lời hay không? Có thách đố không? Thậm chí có nhào vô cắn xé không? Nếu có những hành vi như vậy vô tình phụ nữ chúng ta vừa là nạn nhân, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến BLGĐ vì đã “đổ thêm dầu vào lửa”.
Cũng có những chị em vì quá yêu chồng dẫn đến ghen tuông một cách mù quáng. Chồng trước đây có lần vấp ngã nhưng đã quyết tâm sửa chữa nhưng vợ vẫn chưa tin, lúc nào cũng nghĩ là mình bị phản bội, tự dằn vặt, dày vò, đau khổ rồi tìm mọi cách để quản lý chặt về giờ giấc, tài chính của chồng, luôn nói cạnh nói khóe, bới móc vào nỗi đau của chồng để trả thù, làm như vậy giữ chồng đâu không thấy mà vô tình giết chết đi hạnh phúc của gia đình, làm cho người chồng cảm thấy về nhà bị tù túng, ngột ngạt, muốn đạp đổ tất cả ...BLGĐ xảy ra. Ngay cả những lúc người chồng đi uống (bia, rượu) về, trong cơn say con người không làm chủ được mình, nếu cằn nhằn cũng dễ bị đánh nên người vợ cũng phải biết kiềm chế và lo cho chồng nghỉ ngơi, đến khi tỉnh hãy dùng lời khuyên ngăn không nên tiếp tục...
Nói đến gia đình thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” không ai giống ai, nhưng về kỹ năng ứng xử thì nó vẫn có những quy tắc chung. Do vậy, phụ nữ hãy trang bị cho mình một số kiến thức sau đây:
1. Trước hết, là rèn luyện cho được chữ “nhẫn”, “cái gốc trăm nết, nết nhẫn là cao”, “vợ chồng biết nhẫn gia cảnh ấm êm, thiên tử biết nhẫn nước không sinh hại” . Vợ chồng nên nhẫn nhịn nhau, nhất là lúc nóng giận “nóng mất ngon, giận mất khôn”, hãy biết kiềm chế khi nào qua cơn giận hãy lựa lời mà nói với nhau thì kết quả sẽ tốt đẹp hơn.
2. Phụ nữ là trung tâm trong mỗi gia đình “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nên phụ nữ cần phải biết “giữ lửa” trong ngôi nhà của mình, phải biết dùng tình cảm vị tha, chân thành của người phụ nữ để luôn hâm nóng sự yêu thương, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, chính tình cảm mới là sợi dây vô hình không có gì thay thế được để tạo ra chất keo kết dính con người lại với nhau như lời Phật dạy “món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm”.
3. Hãy rèn luyện đức tính “dịu dàng”, sự dịu dàng của người phụ nữ chính là chất men kết dính giữa vợ chồng “nếu ai bắt mất hồn tôi, chắc rằng bị giữ ở nơi dịu dàng”. Dịu dàng thể hiện trong lời ăn tiếng nói “chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, có gì phải bình tĩnh dùng lời lẻ từ tốn để nói, không chửi bới thô tục, sỉ nhục người khác; phải giữ cho nét mặt điềm đạm, đôn hậu; áo quần luôn sạch sẽ, lịch sự, gọn gàng tạo ra sự hấp dẫn của người phụ nữ.
4. Hãy biết ứng xử đúng lúc, khi chồng giận thì vợ bớt lời, khi chồng có biểu hiện nóng tính thì hãy tìm cớ tránh đi chỗ khác; chồng đánh hãy chạy nhanh thoát ra ngoài để bảo vệ mình, hãy biết tìm đến người thân có uy tín trong gia đình chồng, gia đình mình nhờ can ngăn; nếu nhiều lần phải báo cáo các tổ chức gần nhất như tổ phụ nữ, tổ dân phố, mặt trận can thiệp và cuối cùng nếu xảy ra bạo lực gây thương tích phải báo đến Công an khu vực xã, phường để xử lý theo pháp luật.