Giữ thể diện cho chồng
Cứ gặp người mới quen là chị giới thiệu chồng mình là nhà văn, dù anh chỉ có hai cái truyện ngắn được đăng báo.
Chiều thứ bảy thấy vợ đi mua sắm về, hớn hở khoe mấy cái cà vạt lụa rất đẹp, anh Hoàng cau mặt: “Có hai cái mua từ hồi cưới, có bao giờ dùng đâu, em mua làm gì cái mới?”.
Chị Liên trả lời ngay: “Cà vạt cũ đã gần 10 năm. Anh lên chức rồi, giờ phải ăn mặc chỉn chu, thắt cà vạt chỉnh tề cho xứng với vị trí của mình trong công ty”.
Anh Hoàng vừa được lên chức trưởng phòng. Nghe thì oai nhưng công ty anh nhỏ xíu, cái phòng mà anh làm trưởng thực ra cũng chỉ có bốn nhân viên, cộng thêm anh là năm. Đã nhiều năm làm việc với nhau nên mấy anh em rất thân, chuyện lên chức cũng là bình thường vì anh thâm niên nhất phòng, kinh nghiệm nhiều.
Vì thế, anh chẳng thấy có lý do gì để thắt cái cà vạt vào cho vướng víu, có khi còn bị anh em trêu chọc. Nói với vợ điều đó, chị Liên cau mặt gắt: “Ở công ty anh, em thấy các sếp đều đeo cà vạt đấy thôi!”. Anh than trời, "vì mấy lần em đến công ty đều là vào dịp lễ, mấy sếp đeo là do phải tiếp khách, còn anh chỉ là trưởng phòng quèn"…
Anh cũng biết vợ luôn muốn người khác nể anh, nhưng anh thấy ngột ngạt với cách làm của vợ (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, nhìn ánh mắt hân hoan như trẻ con của vợ, anh không nỡ dập tắt niềm vui ấy nên đành đeo cà vạt vào. Ra khỏi nhà khoảng 50 mét, anh nhìn trước nhìn sau rồi tháo ra, đút vội vào túi quần.
Buổi chiều, sau một chầu nhậu với anh em, anh quên mất chuyện cái cà vạt. Vừa nhìn thấy chồng, chị Liên đã làm dữ: “Trời ơi, sáng đi tươm tất, chiều về sao lôi thôi thế kia? Cái cà vạt của em đâu?”. Anh ngượng nghịu thanh minh: “Đi nhậu với tụi nó mà cà vạt cái gì”. Nghe đến chuyện nhậu, vợ anh càng lớn tiếng: “Từ giờ anh không có đi nhậu, không có mày tao với mấy người trong phòng nữa; đừng để cho họ 'cá mè một lứa' với anh, khó quản lý. Anh phải giữ thể diện của mình chứ”…
Chuyện vợ anh Hoàng là người rất chu đáo với chuyện “giữ thể diện cho chồng” chẳng mấy ai trong họ hàng lại không biết. Cũng tội anh Hoàng, gốc gác là nông dân, trong khi chị là dân thành phố. Chị vốn con nhà trí thức, ba mẹ đều dạy đại học. Nề nếp, gia giáo, công dung ngôn hạnh chị có đủ nhưng lại thêm cái bệnh sĩ diện không nhỏ. Yêu chồng, hiểu bản chất thật thà, giản dị của chồng, chị cứ luôn sợ mọi người cười chê chồng mình.
Biết mình chưa quen việc xã giao, anh cứ phải lắng nghe những giảng giải của vợ: thấy gì ngạc nhiên không được kêu, bất bình không cau mặt, lúc nào cũng phải chừng mực, không để ai biết cảm xúc của mình. Nhiều lần cùng chị đi vào những nơi sang trọng đẹp đẽ, anh xuýt xoa trầm trồ là bị chị nhắc nhở: “Anh đừng làm thế, người ta tưởng mình là nhà quê lên tỉnh”.
Bực quá, có khi anh gắt lại: “Thì anh vốn là nhà quê lên tỉnh mà”.
Cũng một kiểu “giữ thể diện cho chồng” mà chị Nhi và anh Minh nhiều lần cơm không lành, canh không ngọt. Chẳng là anh Minh vốn là một thầy giáo dạy văn cấp ba. Công việc là niềm tự hào, đam mê của anh nhưng chẳng hiểu sao vợ anh lại chẳng mấy tự hào về điều đó.
Thế nên gặp người mới quen là chị giới thiệu chồng mình là nhà văn, dù anh chỉ có hai cái truyện ngắn được đăng báo. Anh cũng hiểu chị chỉ muốn cho người ta kính nể chồng mình. Nhưng, cái cách chị nói dối mọi người, nói quá lên về “công việc sáng tác” của anh, những dự tính ra sách nọ, đoạt giải thưởng kia khiến anh thấy dường như chị đang hạ thấp giá trị thật của anh xuống.
Có lần cố gắng đính chính lời chị trong một buổi tiệc cưới, anh nhận ngay một cú đạp chân đến điếng người của chị dưới gầm bàn. Về đến nhà, anh gầm lên với vợ: “Con người ta kính trọng nhau ở tư cách, phẩm chất. Nếu chính em còn không tôn trọng con người thật của anh, bắt anh đeo lên mặt mình cái thể diện giả tạo thì làm sao anh có thể có được sự kính trọng thật sự của người ngoài. Em không thích những gì anh đang có thà mình ly dị để em đi kiếm điều em muốn còn hơn”.
Chị giật mình với những lời anh nói...