Gia đình trí thức và nguy cơ ly hôn

,
Chia sẻ

Làm thẩm phán được hơn bốn năm, chứng kiến rất nhiều cảnh ngộ "tan đàn sẻ nghé" của các gia đình nhưng có lẽ Hồng sợ nhất là kiểu ly hôn của những gia đình trí thức.

Cô tự hỏi mình có cảm giác đó phải chăng vì quá lo lắng cho nguy cơ tan vỡ của gia đình cô hiện tại?

Sau phiên tòa giải quyết việc ly hôn của một cặp vợ chồng trẻ, Hồng rã rời trở về nhà. Cô nằm vật ra giường, Hồng lạnh toát sống lưng khi thấy hoàn cảnh của hai vợ chồng vừa li dị sao mà giống mình đến vậy!

Những lý do không tên

Ngay từ lúc cầm tờ đơn ly hôn, người chồng đề nghị không cần hòa giải, kinh nghiệm cho Hồng thấy sự dứt khoát lạnh lùng trong quyết định của họ - Một quyết định không thể cứu vãn. Hai vợ chồng đều là dân văn phòng, có thu nhập, có hiểu biết xã hội, hình thức cũng Ok. Lý do ly hôn họ đưa ra chỉ vỏn vẹn ba từ: Không hợp nhau.
 

Những phiên tòa kiểu này bao giờ cũng khiến tâm trạng Hồng nặng nề hơn cả, bởi lẽ những lý do đưa ra để ly hôn đều không có tên gọi cụ thể. Và chỉ những người trong cuộc mới biết, mới hiểu. Người vợ 29 tuổi xinh đẹp và sắc sảo không giấu nổi sự mệt mỏi và bất cần trong đôi mắt sâu thẳm, đờ đẫn. Có vẻ chị đã phải chịu đựng và im lặng quá nhiều. Chị hoàn toàn đồng ý với quyết định ly hôn của chồng và không có ý kiến gì thêm, nói đúng hơn là không hề nuối tiếc. Người chồng cao to, bảnh bao rất hoạt bát, giọng nói trầm ấm, dứt khoát để lộ tính cách gia trưởng đặc trưng của đàn ông Việt.

Liệu họ có vội vàng không? Tâm trạng thờ ơ như chẳng có chuyện gì xảy ra cho thấy họ đã chuẩn bị khá kỹ và không hề nóng vội, bồng bột. Tuyệt nhiên không day dứt, níu kéo.
Cái Tôi quá cao

Họ kết hôn mới được ba năm, chưa hề chán nhau hay ngoại tình. Hồng không thể biết những sự việc tỉ mỉ, cụ thể để dẫn đến mâu thuẫn ly hôn. Bởi lẽ những gia đình trí thức luôn kín tiếng, đọc được suy nghĩ thực chất của họ là một điều khó khăn.

Nhưng qua những hoạt động thường ngày, những thói quen trong tờ khai Hồng nhận ra cả hai vợ chồng trẻ đều rất ham muốn tự do cá nhân. Họ đề cao cái Tôi cá nhân đến mức không ai chịu nhường ai - Điều này chắc chắn luôn xảy ra trong tất cả các mâu thuẫn. Rõ ràng trong cuộc sống của hai vợ chồng chưa bao giờ có khái niệm "Hy sinh". Nghề nghiệp có ảnh hưởng đến tính cách này của họ đặc biệt là những người trẻ được tiếp xúc với các trào lưu văn hóa phương Tây - Tôn sùng tự do cá nhân.
Nếu không có sự hy sinh dù là rất nhỏ (những lời nói, cử chỉ, thái độ...) thì không thể có sự chia sẻ. Chính vì thế mà cặp đôi cảm thấy mệt mỏi, cuộc sống chung như tù ngục.

"May mà họ chưa có con". Hồng tự nhủ.

Cuộc sống hiện tại của Hồng cũng vậy, chồng cô là giám đốc một chi nhánh của tập đoàn mỹ phẩm có tiếng. Có quá ít thời gian cho nhau, nhưng không ai chịu bớt đi một chút thời gian của công việc, của các mối quan hệ ....để dành cho gia đình, dành cho nhau.

Hồng vẫn còn yêu chồng nhưng chính cô cũng không biết mình có bước qua cái Tôi của anh được không và có thể vứt bỏ cái Tôi của chính Hồng được hay không?

Dù thế nào, kinh nghiệm của một thẩm phán luôn nhắc nhở Hồng rằng: Ly hôn không phải là một giải pháp.

Theo Xinh Xinh
Chia sẻ