Giả câm trị vợ dữ dằn
Mỗi lần họp gia đình, mọi người nói chuyện rất vui vẻ nhưng chỉ cần Linh xuất hiện, tất cả sẽ tự lẳng lặng rời đi và ngay khi cô ra thì tất cả lại quây quần, tụ họp.
Ngày yêu nhau, Linh rất hiền dịu và biết điều. Cô ăn nói nhỏ nhẹ khiến ai cũng có cảm tình ngay lần gặp đầu tiên. Mọi người tấm tắc khen Kiên có phúc lấy được cô vợ vừa xinh xắn vừa lành tính. Ai trong gia đình anh cũng yêu quý và hết lòng ủng hộ cho mối tình giữa hai người.
Nhưng khi đã thành vợ thành chồng, Kiên mới vỡ mộng về vợ hiền. Linh là một người vô cùng đanh đá và sẵn sàng gây sự với bất cứ ai khiến cô không hài lòng. Phương châm của Linh là thà để mang tiếng còn hơn để người khác trèo lên đầu lên cổ mình.
Cái tính này bắt nguồn một phần từ việc Linh được sống trong một gia đình quyền quý, quen được nuông chiều và từ đó, mắc bệnh coi khinh người khác. Từ bé đến lớn chưa ai từng dám trái ý cô tiểu thư này, bố mẹ cưng con gái rượu, chỉ cần cô muốn thì dù khó đến mấy ông bố quyền lực nhất định cũng phải tìm mọi cách để làm cho cô. Cấp dưới của bố vì sợ oai danh của ông nên đến nhà chơi, đôi khi không vừa lòng với Linh cũng chỉ cười nịnh nọt cho qua mà không hề dám quát mắng.
Yêu Kiên, ít nhiều tính khí đó của Linh đã thay đổi. Linh hiển ra nhiều và cũng biết điều hơn nhưng từ ngày thành vợ anh, an tâm rằng đã yên ổn, đã nắm được Kiên nên Linh lại chứng nào tật ấy. Bản tính cũ quay về và làm Kiên khốn khổ. Ban đầu Linh gây sự với những người trong gia đình, rồi lan sang hàng xóm và rồi cả đồng nghiệp.
Có lần nhà bên cạnh lỡ để túi rác sang phần hiên nhà Linh, cô sang tận nơi, xách túi rác đặt giữa nhà người ta, mặc cho hàng xóm đang có khách, Linh làm một tràng giang đại hải những điều không vừa ý, nói tới mức hàng xóm kéo cô ra ngoài xin cô đừng nói nữa, Linh cũng không ngừng lại. Trước Kiên còn hay tâm tình khuyên vợ nhưng khi nhận ra tất cả đều là vô ích, anh nghĩ cách trị bệnh cho vợ.
Sự thống nhất ngầm được đặt ra với cả gia đình, bạn bè và vài hàng xóm thân. Linh sẽ bị “tẩy chay hoàn toàn”. Nếu trước đây mỗi lần Linh nổi đóa, đay nghiến chồng thì anh sẽ có phản ứng lại nhưng giờ Long mặc kệ, vợ thích nói sao thì nói, anh tuyệt đối không nói lại chị một câu nào.
Tương tự như vậy, bố mẹ chồng, họ hàng thân thích, bạn bè cũng tỏ vẻ lảng tránh Linh. Ngay cả bố mẹ cô cũng tỏ vẻ xa cách, không mấy vồn vã khi con về thăm nhà. Rất nhanh và dễ để Linh nhận ra thái độ của mọi người. Muốn gây chuyện nhưng đối phương không hưởng ứng thì cũng chẳng có gì thú vị. Linh rơi vào tình trạng bị cô lập. Bối rối, sợ hãi.
Mang chuyện này tâm sự với chồng, anh cũng chẳng động viên hay an ủi cô an tâm. Linh hoang mang vô cùng. Mỗi lần họp gia đình, mọi người nói chuyện rất vui vẻ nhưng chỉ cần có mặt Linh xuất hiện, tất cả sẽ tự lẳng lặng rời đi và ngay khi cô ra thì tất cả lại quây quần, tụ họp.
Trước các chị em dâu trong nhà mỗi khi rảnh rỗi thường rủ nhau đi mua sắm, qua lại nhà nhau chơi. Giờ trong cuộc vui này, Linh cũng bị cho ra rìa. Mới đầu các chị dấm dúi rủ nhau đi, sau thì công khai hẹn hò trước mặt Linh mà không ngỏ ý muốn cô đi cùng lấy một câu.
Về nhà, chồng con cũng không nói chuyện với cô. Có việc cần kíp lắm mới mở mồm nói nhấp nhẳng vài từ, chỉ đủ nội dung thông tin rồi thôi. Sau Kiên chuyển hẳn sang việc nhắn tin cho vợ chứ không giao tiếp trực tiếp nữa dù hai người ngồi cùng một phòng hay đang đi cùng nhau. Về phía hàng xóm, Linh lại càng thêm phần khốn khổ và tủi thân. Hội hè trong xóm, Linh tuyệt đối không được ai rủ đi.
Đi họp xóm, cô cũng thui thủi ngồi một mình. Gặp cô trên ngõ nhỏ, ai cũng vờ vẻ tất bật không nhìn thấy rồi đi thẳng, tuyệt nhiên không chào hỏi lấy một câu. Linh đã thử bắt chuyện nhưng thứ mà cô nhận được chỉ là những ánh mắt lạnh lùng và sự lẩn tránh. Nghĩ nhà mình đã làm chuyện gì không phải khiến hàng xóm phật lòng, Linh mua chút quà mang đến thăm mọi người. Nhưng khi cô vừa rời nhà họ, trở về thì một lúc sau thấy hàng xóm sai con mang quà sang trả nói: “Tấm lòng của cô bố mẹ cháu xin nhận còn quà thì bố mẹ cháu nói mong cô nhận lại”.
Linh khóc dở mếu dở không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thấy vợ cuống quýt, khổ tâm, Kiên biết “khổ nhục kế” của mình đã nửa già thành công. Nhưng để cho cô vợ yêu chừa hẳn cái tính đành hanh, chằn lửa, anh nói mọi người kéo dài màn kịch này thêm chút ít để nỗi sợ của Linh lên tới đỉnh điểm.
Bố mẹ Linh trước giờ vẫn coi cô con gái là nhất, nay cũng tham gia vào màn kịch này. Xưa Linh về nhà bố mẹ vui vẻ, vồn vã bao nhiêu thì nay cô nhận được sự ghẻ lạnh y như thế. Bố mẹ lúc nào cũng tỏ vẻ mong cô nhanh chóng rời khỏi nhà, thậm chí mẹ cô còn nói cô về chơi ít thôi, “bố mẹ còn bao nhiêu việc thời gian đâu mà tiếp chị?”
Linh hoảng sợ và ngỡ ngàng bởi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cho tới khi “vô tình” nghe được câu chuyện của các chị dâu với mẹ chồng rằng cô quá đành hanh, đanh đá nên chẳng ai muốn động vào. Không nói chuyện với cô nhẹ cả người vì không lo ngay ngáy sẽ bị cô vặn vẹo, bị bốp chát cho ngượng tím mặt. Thôi thì “ tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Nghe xong câu chuyện, phát hiện ra ngọn nguồn của mọi sư, Linh bắt đầu thay đổi bởi cô quá khổ sở trong việc bị cô lập. Cô cũng nhận ra rằng tính khí của mình đã làm nhiều người khó chịu và chồng cô cũng đã phải khốn khổ vì điều đó.
Cho đến mãi sau này, khi mọi thứ đã dần đi vào guồng quay của nó, Linh đã thay đổi nhiều sau màn kịch Kiên vất vả dựng lên, anh mới kể lại cho vợ nghe điều đó. Cô không giận chồng mà thầm cảm ơn anh. Cô cũng thấy mình yêu chồng nhiều hơn vì chồng đã giúp cô trị được tính khí khó chịu của mình, để giữ hạnh phúc cho gia đình nhỏ bé của hai người.