Độc chiêu "tra tấn" bạn đời của dân trí thức
"Anh có thói quen nói từng câu một và không bao giờ nhắc lại lần hai. Hễ tôi sơ ý, không nghe rõ, thì phải cố đoán xem anh muốn gì để làm cho đúng", chị Hoàng Anh tâm sự.
Người trong cuộc gọi bạo hành tinh thần là kiểu "hộp đen", tức bạo hành không nhìn thấy được. Năm 2005, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thực hiện khảo sát tại 8 tỉnh, thành phố, kết quả thật bất ngờ: cứ bốn gia đình bị bạo hành, thì có một kiểu "hộp đen". Năm 2007, khảo sát của Trung tâm tư vấn Hồn Việt TP HCM cho thấy, bạo hành kiểu "hộp đen" chiếm 72% trên tổng số hơn 500 trường hợp cần tư vấn.
Sống chung với... "gấu"
Trong bức bức thư tâm sự dài 2.696 từ, một phụ nữ tên Hoàng Anh, 34 tuổi ở phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết: “Tôi ít hơn chồng gần 10 tuổi, có một con chung 7 tuổi. Chúng tôi ở riêng từ khi cưới, cuộc sống ổn định, thậm chí có thể nói là khá thoải mái về vật chất. Chồng tôi là người năng động, có trách nhiệm, không chơi bời nhậu nhẹt và luôn quan tâm đến vợ con. Hết giờ làm việc, anh luôn đi thẳng về nhà. Từ ngày cưới đến nay, anh chưa bao giờ giấu tiền xài riêng, dù tôi không hề đòi hỏi anh phải như thế. Thậm chí anh luôn ngọt ngào: 'Tiền anh làm ra không lẽ để cho vợ con người khác xài?'
Trong mắt gia đình hai bên, đồng nghiệp, bạn bè và những người quen biết, tôi thật có phúc. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Bên trong cuộc sống tưởng chừng rất đẹp đó, tôi có nỗi khổ tâm không dám thổ lộ cùng ai. Nói ngắn gọn: tôi là nạn nhân của sự bạo hành tinh thần, mà chồng tôi là thủ phạm.
Dù anh ấy chưa bao giờ đánh đập hay có bất cứ hành động nào xâm phạm thể xác của tôi, nhưng tôi luôn đau đớn, buồn tủi và tổn thương sâu sắc vì cũng ngần ấy năm, tôi phải sống trong tâm trạng dật dờ, căng thẳng. Anh có thói quen nói từng câu một và không bao giờ nhắc lại lần hai. Hễ tôi sơ ý, không nghe rõ, thì phải cố đoán xem anh muốn gì để làm cho đúng. Nếu làm trật, không còn từ mắng chửi, nhiếc móc, sỉ nhục nào mà anh không dành cho tôi.
Đọc hết bức thư, người ta dễ hình dung chị Hoàng Anh phải đau khổ thế nào khi sống chung với một người có thói quen hành xử rất thiếu... trí thức.
Tuy nhiên, thực tế còn một kiểu bạo hành "độc đáo", mà hiệu quả "tra tấn" bạn đời mạnh gấp ngàn lần trường hợp nêu trên. Kẻ hành hạ vợ "bất chiến tự nhiên thành" khi dùng chiêu á khẩu... ngồi thiền. Từ hoàn cảnh của mình, chị Nguyễn Thanh Bình, giảng viên ĐH, sống tại phường 5, quận Phú Nhuận, đúc kết: "Ra đường sợ nhất công nông/Về nhà sợ nhất chồng không nói gì”. Sống với nhau suốt 8 năm trời, nhưng từ sau một lần đôi co mà phần thắng nghiêng về chị, anh chồng, một tiến sĩ khoa học đã thề: "Từ nay, có cạy răng anh cũng không thèm mở miệng với một người vợ có học thức nhưng rất... mất dạy".
Tuy không bị chồng thượng cẳng tay hạ cẳng chân, nhưng tuyên bố đó cùng sự im lặng của anh khiến chị luôn cảm thấy gia đình như tảng băng Bắc cực, còn chồng trở thành gấu mẹ vĩ đại đang vùi mình ngủ đông. Không nói chuyện được với chồng, mọi thông tin bị tắc nghẽn, chị như muốn điên: "Chẳng thà anh ấy mắng chửi còn hơn!".
Gắn đèn cho "hộp đen"
Tổng kết từ nhiều nạn nhân, các nhà chuyên môn thấy rằng, bên trong chiếc "hộp đen" là tập hợp các hành vi: bắt bạn đời sống trong bầu không khí sợ hãi; khủng bố nạn nhân đến hoảng loạn tâm thần như: nhục mạ trước công chúng, dùng lời lẽ chỉ trích quá đáng (so sánh với vợ người khác bằng những lời lẽ mạt sát, gọi vợ bằng mày, con, đồ, thứ...), dùng lời đường mật hứa hẹn rồi nuốt lời; liên tục truy hỏi, nặng lời để hạ nhục nhân phẩm; làm mất lòng tự trọng, mỉa mai, giễu cợt những sai phạm tình cảm riêng tư của vợ...
Riêng chiêu "á khẩu ngồi thiền cấp tiến sĩ” của chồng chị Bình, thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng lại chính là kiểu khủng bố độc ác nhất dành cho phụ nữ thời... bùng nổ thông tin.
Không ít người lầm tưởng, bạo hành tinh thần chỉ xảy ra trong những gia đình trí thức có thời gian chung sống tương đối dài. Thực tế không chỉ vậy, hiện tượng này cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong các gia đình trẻ, cả vợ và chồng đều là người có trình độ, độc lập về tài chính. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều trung tâm tư vấn còn phát hiện thêm hiện tượng bạo hành tinh thần xảy ra ngay trong thời điểm "chưa là gì của nhau", ở những người trẻ đang là sinh viên và sắp trở thành trí thức.
Theo bà Lê Minh Nga, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý - giáo dục và tình yêu - hôn nhân - gia đình TP, có khoảng 30% thanh niên, đa phần là nữ đến nhờ tư vấn vì bị người yêu bạo hành. Những trường hợp này, nếu người trong cuộc không kịp thời điều chỉnh, thì khi gạo nấu thành cơm, việc chung sống với người có "tiền căn" bạo hành, đồng nghĩa tự mình buộc cổ treo mình lên cây.
Mới đây, khi mang đơn cầu cứu Báo Phụ Nữ, chị Nguyệt Hằng, một tiến sĩ văn hóa, đã bổ sung thêm cho "kho tàng bạo hành" một trường hợp mới: ly hôn rồi vẫn bị bạo hành.
Không chịu nổi tính tình kỳ quái của chồng, chị Hằng cạy cục suốt hai năm trời mới nhận được quyết định ly hôn. Nhưng từ năm 2006 đến nay, người cũ của chị cứ luân phiên hoặc khoanh tay đứng trước cửa nhà, hoặc ngồi uống trà trước cổng cơ quan. "Tuy anh ấy không làm gì, không nói gì, nhưng nửa đêm, mỗi lần nghe tiếng khua ổ khóa rỏn rẻng ngoài cổng sắt là tôi phải thức đến sáng... vì trong đầu cứ tưởng tượng ra đủ chuyện có thể xảy ra", chị Hằng bức xúc nói.
Những chấn thương tâm lý do bạo lực tinh thần gây ra, sâu sắc và lâu dài hơn những cơn đau thể xác. Chúng đặc biệt ảnh hưởng tới đời sống tình cảm, tâm lý của các nạn nhân, nhưng lại rất khó xử lý, vì chúng là hành vi vô hình, không để lại "tang chứng, vật chứng" để cấu thành tội phạm hình sự. Hơn nữa, bạo lực tinh thần không chỉ gây tổn thương cho người trong cuộc, mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em.
Thạc sĩ tâm lý Linh Trang, giảng viên Trường Cán bộ TP HCM, nhấn mạnh: "Không khí trong gia đình căng thẳng không bao giờ là môi trường tốt để tâm lý trẻ phát triển ổn định". Do vậy, lệch lạc về nhận thức cũng như sự phát triển thể chất của trẻ là điều dễ hiểu.
Nhận diện đúng, đủ và phổ biến các hình thức bạo hành tinh thần để mọi người đi đúng đường sáng mà không quàng phải bụi rậm, được các nhà tư vấn gọi là "gắn đèn cho hộp đen". Tuy nhiên, việc làm cho chiếc đèn trong "hộp đen" sáng không hiệu quả bằng việc làm cho chiếc "hộp đen" không tồn tại. Điều đó phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của từng trí thức vợ - trí thức chồng về chiếc "hộp đen".
Theo Phụ Nữ