Địa ngục trần gian của người phụ nữ bị bạo hành
Suốt 10 năm trời, chị sống câm lặng trong đau đớn và tủi nhục vì bị chồng hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.
Chị những tưởng cứ cam chịu cho yên nhà yên cửa là được, thế nhưng các vụ xô xát ngày càng xảy ra nhiều trong những năm gần đây, chủ yếu do thói ghen tuông của chồng. Anh ta tưởng tượng ra đủ mọi chuyện về quan hệ của chị với mọi đồng nghiệp.
Và đó cũng là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, khiến chị đi đến quyết định ly hôn chồng. Nhưng dù thế chị vẫn không muốn chồng đi tù vì sợ mang tiếng và cũng vì tình nghĩa vợ chồng bấy lâu nay.
Lý do để chị sống được với chồng gần 20 năm qua là vì mỗi lần đánh xong anh ta đều tỏ ra hối hận, xin lỗi, thanh minh ngọt ngào để chị tha thứ. Còn chị thông cảm vì cho rằng chồng đang ở trong tâm trạng ức chế, mặc cảm vì không có việc làm.
Chị Hoàng Tú Anh, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho biết, những bi kịch như trên trong các gia đình Việt không còn là chuyện hiếm gặp. Có những người phụ nữ đã chịu sống như thế trong 5 năm, 10 năm, thậm chí là cả cuộc đời. Sự cam chịu của họ vô tình đã dung túng cho hành vi của chồng. Chồng vốn nóng tính, lại mất việc nên bị ức chế... đó chỉ là không phải là nguyên nhân dẫn đến việc hành hạ vợ mà chỉ là cách để bào chữa, để "chạy tội".
"Nhiều người cho rằng muốn phòng chống bạo lực gia đình thì phải tìm cho bằng được nguyên nhân. Thế nhưng thực tế, rất nhiều người đang lầm tưởng về nó, đặc biệt là những người phụ nữ", chị Tú Anh nói.
Cũng vì thế, Báo cáo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình mới được công bố đã dành hẳn một chương để nói về những lầm tưởng này. Trong số gần 5.000 phụ nữ khi được hỏi về những tình huống dẫn đến bạo lực, thì có gần 34% chị em cho rằng đó là khi chồng say rượu, nảy sinh các vấn đề gia đình. Bên cạnh đó là do những khó khăn về tài chính, vợ không nghe chồng...
Theo đó, nhiều chị em lầm tưởng nguyên nhân gây bạo lực là do rượu. Đàn ông cho rằng đó là lý do khiến họ mất tự chủ và gây bạo lực. "Đôi khi người chồng uống say và khi về nhà vợ nói nhiều nên không chịu nổi và vì thế họ mới đánh vợ", một nam giới ở Huế tham gia nghiên cứu chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, việc nam giới bạo hành với vợ là hành vi học hỏi từ xã hội, không nhất thiết là do bệnh tâm thần hay là do bản chất con người. Họ chỉ lấy rượu làm lý do bào chữa cho hành vi bạo lực của mình. Thực tế, nhiều nam giới nghiện rượu nhưng không hề bạo lực với vợ và có nhiều ông chồng bạo lực với vợ mà không hề uống rượu, chị Tú Anh cho biết.
Bên cạnh đó, lý do dẫn tới hành vi bạo lực theo nhiều chị em là "bản chất của nam giới hay ghen tuông và muốn kiểm soát vợ". Họ không coi hành vi kiểm soát là bạo lực mà đánh đồng chúng với "quá yêu" hoặc "quá ghen", hoặc ở mức "không nghiêm trọng". Người chồng nghĩ rằng mình có quyền kiểm soát vợ và các mối quan hệ của vợ, đặc biệt khi anh ta là người kiếm được nhiều tiền hơn trong gia đình.
Anh Hà, ở Huế, cũng cho biết: "Chồng kiếm được tiền nên có quyền giữ tiền. Nếu vợ làm gì sai, tôi sẽ dạy vợ, chẳng qua là do làm mình bực mình thôi".
Cũng theo chị Tú Anh, không những thế, trong xã hội ngày nay nhiều người vẫn quen với câu nói "dạy con từ thuở còn thơ dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về". Theo đó, một người đàn ông có quyền đưa vợ vào "khuôn phép", đặc biệt là khi người vợ làm gì đó "sai" với chồng hoặc gia đình nhà chồng. Đàn ông coi việc sử dụng bạo lực như một cách để khẳng định vị trí của mình là điều có thể chấp nhận được.
Có chị em lại cho rằng bạo lực trong gia đình là do lỗi của mình. Theo lầm tưởng này thì một người chồng có thể sử dụng bạo lực với vợ vì cô ấy nói quá nhiều. Một người vợ thì phải chăm sóc gia đình tốt và biết im lặng khi chồng nổi nóng. Hoặc đàn ông thì hiểu biết nhiều hơn phụ nữ và bạo lực thường là do lỗi của phụ nữ vì phụ nữ thường nhỏ nhen hơn.
"Vợ mà cứ cằn nhằn là tôi quát. Ví dụ tôi uống rượu, hút thuốc mà cứ ca cẩm là người tôi hôi hay uống rượu thế này thế nọ. Nếu mà chỉ nói một hai lần thì cũng chẳng sao, nhưng nói nhiều quá làm tôi mất kiên nhẫn", anh Trung, ở Hà Nội, tham gia nghiên cứu nói.
Ngoài ra, một lý do được nhiều chị em nhắc tới đó là do vấn đề sinh học của nam giới, như chồng có "máu nóng" sau khi chữa bệnh hoặc anh ấy có gene gây bạo lực.
Thế nhưng, có một điều nghịch lý là trong khi nhiều người bị thuyết phục bởi những giả thiết nêu trên thì nam giới gây ra bạo lực lại tiết lộ rằng hành vi bạo lực của họ không phải "vô tình" mà là "cố ý". Điều này có nghĩa họ cố tình đe dọa vợ để lần sau người vợ không dám làm trái ý chồng nữa, chị Tú Anh cho biết.
"Tôi không có ý định bỏ vợ nhưng tôi chỉ đuổi vợ ra khỏi nhà để cô này biết cách cư xử với tôi. Vấn đề là lần sau, làm gì thì làm phải hỏi ý kiến tôi trước", một nam giới tại Hà Nội khi tham giả thảo luận nhóm chia sẻ.
"Nếu chúng ta vẫn cứ trăn trở trong phạm vi cá nhân để tìm nguyên nhân gây bạo lực là ông chồng ấy tâm thần, uống rượu, vợ ngoại tình, nói nhiều... thì là đang tìm cách 'chạy tội' cho họ. Và khi đó công cuộc phòng chống bạo lực gia đình còn nhiều khó khăn. Vấn đề ở đây chính là nhiều người còn thờ ơ, còn coi bạo là hành vi chấp nhận được", chị Tú Anh cho biết trong một cuộc thảo luận mới đây về các kết quả của nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình toàn quốc.