Đi tìm bằng chứng ngoại tình
Chị Y. (ở Q.7), có chồng là giám đốc một doanh nghiệp. Chị phát hiện chồng mình ngoại tình nhiều năm nhưng không có bằng chứng cụ thể.
Những lúc vợ chồng bên nhau, chị Y. nghi ngờ dò hỏi thì chồng chị cứ chối phăng: “Cô có bằng chứng gì không, không có thì đừng nói nữa!”. Để bụng câu nói ấy, chị quyết tìm bằng chứng.
Hằng ngày, chị thuê xe ôm, bịt mặt kín mít, lân la đến các công trường vẫn không tìm được chứng cứ. Chị thuê thám tử tư bám theo chồng chị đi các tỉnh. Sau một thời gian chị có trong tay bằng chứng chồng mình đang chung sống như vợ chồng với một cô gái ở tỉnh L.A.
Từ đó chị Y. tiến hành “vạch mặt” chồng. Nói chuyện ở nhà “êm dịu” chồng vẫn chối, chị đến công trường, văn phòng công ty; đến nơi ở của cô gái mà chồng mình ngoại tình “quậy” tưng bừng. Xấu hổ, chồng chị “ngửa bài”: “Đúng, tôi đã ngoại tình đấy, nhưng nguyên nhân có phần lỗi của cô. Cô làm như vậy là quá đáng, là bôi tro trét trấu vào tôi. Giờ nếu chấp nhận tôi hai vợ thì tiếp tục chung sống, nếu không thì ly hôn”.
Dù hụt hẫng và tức giận, vẫn muốn giữ gia đình nhưng chị cho rằng chồng mình có lỗi, mình đã có bằng chứng nên tòa án (TA) không thể giải quyết cho ly hôn một cách dễ dàng. Nghĩ vậy, chị tiếp tục tìm kiếm thêm chứng cứ để sau này cung cấp cho tòa.
Cuối cùng, TA vẫn quyết định cho người chồng được ly hôn với nhận định: “Tình trạng mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, các bên có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau; bà Y. không đồng ý ly hôn nhưng khi vợ chồng có mâu thuẫn, bà không có biện pháp nào để vun đắp, hàn gắn mà chỉ lo bắt ghen, đánh ghen, tìm kiếm bằng chứng ngoại tình của chồng v.v...”.
Chị M.L. ở Q.Bình Thạnh cũng là nạn nhân của việc ngoại tình, mà theo chị thì chồng mình đã “hết thuốc chữa”. Không ghen tuông, không làm lớn chuyện, mà ứng xử theo cách “lạt mềm buộc chặt” nhưng chị vẫn thất bại trong việc kéo chồng về với mình. Tình cảm không còn nhưng chị vẫn tìm kiếm bằng chứng chồng ngoại tình để với lý do sợ tòa không chấp nhận. Hơn nữa, bằng chứng ngoại tình theo chị còn để TA bảo vệ việc phân chia tài sản khi ly hôn vì anh là người có lỗi(!?)”.
Anh H. nhà ở Q.5, thì mang nỗi niềm khác. Cuộc sống vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn vì anh nghi ngờ vợ có nhân tình bên ngoài. Anh đã cho người theo dõi để có thể “bắt tận tay” vì theo anh "tôi muốn có bằng chứng ngoại tình để xin tòa án giải quyết cho tôi được quyền nuôi con".
|
Ngày nay, không ít vụ ly hôn là do một bên ngoại tình, nhưng Luật Hôn nhân và gia đình không có quy định nào về vấn đề này mà chỉ quy định căn cứ cho ly hôn như sau: “TA xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì TA quyết định cho ly hôn”.
Việc ngoại tình,nếu có, thì cũng chỉ thêm cơ sở để TA nhận định tình trạng vợ chồng trầm trọng hoặc nhận định đời sống chung không thể kéo dài chứ không phải là căn cứ pháp lý duy nhất để tòa quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của đương sự.
Mặt khác, về đường lối và quan điểm xét xử, TA cũng không căn cứ vào yếu tố lỗi cũng như định kiến về lỗi của các bên khi ly hôn. Vì thế, việc các bên cố công tìm kiếm yếu tố lỗi hoặc đổ lỗi cho nhau… cũng không có tác dụng hoặc ý nghĩa gì khi tòa giải quyết việc ly hôn, mà chỉ làm tổn thương thêm cho nhau.
Về việc nuôi con sau khi ly hôn,luật chỉ quy định: “Nếu vợ, chồng không thỏa thuận được thì TA quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác”.
Như vậy, căn cứ quan trọng nhất mà pháp luật quy định để TA quyết định giao con cho một bên nuôi là căn cứ và quyền lợi về mọi mặt của con.Nghĩa là ở với ai mà con được nuôi dạy, chăm sóc trong điều kiện tốt nhất để có thể phát triển hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, đạo đức…, TA sẽ giao cho người đó nuôi.
Điều kiện để được xem xét ở đây là về mọi mặt, như: nhà ở, thu nhập, công việc làm, kinh nghiệm nuôi con, môi trường sống, thời gian trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con. Giả sử người cha hoặc mẹ có hành vi ngoại tình nhưng vẫn yêu thương, quan tâm, chăm sóc và có trách nhiệm với con, thì trên thực tế cũng không ảnh hưởng gì đến quyền được nuôi con.
Rõ ràng, việc tìm kiếm bằng chứng về ngoại tình trong trường hợp này cũng sẽ không có ý nghĩa gì.
Trong trường hợp có tranh chấp về chia tài sản chung khi ly hôn, TA sẽ quyết định theo nguyên tắc: “Chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản…”.
Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành không có một điều khoản nào quy định một bên ngoại tình hoặc có lỗi dẫn đến ly hôn thì không được chia hoặc được chia tài sản ít hơn so với người kia.
Trong các quy định về xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng cũng không quy định biện pháp chế tài bổ sung như là: tước, tịch thu, hoặc hạn chế trong việc chia tài sản của người có hành vi vi phạm.
Do vậy, có thể nói, dù một bên có hành vi ngoại tình, với lỗi nghiêm trọng đi chăng nữa, họ vẫn được chia tài sản chung theo quy định của pháp luật, việc tìm kiếm bằng chứng về ngoại tình trong trường hợp này là hoàn toàn không cần thiết.
Theo PNO