Dạy vợ bằng... bạo lực

,
Chia sẻ

Với giọng nói đứt quãng và không giấu được vẻ sợ hãi, người phụ nữ ngồi trước mặt tôi bắt đầu kể lại những đau đớn, bất hạnh của đời mình.

Nỗi đau bị người chồng hàng ngày đánh đập, nỗi uất nghẹn, tủi hổ vì lúc nào cũng phải nói dối bố mẹ chồng là bị ngã...

"Dạy vợ" là chuyện thường tình

Trong căn nhà nhỏ của chị Thanh (quận Hoàng Mai) một ngày đầu tháng 5/2010, điều khiến chúng tôi bất ngờ là câu chuyện về người phụ nữ hàng ngày vẫn bị đánh đập vì tính khí thất thường của chồng. 20 năm chung sống với nhau là chuỗi dài cơ cực và cay đắng đối với người phụ nữ này. Chị kể: lấy chồng ngần ấy năm nhưng tất cả mọi công việc trong gia đình từ lớn tới nhỏ đều một tay chị gánh vác, còn chồng chị, ngoài việc uống rượu say khướt rồi trở về đập phá, chửi bới vợ con thậm tệ, không giúp được gì cho gia đình. Những trận đòn roi mà chị phải nhận từ chồng đã trở nên quen thuộc như "cơm bữa". Hành vi vũ phu của chồng chị thường xuyên diễn ra khiến họ hàng, bà con chòm xóm bất bình và lên án nhưng anh ta chưa một lần tỏ ra hối cải mà vẫn "ngựa quen đường cũ".

Chị Thanh kể, suốt mấy năm qua chị như sống trong địa ngục. Vợ chồng bất hòa, hễ tức giận hay không hài lòng chuyện gì là chồng chị lại đánh đập vợ con.      

Chị Thanh kể, ngày trước khi mới về làm dâu, gia cảnh nhà chồng còn khó khăn, chị yên phận làm lụng, chăm chồng, phụng mẹ rất ít khi hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Tai họa chỉ đến khi kinh tế khá giả hơn, tiền chồng chị kiếm về nhiều hơn, các cuộc nhậu nhẹt kéo dài thâu đêm và đó là lúc chị phát hiện chồng có những mối quan hệ bất chính. Bất hòa lên đến đỉnh điểm khi chồng chị ngang nhiên công khai chuyện bồ nhí với vợ. Gạt những dòng nước mắt lăn dài trên gò má, chị Thanh nghẹn ngào nói, chị không muốn "vạch áo cho người xem lưng". Nói đến đây, chị khóc tức tưởi. Chị nói, ngày nào chồng chị cũng tìm mọi lý do để "tẩn" chị, đặc biệt nếu động chạm đến "bồ nhí" của chồng thì chị Thanh sẽ bị mắng chửi thậm tệ.

Khi nhắc đến chuyện bị chồng đánh đập, chị Thanh cho biết mỗi lần có chuyện bực tức là anh Tình lại đánh vợ, đánh con. Có những trận đòn khiến chị thừa chết thiếu sống, chị bảo nhiều lúc phải trèo qua lan can nhà hàng xóm để thoát thân... Mới đây nhất là vào ngày cuối tháng 4, chồng chị nổi giận khi sai cậu con trai lên gác lấy chiếc điện thoại di động để anh gọi điện cho bạn nhưng vì chậm chân, cậu con trai đã bị ông bố vác cả cái ống tuýp nện thẳng vào sau gáy. Vì quá bất ngờ, đau điếng, cậu con trai ngã khụy xuống nền nhà. Chị Thanh van xin thế nào chồng cũng quyết dậy cho thằng con không được... láo. 
 

 
Sau trận đòn lần đó, chồng chị tống cổ hai mẹ con ra khỏi nhà rồi khóa cửa lại. Chị Thanh cho biết, vì quá sợ những trận đòn của bố, cậu con trai  không dám về nhà  mà chỉ ở bên bà ngoại. Không những thế chị Thanh còn bị chồng "bêu xấu" bằng cách nói rằng chị láo với chồng, xúi giục con không nghe lời bố và còn vô vàn câu chuyện được người chồng thêu dệt về chị. Thế nhưng, chị Thanh không dám phản kháng, không dám cãi lại và chị luôn nghĩ sẽ chẳng có hệ quả to lớn nào xảy ra (vì chồng dạy vợ là chuyện thường tình mà!). "Được đằng chân lân đằng  đầu", càng ngày anh Tình càng trở nên cục cằn, hễ điều gì không hài lòng với vợ con là kiểu gì họ cũng bị ăn những trận đòn chí tử.

Theo lời kể của chị Thanh, do cuộc sống gia đình phát sinh nhiều mâu thuẫn, anh Tình đánh chị liên tục và đã có lần nặng nhất khiến chị phải vào viện điều trị với đa chấn thương, khắp người bầm tím. Chị Thanh cho biết: đau đớn, tủi nhục nhưng người chồng vẫn không buông tha. Lúc người nhà đưa chị đến bệnh viện, anh chồng còn chửi bới, tiếp tục rượt đuổi đánh vợ. Trước hành vi hung hãn của người chồng, hàng xóm đã gọi điện nhờ công an phường giúp đỡ. Nhưng khi công an đến thì họ lạnh lùng bảo: "Chuyện gia đình để họ tự giải quyết! ". Chị Thanh kể trong nước mắt: Hàng ngày phải chịu đựng những lời chửi bới tục tĩu và những trận đòn chết đi sống lại từ ông chồng vũ phu của mình. Cứ sau mỗi lần "chén anh chén tôi" bên hàng xóm, hay những lần tức giận vô cớ là anh chồng trút tất cả bạo lực lên đầu vợ... Có lần anh ta lấy cả thanh sắt đánh chị, khiến chị đau đớn. Sau nhiều lần bị bạo hành như thế, chị Thanh cảm thấy sợ chồng, sợ tổ ấm gia đình của chính mình. Trong sâu thẳm lòng chị, người chồng đã không còn là người chị tin yêu để có thể chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn.

Cuối cuộc trò chuyện, chị Thanh bảo, em đừng đăng chị lên báo không chị chẳng thể sống nổi. Với tâm trạng đầy lo sợ chị Thanh nói: "Tủi nhục lắm! Chồng chẳng ra chồng nhưng nếu nói ra thì lại bảo vạch áo cho người xem lưng". Nghe chị nói vậy, tôi trộm nghĩ: Vì những người vợ chấp nhận để chồng hành hạ, vì những người chồng cho mình quyền dạy vợ, vì những đứa trẻ ngây thơ vô tội hằng ngày chứng kiến cảnh bạo lực, vô hình chung đã nhận thức một cách sai lầm rằng bạo lực là cách giải quyết vấn đề trong gia đình.

Giận quá mất khôn

Hơn một năm trước khi nghe chuyện chị Vi, hàng xóm ai xũng xót thương cho chị. Một người con gái hiền hậu đã phải gắng chịu nỗi đau tận cùng - người chồng đã giết hại chính đứa con dứt ruột đẻ ra của mình chỉ vì "giận quá mất khôn".

Ngồi trước mặt tôi, chị Vi khóc nức nở, chị bảo chẳng có nỗi đau nào đau hơn nỗi đau mà chị đã trải qua. Chị kể lại, chị và anh Thuận cưới nhau được gần 10 năm, đều là cán bộ của một Trung tâm Giáo dục lao động ở Ba Vì, hàng xóm hiếm khi nghe thấy họ to tiếng với nhau dù cuộc sống của họ không khá giả. Thế nhưng, sóng gió đến với mái ấm gia đình họ từ một chuyện hết sức giản đơn. Chị Vi ngậm ngùi: "Cơ quan cho gia đình cán bộ đi nghỉ mát, chồng tôi đề xuất là cả nhà đi nhưng do đang theo học tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tôi từ chối. Tôi có ngờ đâu, chỉ vì một lý do ngớ ngẩn mà tôi đã phải đánh đổi cả mạng sống của đứa con trai bé bỏng của mình. Chị Vi bảo: Hôm đó chồng tôi nằn nì "cả năm được ngày nghỉ mát với chồng con, em đi đi", tôi phân bua: "Việc em đi học là do cấp trên cử, em chỉ là nhân viên thôi, biết làm thế nào". Nghe chị nói vậy, Thuận bực tức, cho rằng chị không muốn đi nghỉ mát với chồng, con nên đã nại ra lý do như vậy.

Giàn giụa nước mắt, chị Vi kể: "Thấy chồng chuẩn bị đi đón con đang gửi ở nhà ông bà ngoại, chị đã gọi điện cho mẹ đẻ chuẩn bị quần áo, sách vở trước. Trong lúc nói qua điện thoại, chị khóc, nghĩ có chuyện gì chị cũng mách mẹ nên anh tức giận, giật điện thoại đập xuống nền nhà rồi mới đi đón con. Sau khi đón con về, anh tiếp tục hỏi lại chuyện xin nghỉ, nhưng tôi vẫn ậm ừ". Thấy vợ từ chối, cơn bực tức dâng lên cực độ, anh như biến thành con thú, chạy xuống dưới bếp lấy một con dao nhọn, đâm hai nhát vào lưng Bảo - cậu con trai đang ngồi chơi dưới đất. Hoảng hồn, chị Vi vội bế con đứng vụt dậy can ngăn thì bị chồng chém. Bé Linh bị trúng 5 nhát vào người, chị cũng bị đâm vào tay trái. Chị Vi nấc lên từng tiếng: "Sau hôm định mệnh đó, Bảo đã ra đi. Tôi đã mất con”.

Câu chuyện của chị Vi thật thương tâm, chỉ vì một phút nóng giận người chồng đã đang tâm tước đoạt cuộc sống của cậu con trai bé bỏng. Dù mất con, bản thân bị thương tật nhưng chị Vi không hề tỏ thái độ căm hận chồng, ngược lại chị còn từ chối giám định thương tật của mình và con gái với mong muốn giảm tội cho chồng. Hình ảnh của Vi tại phiên tòa cứ ám ảnh tôi, chị nức nở: "Xin quý tòa giảm nhẹ hình phạt cho chồng tôi để anh ấy có cơ hội trở về làm lại cuộc đời. Tôi khổ lắm, con trai mất, còn con gái thì suốt ngày hỏi bố đâu, tôi không biết phải trả lời cháu thế nào?".

Bạo lực không phải câu trả lời cho mọi vấn đề

Trong câu chuyện, chị Thanh nói với chúng tôi chẳng biết đến bao giờ xã hội ta mới không còn những người phụ nữ hằng ngày chịu đựng những tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần mà những người gây ra nó không ai khác là chồng mình. Chẳng biết khi nào xã hội ta mới có những mầm non không phải chứng kiến cảnh cha đánh đập, chửi bới mẹ, để chúng có thể yên ổn lớn lên, trưởng thành trong một môi trường lành mạnh mà "bạo lực" không phải là câu trả lời cho mọi vấn đề. Câu hỏi của chị khiến  tôi cũng thấy nhói lòng.

Chị Thanh kể rằng, chị có một người bạn tên Bun cũng từng sống trong một gia đình có người chồng gia trưởng, tính khí vũ phu cay nghiệt, ăn chơi sa đọa, bạo hành vợ con. Anh ta suốt ngày rượu chè triền miên, luôn gây sóng gió trong nhà. Chị không có được một ngày thanh thản hạnh phúc. Lúc mới về nhà chồng, anh ta luôn biểu lộ thái độ gia trưởng, nhưng chị đã quyết tâm triệt hạ tính xấu này và nói cho anh biết chị sẵn sàng chia tay, nếu anh cư xử với chị theo kiểu "dạy vợ", nói gì phải làm theo. Không cam chịu, cuối cùng Bun cũng đã triệt tiêu được đức tính xấu đó của chồng và gìn giữ mái ấm gia đình. Theo như cách nói của Bun thì bạo lực không phải câu trả lời cho mọi vấn đề.

Theo ĐS&PL

Chia sẻ