Dâu mới và cái Tết đầu tiên

TGPN,
Chia sẻ

Lần đầu đi chúc Tết với nhà chồng, mình run lắm...

Sắm Tết

Vợ chồng mình tổ chức cưới vào tháng 9 Âm lịch năm Kỷ Sửu. Mấy tháng sau, mình đón cái Tết đầu tiên cùng gia đình chồng ở thôn Nội Thượng, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Lòng mình thấy xốn xang lạ. Công việc của hai vợ chồng trên Hà Nội những ngày cận Tết khá bận nhưng là dâu mới nên mình phải đi đi, về về nhà chồng từ trước ngày 23 để cùng mẹ chồng mua sắm Tết. Hồi chưa lấy chồng, mỗi dịp Tết đến, mẹ mình lo mọi thứ. Giờ đi làm dâu, phải “lo” mua đồ Tết, mình thấy luống cuống lắm.

Ngoài việc chuẩn bị những đồ lễ cúng Táo công, mẹ chồng giao cho mình sắm khoảng 40 lễ nhỏ (mỗi lễ gồm bánh, kẹo, thẻ hương). Mẹ chồng mình bảo: “Đó là lễ để mang đi chúc Tết họ hàng, hàng xóm”. Thấy mình ngơ ngác, mẹ chồng giải thích: “Tục lệ ở đây là đi chúc Tết nhà ai đều mang theo một túi lễ đến để thắp hương trên bàn thờ”. Mình thấy hơi lạ, khác hẳn với quê mình, mọi người chỉ đến chơi, chúc Tết nhau và mừng tuổi. Thật may, cuối cùng, những lễ nhỏ mẹ chồng giao mình đã mua được đúng “như ý” của bà sau vài lần mang đi đổi.
 

Đón Giao thừa

Để chuẩn bị cho việc đón Giao thừa, nhà chồng mình sắp sửa mọi việc từ sáng. Biết mẹ chồng là người sạch sẽ nên mình lo việc quét dọn, lau chùi nhà cửa trước. Tiếp đến là “màn” gói bánh chưng. Thường thì ở nhà, mình quen gói bánh chưng vuông, có khuôn sẵn nên khá dễ dàng. Nhưng “nếp” nhà chồng là gói bánh tròn, lại khá “bầu bĩnh”, nên mình không sao gói được.

Thấy mình lúng túng, ông xã “giải cứu” bằng cách rủ mình đi mua cành đào về trang trí. Đến chiều tối, mẹ chồng sai đi cắt tiết gà. Từ nhỏ chẳng bao giờ mình phải “động tay” vào việc này. Loay hoay mang con gà ra đằng sau nhà, mình nháy máy điện thoại “cầu cứu” chồng ra “xử lý” giúp. Sau cùng thì món “gà cúng” cũng được “hoàn thành” tốt đẹp.

Mẹ chồng dặn, tính mình lành, mệnh lành nên sẽ thay cả nhà ra đình làng xin “lộc” về xông nhà. Mình lo lắng lắm, giống như đang gánh một “trọng trách” lớn. Mình phải làm xong mọi công việc trước 12 giờ kém 5 phút đêm để kịp chạy ra đình làng xin “lộc”. Lần đầu tiên, không quen biết ai, người mình lại gầy nhỏ, nhưng cũng cố chen theo mọi người xin nước ở giếng đình và một nén hương trong đình. Kết quả “lộc” cũng về tới nhà chồng. Nước xin ở đình đủ để thắp hương trong ba ngày Tết. Hoàn thành “trọng trách”, mình thấy vui vui. Nhưng tiếp đó thì cảm xúc buồn xen lẫn khi nhận được điện của mẹ động viên, điện thoại của em gái chúc Tết. Không giống mọi năm được ngồi quây quần bên gia đình, Giao thừa này mình chỉ có thể chúc Tết bố mẹ và các em qua điện thoại...

Chúc Tết

Sau Giao thừa, mình dậy từ hơn 4 giờ sáng để chuẩn bị bữa cơm sáng mùng 1. Đó là bữa cơm sáng của gia đình với đông đủ các bác, cô, chú bên chồng. Sau ngày cưới, mình cũng được mẹ chỉ cho cách để chuẩn bị một mâm cơm cúng sáng mùng 1. Đã được dạy trước, mình nhanh nhẩu chuẩn bị rồi bê trước mâm cơm cúng lên nhà thắp hương.

Nhưng vừa bưng tới cửa thì mẹ chồng nói: “Không cần con ạ, ở đây không có lệ”. Mình lại “tẽn tò” bưng xuống bếp. Thêm một sự cố là mình đã quên không cho gia vị vào nồi canh. Mọi người biết nhưng “chín bỏ làm mười”, không ai chê trách nên cũng đỡ ngại. Sau khi ăn uống, chúc tụng nhau, bữa cơm mùng 1 kết thúc lúc 7 giờ sáng.

Lúc này, công cuộc “chúc Tết” mới thực sự bắt đầu. Trước đây chưa lấy chồng, sáng mùng 1 mình không phải dậy sớm, là con gái nên cũng không phải đi chúc Tết vì đã có bố mẹ và em trai. Năm nay đi chúc Tết với nhà chồng mình run lắm. Đến nhà họ hàng trong dòng tộc, gặp người nhiều tuổi mình nhanh miệng chào “bác” thì họ bảo chỉ gọi là “anh” thôi, gặp người trẻ mình chào là “anh” thì bị phản hồi phải gọi bằng “chú”. Lúc như thế, may có mẹ chồng lấy mác “dâu mới” ra đỡ cho, khiến mình bớt run. Đến 12 giờ trưa thì “nhiệm vụ quan trọng” đó mới kết thúc.

Những bữa cơm ngày Tết

Xong việc đi chúc Tết, mình lại quanh vào chuẩn bị những bữa cơm ngày Tết. Vì họ hàng tập trung đông nên bữa cơm nào nhà chồng mình cũng giống như đám cỗ, phải nấu nướng khá nhiều. Ngoài họ hàng, còn có bạn bè của chồng đến chúc Tết. Mọi người ăn uống, vui vẻ, lúc đó mình bận rộn nên cũng quên mệt mỏi. 3 ngày Tết trôi qua, mình thấy cũng khá oải nhưng vui nhiều và rút ra được thêm nhiều kinh nghiệm hơn để chuẩn bị đón những Tết sau trọn vẹn, ấm cúng hơn... Ngày mùng 4 Tết, vợ chồng mình đi lễ chùa. Mình cầu sức khỏe, cầu tài, cầu lộc cho gia đình nội, ngoại. Và thêm nữa, mình cầu hạnh phúc cho hai vợ chồng, cùng đón một mùa xuân mới, một khởi đầu mới, một cuộc sống mới...

Chia sẻ