Đau lòng nghề đẻ mướn, bán con

,
Chia sẻ

Diều Luông một bản thuộc vùng rừng núi xa xôi của Đà Bắc, Hoà Bình, có nhiều cô gái bỏ rừng xuống phố “bán hoa”. Ngoài tệ nạn mại dâm,còn có thêm nghề đẻ mướn. Đau lòng lắm!

 
Nơi “khan hiếm” phụ nữ

Vượt gần 40km đường rừng, quanh co, ôm hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, chúng tôi mới vào được đến Tân Minh. Tân Minh chỉ có 3.426 người dân sống rải rác trên diện tích khoảng 7.793 ha. Diều Luông, như một “ốc đảo” lọt thỏm giữa đồi núi trập trùng. Cả bản có khoảng 70 hộ với trên 400 con người nằm thưa thớt, hoang lạnh giữa đại ngàn.

Đi từ đầu bản đến cuối bản, chỉ thấy đàn ông con trai, người già và trẻ con. Phụ nữ nơi đây đi đâu hết. Họ đi làm nương? “Làm nương gì bây giờ, đã vào vụ đâu. Đi xuống thành phố làm “cave” là chính” .Những thửa ruộng bậc thang khiêm tốn, lúa mới bén rễ, nhìn lên nương rẫy chỉ là những quả đồi trơ trọi không một màu xanh của lá. Mảnh đất nghèo, vốn từ xa xưa đã khô cằn sỏi đá, thưa thớt bóng người, nay lại trông thảm hại hơn khi vắng bóng bàn tay người phụ nữ.

“Đến tuổi cập kê, mười chín, đôi mươi, cho đến ngoài 30, con gái rủ nhau xuống Hoà Bình hết. Đổi đời nhanh lắm. Một năm về thăm nhà đôi ba lần, đưa tiền cho gia đình, gấp mấy chục lần làm nương. Gớm! cái nghề kiếm ra tiền nhanh đấy” - Chị Nga Hội trưởng phụ nữ huyện nói giọng mỉa mai.

Lạ đời thật. Nơi đây, phụ nữ lại rời bỏ bản làng xuôi xuống thành phố kiếm tiền, đàn ông ở nhà cắm bản, nuôi trẻ con. Đâu đó quanh bản lại có tiếng trẻ con khóc ré lên vì khát sữa và những tiếng ru không thành thạo của những ông chồng tội nghiệp dỗ cho chúng ngủ, càng làm cho không khí nơi đây vốn đã xác xơ vì nghèo lại thêm hoang vắng.

Những đứa trẻ bị đặt mua từ... trong bụng

Thỉnh thoảng các cô gái ở bản lại tay xách nách mang, bánh kẹo, quần áo, tiền bạc cho gia đình, rồi còn mổ lợn mổ gà liên hoan linh đình mừng gia đình đoàn tụ sau những tháng ngày xa cách. Mỗi lần quay trở lại chốn “ngõ liễu tường hoa” là y như rằng lại rủ rê thêm vài ba em 17, 18 tuổi bỏ nhà theo. Ai có hỏi đi làm gì, bọn trẻ thản nhiên trả lời “em đi làm Cave”.

Mới nhất là có em Luồng Thị Cảnh (18 tuổi) bỏ nhà ra đi có một thời gian, đã thấy vác một cái bụng to uỵch về, nhưng ngay cả Cảnh cũng nào có biết bố của nó là ai đâu. Gia đình Cảnh đang tính đến nước lúc Cảnh sinh đứa bé kia ra thì sẽ ngay lập tức rao bán. Nhưng chưa kịp đến ngày sinh đã có người ở đâu tận Phú Thọ xuống “đặt mua” rồi.

Nghe qua cứ ngỡ chuyện đùa, nhưng đó là câu hỏi nhức nhối và khó giải đáp của các bản làng trong xã Tân Minh này. Rồi một ngày, những đứa trẻ sinh ra “ngoài dự kiến” của bố mẹ chúng, sẽ buột miệng hỏi mẹ chúng rằng: “Bố con là ai?”. Đau đớn hơn khi chúng biết rằng mình chỉ là sản phẩm của thú tiêu khiển đồi bại.

“5, 6, 7 triệu đồng một đứa trẻ đấy! Ở cái nơi chỉ có lao động chân tay gắn với nương rẫy bòn kiếm từng hạt lúa bắp ngô thì chừng ấy tiền không phải là nhỏ. Vì thế họ cứ như thiêu thân ấy” - vị Phó chủ tịch xã Hà Văn Tăm phân trần. Cũng chính vì thế mà con cháu ngày nay đã “bẻ cong” cái phong tục của ông cha ngày trước. 
 
Đông con quá, bán bớt cho... đỡ khổ (???)

Nếu như, trước kia sinh hoạt cho, bán con diễn ra trong bản làng thì ngày nay, hầu hết là người ngoại tỉnh đến tìm mua vì “biết tiếng” Tân Minh có loại hàng không tên này.

Không biết thông tin lọt ra từ đâu mà cứ có phụ nữ Tân Minh nào mang bầu là có người ngoại tỉnh đến dạm hỏi mua. Mua ngay khi còn đang trong bụng người mẹ. Ngoài tiền mua dăm sáu triệu gì đó, họ còn bỏ tiền ra bồi dưỡng bà bầu để chăm sóc thai nhi.

Đầu tiên là việc bán những đứa con không cha của gái mại dâm. Dần dần tình trạng này còn lan sang cả những đứa con có đủ cả bố mẹ. “Do đẻ nhiều, muốn kiếm đứa con trai, cố mãi ra một đàn con nên họ tìm cách bán bớt đi cho đỡ khổ”.

Tuy nhiên, nói bán con không phải lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió. Không ít những trường hợp éo le cười ra nước mắt. Hôm vào đến tận bản Diều Luông của Tân Minh, chị Nga đã kể cho chúng tôi về hoàn cảnh của Lường Thị Tươi. Chả là nhà Tươi sau khi có bầu đã hứa bán con cho một người bản khác. Sinh con ra chưa kịp bỏ bú thì theo giao kèo, đã bị người ta lấy con đi.

Thương nhớ con nhưng Tươi chỉ biết khóc nức nở chứ chẳng đòi lại được. “Có hôm, nhớ con quá, Tươi chạy sang nhà bố mẹ nuôi, cầu xin cho nhìn mặt con một chút, cho con bú mà nghẹn ngào không nói lên lời nào.

Chia tay Diều Luông, chia tay Tân Minh, trên đường về, trong ánh chiều đỏ sậm, khi ngoái lại, chúng tôi vẫn thấy những đứa trẻ lem luốc đang tha thẩn nơi sườn đồi đỏ quạch. 

Quang Thành
Giadinh.net
Chia sẻ