Đàn ông sắm Tết
Mỗi khi Tết đến xuân về, trong nhà vắng bóng người “xây tổ ấm”, anh Đỗ Văn Dũng (xóm 1, Lương Quy, Đông Anh, Hà Nội) và hai con không khỏi lo lắng và nhớ mong…
Là gia đình thuần nông, thu nhập chính của vợ chồng anh Dũng đều trông vào việc đồng áng. Mong muốn kinh tế gia đình khá hơn và để nuôi hai cậu con trai ăn học thành tài nên vợ anh Dũng đã đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Vậy là, mọi việc trong nhà, ba bố con anh Dũng lại cùng nhau làm.
Năm đầu tiên vắng vợ, anh Dũng tuy có chuẩn bị tinh thần từ trước, song vẫn gặp khá nhiều lúng túng. Những việc trước đây vào dịp Tết một tay vợ anh Dũng lo, giờ đây chuyển giao hết sang cho anh.
Câu hỏi ba bố con anh Dũng nhận được nhiều nhất từ người thân, láng giềng đó là: “Ba bố con mua đủ đồ Tết chưa?”. Lúc đó anh Dũng chỉ cười cùng câu “Cũng hòm hòm rồi ạ”. Nhưng cái “hòm hòm” đó với anh Dũng cũng là biết bao vấn đề.
Được người thân, gia đình phụ giúp nhưng người lo chính vẫn là anh Dũng. Chỉ riêng khoản lương thực “dự trữ” cho Tết cũng khiến anh Dũng không biết tính sao cho hợp lý.
Anh Dũng cười nhớ lại: “Chuẩn bị mua thức ăn hết cả mà cuối cùng mấy bố con chỉ đủ dùng tới mùng 2. Mùng 3 cả nhà sơ tán sang nhà ông bà nội”.
Với những đồ khô dùng làm nguyên liệu cho những bữa ăn ngày Tết, anh Dũng đành nhờ mấy chị hàng xóm “mách nước” hoặc mua hộ.
Quần áo mới của “hai chàng lính ngự lâm” anh không phải lo lắng lắm vì cả hai con anh cũng đều lớn nhưng anh Dũng vẫn đi mua cùng và làm “cố vấn” cho chúng.
Đi chợ Tết, anh Dũng đều nhớ tìm những hàng quen để mua như lời vợ dặn. Thêm một kinh nghiệm đi chợ Tết anh Dũng chia sẻ là quan sát người khác mua trả giá rồi anh sẽ tới mua.
Nhưng khó ở chỗ mua đồ thắp hương nhà ông bà nội và mua đồ biếu nhà ông bà ngoại. Bởi anh Dũng quan niệm đồ lễ mang tới nhà ông bà ngoại phải tự tay vợ chồng anh mua mới thực có tâm.
Lục tìm lại trong trí nhớ những đồ mọi năm vợ vẫn sắm sửa, kết quả, anh Dũng cũng tìm được gần như đầy đủ những đồ lễ gửi hai bên nội, ngoại. Vậy là tới ngày 30 thì mọi việc cũng hoàn tất hơn cả mong đợi.
“Nhưng nói gì thì nói, không có vợ cùng lo Tết, mọi việc vẫn có thể hoàn tất nhưng thực sự lòng tôi vẫn không được trọn cảm giác vui mừng ngày xuân. Dù sao thì có vợ lo Tết vẫn là tốt nhất”, anh Dũng chia sẻ.
Ba người đàn ông chuẩn bị một mâm cơm
Năm nay, tinh thần chuẩn bị Tết của ba bố con anh Dũng khẩn trương hơn mọi năm. Vì theo như kế hoạch, vợ anh sẽ kịp về ăn bữa cơm tất niên.
Với kinh nghiệm của ba năm trước, anh Dũng không còn chút lúng túng nào. “Tết Việt Nam với Tết ở nơi vợ tôi làm tuy có trùng nhau, nhưng trong mấy ngày Tết, vợ tôi vẫn phải làm việc. Thương vợ, chỉ mong sớm tới ngày 30 để nhận được điện thoại từ cô ấy. Năm nay vợ được về nên tôi rất vui. Tôi và các con sẽ chuẩn bị mâm cơm tất niên với những món vợ tôi thích”.
Mâm cơm tất niên, anh Dũng cùng các con chuẩn bị đầy đủ 4 đĩa: Thịt gà, thịt lợn, giò lụa, chả quế; 4 bát: Bóng thả, măng hầm giò heo, miến, mọc và thêm bánh chưng, đĩa nem rán và dưa hành.
Riêng 4 bát, cậu con trai lớn anh Dũng xin bố cho cậu được “đăng cai”: “Mọi năm, cứ đến giao thừa, bố cháu lại nhớ mẹ. Lúc đó anh em cháu chỉ biết động viên bố, kể chuyện cười cho bố nghe. Năm nay cả gia đình lại được quây quần bên nhau, cháu mừng lắm. Cháu phải chuẩn bị thật kỹ để đón mẹ.”
Ngoài hăng hái phụ bố và anh trai gói bánh chưng, nấu nướng, cậu con trai út của anh Dũng còn ra chợ huyện từ sớm để tìm mua chậu hoa phong lan tặng mẹ.
Cậu còn hóm hỉnh: “Mẹ không ở nhà, năm nào ba bố con cháu cũng ngủ cùng nhau. Cháu chờ mãi mẹ về để “trao trả” bố cho mẹ”.
Đón năm mới, gia đình anh Dũng sẽ lại được cùng nhau hân hoan đi chúc Tết người thân, hàng xóm, bạn bè một năm nhiều niềm vui và hạnh phúc.