Cưới chạy... ế

,
Chia sẻ

Kén chọn, theo đuổi sự nghiệp, nhan sắc kém... là 1.001 lý do khiến nhiều chị em vẫn một mình dù đã qua tuổi "băm". Trước áp lực của gia đình, dư luận... không ít chị vội vã kết hôn.

Hôn nhân nước rút...

Vừa tốt nghiệp trung học, chị Thu Nguyệt rời quê Tiền Giang lên TP.HCM tìm việc. Chị học nghề tóc và trở thành chủ tiệm sau đó bốn năm. Suốt ngày, chị tất bật, chăm chỉ làm việc để gửi tiền về quê phụ cha mẹ nuôi em ăn học. Chị không màng nghĩ đến tình cảm riêng tư, dù cũng có nhiều người theo đuổi.

Đến khi cô em út vào cao đẳng, chị Nguyệt đã sang tuổi 34. Nhìn lại, bạn bè đều đã lấy chồng, sinh con, còn mình thường bị trêu "ê sắc". Có người còn vẽ ra viễn cảnh: về già chị phải vào nhà dưỡng lão sống. Chị thấy chột dạ và bắt đầu thèm khát một mái ấm. Người thân, bạn bè ra sức mai mối. Chị được giới thiệu gặp một người tên Minh Dũng - lớn hơn bảy tuổi, làm nghề mộc. Rồi sau chưa đầy bốn tháng quen biết, chị đồng ý cưới.
 
Có thâm niên 37 năm làm "lính phòng không" nên chị Ngọc Lan - chủ một tiệm vàng ở Long An luôn là đối tượng để mấy bà trong xóm rì rầm, về cái sự "muộn chồng". Người này bảo chị quá lứa, lỡ thì. Người kia lại bảo chị giàu quá, không dám lấy chồng, vì sợ gặp trúng "thợ mỏ”. Những lời đàm tiếu đó, như con dao cứa vào lòng tự trọng, sĩ diện của chị. Bản năng muốn làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ khiến chị nuôi quyết tâm: lấy chồng!
 
Đầu năm 2008, chị Lan chấm dứt cảnh "ở không" để lên xe hoa với một chàng thợ kim hoàn - vốn là nhân viên mới đến tiệm của chị làm việc năm tháng. Chị chỉ biết gia đình chồng (ở ngoài Bắc) qua lời kể. Người trong xóm xì xào: "Buổi chợ Đông, con cá hồng chị chê lạt. Buổi chợ chiều, con cá bạc chị khen ngon".

Chị Kim Xuân, 33 tuổi, nhân viên văn phòng rất ngán về quê. Vì lần nào chị cũng bị ba mẹ, họ hàng thăm hỏi nhiệt tình chuyện chồng con. Họ đâu biết trái tim chị đã khép chặt sau mối tình dài sáu năm tan vỡ. Rồi cũng đến lúc chị thật sự cảm thấy trống trải, cô đơn. Để giải sầu, chị âm thầm tìm bạn qua mạng internet và chị gặp anh Sơn - một Việt kiều 49 tuổi, định cư ở Mỹ đã 30 năm. Anh giới thiệu mình là chủ hai tiệm nail ở Cali. Ngày nào hai người cũng online, điện thoại và anh Sơn luôn dành cho chị những lời nồng nàn có cánh. Anh hứa sau khi cưới sẽ bảo lãnh chị qua Mỹ để quản lý cửa tiệm phụ anh. Bốn tháng sau, anh Sơn về nước, hai người tổ chức lễ cưới trong sự vui mừng của gia đình.

Sai một ly, đi một dặm

 
Nếu kết hôn nhằm tạo dựng một mái ấm, thì ngay từ đầu, bạn sẽ cẩn trọng khi lựa chọn bạn đời, cũng như sẽ thiết lập những mối quan hệ tình cảm xung quanh người ấy. Còn bạn lấy chồng chỉ để giống với mọi người, để trong nhà có một người đàn ông, để tránh dư luận và không bị mang tiếng ế... thì bạn sẽ không cần nhiều tiêu chuẩn. Sự thành - bại của hôn nhân chính là đây. Bởi động cơ, mục đích kết hôn của bạn như thế nào thì bạn sẽ sống theo mục đích đó. Và một cuộc hôn nhân không nhằm xây dựng hạnh phúc thì ắt hẳn bạn sẽ không có được niềm vui, hạnh phúc. Đây là kết quả tất yếu. Không tìm hiểu kỹ, chưa biết rõ về nhân thân, tính tình, quan điểm sống... của người ấy thì bất đồng, mâu thuẫn trong thời gian chung sống dẫn đến tan vỡ là chuyện không khó hiểu.
 
Như chuyện của chị Ngọc Lan. Sau ngày cưới, anh Việt Hoàng - chồng chị nghiễm nhiên trở thành ông chủ, vì thế anh không còn thích vào xưởng ngồi chung với thợ, mà thích ngồi ở quầy, trong vai trò ông chủ. Thiếu hàng, anh cũng mặc, vô tư bỏ đi chơi. Chị Lan nhắc nhở, anh sửng cồ: "Bây giờ tôi là chồng, chứ không phải là nhân viên của cô”.

Biết gặp phải anh chồng yêu tiền, lười lao động nên chị Lan quản lý hàng và tiền bạc rất chặt, chỉ phát cho chồng tiền tiêu vặt. Tự ái, ngày nào anh Hoàng cũng kiếm chuyện gây gổ với vợ. Chị Lan đòi chia tay. Nhưng chị chưa kịp nộp đơn thì anh Hoàng đã bỏ đi mất biệt, chỉ sau bốn tháng chung sống. Và điều chị không thể ngờ: bốn ngày sau, có một người đàn ông đến đòi nợ, trưng ra giấy chồng chị vay họ 300 triệu đồng và yêu cầu chị phải trả thay.

Cũng không cập bến bờ hạnh phúc là chị Thu Nguyệt. Một tháng, vợ chồng chị gây nhau hết 27 ngày. Bởi anh Dũng vốn ít nói, cộc, còn chị lại vui vẻ, xởi lởi với khách hàng, làm anh Dũng khó chịu. Chị nhịn thì êm, còn nói lại thì sẽ bị chồng quy tội "trả treo", thậm chí bị "ăn" tát. Tình cảm giữa hai người càng xấu hơn khi anh Dũng bị thất nghiệp. Chị Nguyệt kêu anh về trông coi tiệm và phụ chị làm tóc. Mang mặc cảm của người sống nhờ vợ nên anh Dũng thường tìm đến rượu, rồi về nhà kiếm chuyện chửi mắng, đánh vợ. Đầu năm 2009, anh Dũng đánh chị ngất xỉu phải vào BV Thủ Đức cấp cứu. Tiếp xúc với PV báo Phụ Nữ trong tình trạng mặt mũi, tay chân bầm tím, sưng húp, chị Nguyệt tự trách mình: "Tại em lớn tuổi, kiếm đại tấm chồng nương thân mà không tìm hiểu kỹ nên mới ra nông nỗi".

Sau đám cưới linh đình hai tháng, chồng chị Kim Xuân trở về Mỹ với lời hứa sớm hoàn tất thủ tục để bảo lãnh chị sang. Nhưng anh đã một đi không trở lại. Làm nàng Tô Thị chờ chồng trong vô vọng hơn hai năm, tháng 4/2009 chị Xuân đành nộp đơn ra TAND TP.HCM xin ly hôn.

Khi kết hôn muộn, mục đích hôn nhân được hầu hết các chị đơn giản hóa: chỉ cần một tấm chồng. Và nhiều chị đã ngộ nhận, tưởng rằng điều mình cần sẽ mang đến hạnh phúc. Có chị chỉ cần có người chồng cho bớt hiu quạnh hoặc tránh bị mang tiếng ế, nhưng sau đó lại muốn chồng yêu thương, quan tâm, lo lắng... và ước muốn này lại vượt qua mục đích ban đầu nên hạnh phúc lại là điều mà các chị khó chạm đến. Và những cuộc hôn nhân này đa phần lại không xuất phát từ tình yêu, nên khi mâu thuẫn xảy ra, tình thương, sự cảm thông không đủ lớn để người ta có thể chịu đựng cũng như bỏ qua lỗi lầm của nhau.

Nói vậy, không có nghĩa là lập gia đình muộn sẽ khó có hạnh phúc. Trên thực tế, có những người kết hôn ở tuổi 35, 40, thậm chí 50 vẫn hạnh phúc. Bởi trước khi tiến đến hôn nhân, họ đã có quá trình tìm hiểu, xem tính tình, nhân thân người chồng tương lai thế nào. Và quan trọng, họ đến với nhau bằng tình yêu - đó chính là nền móng để bạn xây dựng một ngôi nhà hạnh phúc. Nếu không có nền móng này, thì chỉ cần một cơn gió nhẹ, cũng có thể khiến ngôi nhà bạn sập đổ.

 
Theo PNTP HCM
Chia sẻ