Chồng tiêu hoang

,
Chia sẻ

Mới đưa tiền tiêu vặt cho chồng hôm trước thì hôm sau, Liên đã thấy anh xã nịnh nọt: ‘Hôm qua khao cả phòng đi ăn sinh nhật nên mới nhanh hết thế’.

Vừa bực vừa thương chồng, Liên đành nhân nhượng rút ví, đưa thêm kèm lời dặn: “Em không còn đâu đấy. Anh không tính toán thì nhịn cơm trưa”. Liên kể, đây không phải lần đầu tiên, anh xã “xin” thêm vì trót tiêu nhanh quá. Bình thường, Liên trích 1/3 quỹ lương của mỗi người làm tiền tiêu vặt riêng. Thế nhưng chuyện “đột xuất” xin “viện trợ” thêm hoặc có khi hứng chí, bỏ gần nửa lương mua mỹ phẩm xịn cho vợ của chồng cô không phải hiếm. “Nên kết hôn cả năm trời chẳng được xu tiết kiệm nào” – Liên tâm sự.

Còn Lam (quận Tân Bình, TP HCM) cũng chẳng có khoản tiết kiệm nào vì tính “ngẫu hứng” của chồng cô. Chồng Lam có công việc ổn định, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Còn Lam, lương chỉ bằng một nửa của chồng.

Kết hôn đã 3 năm, trong khi thấy bạn bè sắm nhà, thay xe thì vợ chồng Liên vẫn phải đi thuê nhà với mức khoảng 2,5 triệu/tháng. “Nếu chỉ tính lương thì không đủ rồi. Mỗi năm cơ quan chồng mình thưởng Tết rất khá. Có năm, anh ấy được gần trăm triệu đồng. Ông bà nội ngoại nói, sẵn sàng cho vay để vợ chồng mua nhà” – Lam kể. Tuy nhiên, chưa kịp mừng vì số tiền thưởng lớn của chồng, Lam đột nhiên nghe anh thông báo đã cho người họ hàng dưới quê vay hết.
 

Lúc khác, có được khoản hời hời thì chồng Lam sắm xe ga cho em gái, mua laptop cho em trai… Vợ chồng cô lúc nào cũng xích mích vì thói hoang tay của chồng. “Nhà cửa chưa có mà anh ấy vẫn vô tư. Anh ấy còn bảo, cứ tiêu xài cho thoải mái. Nhà thì lúc nào mua chẳng được” – Lam ấm ức.

Giống Lam, ai cũng bảo My (Từ Liêm, Hà Nội) có anh chồng lịch thiệp, đảm đang, không tiếc tiền mua sắm cho gia đình. Nhưng chỉ người trong cảnh như My mới thấy khổ.

Ai cũng bảo tôi may mắn vì có một người chồng lịch thiệp, không tiếc tiền với vợ con nhưng cũng vì tính cách này của chồng, tôi luôn bị đặt trong tình thế khó xử. "Chồng mình thích tiêu tiền mà phải tiêu đến đồng xu cuối cùng mới được. Đơn cử như khi mua sắm, anh ấy thích gì cũng chất đầy giỏ xe. Con đòi gì cũng mua” – My cho biết.

My biết, chồng mình xởi lở với vợ con chứ chẳng muốn mua gì cho bản thân bởi nhiều lần, cô định mua quần áo cho anh toàn bị anh gạt đi. Anh cũng không chơi bời hay “phá gia”, chỉ là có “máu” mê đồ mới. Lò vi sóng, tivi, laptop hay đồ ăn, thức uống… cứ khuôn về ầm ầm.

Dù đã quản lý ½ lương của chồng nhưng My thấy không yên tâm. Có lần, My định giành hết lương, mỗi sáng sẽ phát tiền tiêu vặt cho chồng theo ngày nhưng anh xã gạt đi. My bàn với chồng đóng thêm lương để tiết kiệm, phòng rủi ro vì một nửa lương của anh với toàn bộ lương của cô chỉ đủ chi tiêu hàng ngày nhưng anh cũng phản đối. Cứ thế vợ chồng cô dù đã có con nhỏ nhưng việc tiết kiệm cũng rất gian nan.

Ứng phó với những anh tiêu hoang

Trong khi nhiều người vợ khốn đốn vì chồng keo kiệt thì một số lại “vớ” phải anh chồng thích “vung tay quá trán”. Cả hai kiểu chồng này đều gây khó khăn cho những người vợ. Vì thế, phụ nữ vẫn nên là tay hòm chìa khóa vững chắc cho gia đình.

Thứ nhất, nên quản lý lương của chồng, tránh tình trạng để anh ấy tự ý dùng lương mua sắm vô tội vạ (dù toàn sắm cho vợ, cho con). Nếu người vợ khó chịu hoặc gay gắt thì anh ấy dễ tự ái (vì mua cho vợ chứ có mua cho ai đâu). Vì thế, nên thủ thỉ với chồng như: “Lần sau, anh cứ mang lương về. Anh muốn mua cái gì cho em thì hai vợ chồng mình cùng đi mua”…

Thứ hai, với quỹ lương chung, bạn nên thống nhất cùng chồng khoản nào dành cho sinh hoạt, khoản nào dành cho tiết kiệm thật rõ ràng. Có thể xin ý kiến chồng để bạn tự bảo quản tiền tiết kiệm. Khi ấy, bạn nên cất trữ khoản tiết kiệm thật cẩn thận, làm sao để chồng bạn không dễ dàng tìm thấy và sử dụng chúng. Đó không phải là quỹ đen hoặc quỹ riêng bạn lén lút lập ra sau lưng chồng.

Thứ ba, nên quản lý cả tiền tiêu của chồng. Nếu chồng bạn không thể giữ tiền tiêu vặt trong một tháng thì có thể phát cho anh ấy theo tuần hoặc hai tuần/lần. Với khoản tiền có hạn thì việc “tiêu hoang” cũng bị hạn chế. Trước khi đi mua sắm, nên phác thảo giá cả và những loại hàng cần mua để mang theo một số tiền vừa đủ. Nhấn mạnh vợ chồng chỉ có chừng này tiền nên cần liệu tay mua sắm.

Thứ tư, nên thống nhất với chồng về những khoản tiền anh ấy tự đi vay. Cần trao đổi để chồng bàn bạc với vợ nếu anh ấy muốn vay tiền của ai, làm việc gì… Không nên để anh ấy tự tiện vay tiền lung tung rồi người vợ lại phải mang tiền nhà đi trả.
 
Theo Me&be
Chia sẻ