Chồng “khoán trắng” chi tiêu
Mỗi khi đụng tới chuyện tiền, thì vợ chồng Hải, Phong lại cãi nhau. Mỗi khi cãi nhau, cũng đồng nghĩa họ đang xung đột về tiền.
“Thầu khoán” bất đắc dĩ
Cụ thể, Phong đã thống nhất với Hải (và cô buộc phải chấp nhận) mỗi tháng sẽ đưa cô 1,5 triệu đồng, coi như hoàn thành nghĩa vụ “nuôi vợ nuôi con”. Ngoài ra, mọi sự thiếu đủ thế nào cô phải tự lo. “Đàn bà phải biết quán xuyến gia đình”, Phong nói.
Thu nhập của Phong bao nhiêu, Hải không được quyền biết, nhưng cô biết lương cứng của anh đã 3,5 triệu đồng. Lương công nhân của cô ở mức 2 triệu, cô đắp hết vào “quỹ chung”. Những tháng gặp việc hiếu hỉ nhiều, phải hỏi xin Phong thêm (đúng nghĩa “xin cứu xét”, cô không có quyền yêu cầu), Phong gắt ầm lên, mắng cô đàn bà vụng về, chi tiêu hoang phí, còn đặt nghi vấn cô “tuồn” tiền về cho mẹ đẻ. Hải biết chồng mình chỉ kiếm cớ để không phải đưa thêm tiền, vì dù cô có vụng tính tới đâu thì anh cũng biết số tiền cố định là quá hẹp hòi cho ba con người, từ tiền trường, tiền sữa cho con, rồi tiền điện, tiền nước, tiền chợ...
Con bệnh, Hải đưa đơn thuốc bảo Phong đi mua, Phong hỏi tiền, Hải bảo đã hết sạch cả. Phong vứt đơn thuốc vào mặt Hải. Tức quá, cô mỉa mai: “Anh cho em xin vài trăm mua thuốc cho con. Con nó thực là con anh đấy, không phải con mồ côi cha đâu”. Thế là bùng ra một trận đấu khẩu trời long đất lở. Hải không nhịn nữa, “tố” một tràng: “Tôi chán cái cơ chế khoán trắng này của anh lắm rồi! Anh đưa tôi một triệu rưỡi kể từ khi thịt có bốn mươi ngàn nay đã lên sáu mươi, gạo có bảy ngàn nay đã lên mười bốn, giá điện, nước đã 2 lần tăng, giá xăng 5 lần tăng, giá sữa 4 lần tăng...”. Phong buộc tội Hải hô hoán lên như vậy là để bôi xấu anh với thiên hạ, khiến người ta cười anh là thằng đàn ông đong lọ nước mắm đếm củ dưa hành nên đánh Hải một trận sưng tím cả mặt mày.
Hải thì đã quen tính nết của chồng (họ lấy nhau đã 5 năm, con đã lên 3) nhưng gia đình cô mãi mãi không chấp nhận được tính “keo bẩn” của con rể. Họ bắt Hải phải bỏ Phong. Bố Hải chỉ mặt Phong, mắng: “Làm thằng đàn ông thì mọi điều lao tâm khổ tứ cũng vì vợ vì con, mọi sự phấn đấu cũng là cho vợ cho con. Thấy vợ con khổ thì mình đau lòng, chỉ hận nỗi tài sức kém cỏi không lo cho vợ con được chu đáo. Có ai đâu đến vợ mình, con mình mà còn dè xẻn từng xu, tiền kẹp chặt trong háng, đến khi con đau con ốm còn không chịu nhả ra là hạng người gì!? Vợ nó lấy mình, phục dịch cho mình, sinh con đẻ cái, gánh cả giang sơn nhà mình, hao mòn cả nhan sắc, tuổi xuân, sức lực, tiền bạc của nó, nó còn không thèm tính. Còn anh, có ba đồng bạc mọn mà dày vò, đánh đập con tôi đến thế sao? Hạng người yêu tiền đến mức lú lẫn cả người, hóa ra vô lương tâm đến như thế thì hãy sống cô thân độc mạng, khâu mồm khâu túi lại để tích cóp cho được nhiều...”. Rồi bố mẹ Hải lôi con gái, bế cháu ngoại về nhà mình, mặc cho Hải níu kéo: “Anh ấy chỉ có tính ấy là tệ thôi, còn lại thì được hết”.
Chuyện này không chỉ có một ông...
Khi tôi đem câu chuyện lối xóm này lên “buôn” với hội các bà vợ trong cơ quan, không ngờ được quan tâm hưởng ứng quá đỗi. Các bà đưa ra những trường hợp cụ thể, chỉ đích danh anh này ông nọ, vị trí chức vụ bề bề, nhưng cũng áp dụng lối “khoán trắng” chi tiêu với vợ. Tiền các ông làm ra bao nhiêu các bà không bao giờ biết, họ giữ làm vốn riêng cả. Không có thu nhập, tiền chồng đưa thì chỉ đủ chi tiêu “có cân nhắc và tính toán”, đến khi xảy ra sự vụ buộc phải ly hôn, thì tài sản là của chồng cả, con cái mình không được quyền nuôi vì “không đủ năng lực tài chính” (để lo cho con), chỉ biết gạt nước mắt xách túi quần áo ra đi với hai bàn tay trắng, để lại sau lưng nhan sắc và tuổi trẻ của một thời. “Yêu tiền hơn yêu vợ. Thương tiền hơn thương con”, là kết luận các bà đưa ra để lên án các ông chồng này.
Tôi thì nghĩ về phía đàn ông, hẳn cũng phải có “ẩn tình chi đây” nên các ông mới phải áp dụng “cơ chế khoán trắng” tệ hại như thế, nhưng tiếc là không có ông nào lên tiếng tự nhận mình là đại diện của hội “quý ông tay hòm chìa khóa” để lên tiếng bảo vệ cho “hội” mình.