"Chạy xô" chúc Tết

,
Chia sẻ

Tết đến xuân về là dịp để cả nhà đoàn tụ sau một năm vắng bóng. Nhưng với những người lấy chồng, lấy vợ xa, thì tết, quả thực là một nỗi lo.

Mệt mỏi đi “tour” cuối năm…

Vợ chồng anh Biên vẫn trêu nhau như vậy thì quả thực cứ nghĩ đến đoạn đường vài trăm km sắp phải đi là hai anh chị thở dài ngao ngán. Chị vốn quê Phú Thọ, anh lại tít ở Nghệ An, bố mẹ chồng thì lại sống ở Thái Bình với anh chị cả, thành ra Tết đến, anh chị vẫn phải về đủ cả mấy nơi cho trọn nghĩa trọn hiếu. Vì thế, thay vì mấy ngày cuối năm được nghỉ sớm đi sắm Tết thì anh chị lại phải lên kế hoạch đi đâu, bao nhiêu ngày. Năm ngoái thế nào, thì năm nay làm ngược lại để ông bà đôi bên khỏi phật ý.

Hai vợ chồng đều làm và sống ở Hà Nội cả, trong năm thì có vài chuyến về quê, không thì ông bà lên với cháu, nên mọi thứ cũng không cập dập lắm. Nhưng ngày Tết ngày nhất, không thể không về, càng không có chuyện ông bà lên đây ăn Tết với vợ chồng chị. Vậy là anh chị đành phải chạy xô cho vẹn cả đôi đường.

Chị được nghỉ sớm hơn anh vài ngày, vậy nên anh để mẹ con chị về bên ngoại trước, vài hôm nữa, anh nghỉ sẽ về đón chị sau. Công việc vừa hoàn thành là anh đã "phi nước đại" ngay về Phú Thọ để chúc tết ông bà nhạc và đón vợ con. Rồi chưa kịp nghỉ ngơi, anh chị đã phải vội “bồng bế nhau” về Thái Bình chúc tết bên nội, rồi cùng bố mẹ vào Nghệ An chúc tết họ hàng gần còn đang ở trong đó.

Từ Nghệ An, anh chị lại trở lên Hà Nội trang trí sắm sang nhà cửa để đón bạn bè đầu năm, rồi lại về Thái Bình để ăn tết cho đến hôm mùng ba. Mọi thứ cứ như một vòng tròn. Có vài ngày cận Tết, mà anh chị đi khắp mọi nơi, lúc nào cũng trong tình trạng đi “tour” ngắn hạn, mệt mỏi, nhưng vẫn phải mỉm cười, riêng đứa con nhỏ của chị thì cứ luôn mồm hỏi: Nhà mình lắm quê thế bố, khiến anh cũng không biết giải thích thế nào cho nó hiểu.

Không giống như vợ chồng anh Biên, vợ chồng chị Yến thì đỡ hơn là cùng quê với nhau, cùng ở Quảng Bình, nhà nội, nhà ngoại cũng chỉ cách nhau một con phố vậy nên mọi thứ thăm tết hai bên gia đình không có mấy trở ngại. Thế nhưng, anh chị cũng chẳng “dễ thở” chút nào, thậm chí còn khổ hơn những người lấy chồng, lấy vợ xa quê. Chẳng là anh là con trai duy nhất của dòng họ Hoàng.

Bố mẹ anh thì vào Quảng Bình lâu rồi, nhưng họ hàng, anh em thì vẫn ở Bắc Ninh cả. Vậy nên cuối năm, là dịp ông bà trở về để đoàn tụ và gặp gỡ mọi người trong dòng tộc. Anh là con, là cháu đích tôn, lẽ dĩ nhiên anh phải cùng bố mẹ về quê, hoặc nếu bố mẹ không đi được, thì anh luôn phải có mặt. Chị nữa, tính ra là út trong nhà nhưng cũng là dâu trưởng trong dòng họ, vậy nên chị cũng phải làm tròn nghĩa vụ của một cô dâu trưởng.

Từ Quảng Bình về Bắc Ninh, đã là một đoạn đường không nhỏ, với một người say xe như chị thì đó quả là một cơn ác mộng. Nhưng mọi thứ chưa dừng lại ở đó, về quê chồng, chị phải chạy đi chạy lại khắp nơi, từ làng trên xóm dưới, xã này xuống xã kia, vì ở cái vùng quê này, có khi cả làng là anh em. Đến đâu cũng chào, cũng hỏi, cũng bận bịu hương khói cho tròn đạo làm con, làm cháu, khiến chị tối tăm mặt mũi lại.


 Chị được nghỉ sớm hơn anh vài ngày, vậy nên anh để mẹ con chị về bên ngoại trước, vài hôm nữa, anh nghỉ sẽ về đón chị sau... (Ảnh minh họa)

Cuối năm, được nghỉ trước tết có hai ngày, mà chỉ riêng việc đi lại bao nhiêu chỗ cũng đã đứt hai ngày nghỉ. Rồi lại còn việc nhà chồng, giao thừa nữa chứ. Cứ chưa hoàn thành việc ở đây là bố mẹ lại đã gọi về, sao mà đi lâu thế, rồi thì chắc lại kiếm cớ để nhác việc nhà chồng đây.. mệt lắm. Năm nào cũng thế, nên chỉ nghĩ đến thôi chị đã thấy mệt rồi, huống hồ năm nay, chị lại bụng mang dạ chửa. Tuy bố mẹ không ép nhưng không về thì kiểu gì ông bà cũng mặt nặng mày nhẹ, thôi thà cố một chút để yên ấm nhà cửa cho xong.

 Và “xót lòng” vì chi phí

Mỗi lần đi và về như thế, mọi thứ chi tiêu cho cả hai bên, ba bên, thậm chí là hơn thế không phải là nhỏ. Bố mẹ biếu xén đã đành, mang tiếng đi làm cả năm, về thăm quê mà không đóng góp chút cho làng, cho xóm, có đồng quà tấm bánh cho họ hàng thì cũng không được.

Thành ra, Tết, bên cạnh việc tính toán những khoản chi tiêu cho nhà, những người lấy vợ chồng xa hay nhiều gánh nặng như vợ chồng anh Biên; chị Yến lại phải lo thêm một khoản không nhỏ để “lấy lòng” và “giữ đẹp các mối quan hệ”. Đấy là chưa nói đến chi phí đi lại, rồi thì tiền tiêu ra Tết. Bao nhiêu khoản phải lo, phải chuẩn bị, mà đồng lương thì cứ có vậy. Tết hăm hở vài đồng tiền thưởng thì đâu cũng vào đó cả, thậm chí những đồng tiền tích cóp được cũng phải lấy ra ít nhiều để về quê ăn tết.

Lời kết

Kiếm cả tháng, cả năm, tiêu trong vài ngày, ai mà không xót, hơn nữa, nếu được ấm vào thân thì đã tốt, đằng này có khi lại để cho những người ‘bắn đại bác’ không biết họ hàng, vậy mà vẫn phải ngọt nhạt quà bánh, ai mà chả không xót, không mệt mỏi và đau đầu.


Đến đâu cũng chào, cũng hỏi, cũng bận bịu hương khói, ăn uống tiệc tùng... khiến chị tối tăm mặt mũi lại... (Ảnh minh họa)

Những con người sống đâu chỉ riêng một mình và cũng đâu tách được riêng ra. “Đất lề quê thói mà”, văn hóa và tập tục đã vậy, đâu thể làm khác được, cũng không thể phá bỏ ngay trong một năm hai năm. Vì thế, Tết cơ hồ đã trở thành một nỗi lo riêng của những cặp vợ chồng chung lòng chung sức nhưng khác quê, khác tỉnh.

Với những ông bố bà mẹ, hay những nơi có quan niệm về cách cư xử ngày tết thoáng và hiện đại thì không có gì để nói, nếu có lòng thì về, không thì cũng không sao, mọi người hiểu cả, chỉ cần hạnh phúc với nhau và hiếu thuận với bố mẹ là đủ. Nhưng ở những nơi nặng về lễ giáo, mọi thứ, thật không dễ dàng.

Tất nhiên, mỗi người một hoàn cảnh và những nỗi lo riêng, nhưng đừng để những thứ vốn dĩ đã trở thành ‘bổn phận’ ấy làm xâm hại đến mối hòa khí chung, sức lực có thể bỏ ra, tiền bạc có thể chắt bóp rồi kiếm lại được, nhưng cái tiếng, cái quan hệ thân tình dù cả năm chẳng thấy mặt nhau ấy, nếu mất đi, sẽ không bao giờ lấy lại được.

Vì thế, nếu vẫn có người để mà nhớ đến, để mà làm tròn bổn phận, và có nơi mà tìm về mỗi dịp xuân sang, hãy xem đó là một hạnh phúc.

Ngoài kia, có những người, không có một chốn để… về.

Theo Eva

Chia sẻ