Chán chồng nhưng không thể bỏ

,
Chia sẻ

Chán, thất vọng về chồng, nhưng vẫn cam chịu bởi không muốn những đứa con chịu cảnh “tan đàn xẻ nghé”, sợ mang tiếng với người đời...

... đặc biệt là vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó người đàn ông ấy sẽ tỉnh ngộ để hạnh phúc có thể trở lại – đó là một góc “chân dung” của những người vợ rơi vào hoàn cảnh chán chồng nhưng không thể bỏ chồng.

Những người phụ nữ chán chồng

Chị Bích Trâm ở Từ Liêm, Hà Nội đã trải qua một đời chồng. Lập gia đình với người đàn ông thứ hai, chị ước mong mình sẽ có một gia đình hạnh phúc. Nhưng cuộc đời ai biết trước được điều gì.

Sống với nhau được 3 năm thì anh Định chồng chị bị công an bắt giam vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Từ ngày chồng đi tù, chị một tay mở cửa hàng buôn bán, lo lắng kinh tế, quán xuyến công việc gia đình. Vào trại thăm chồng, nghe chồng tâm sự, thủ thỉ về sự hối lỗi của mình, chị mong là anh sẽ cải tạo tốt, sớm về với vợ con.

Ảnh: internet

Thấm thoát 8 năm trôi qua, ngày anh đoàn viên cùng gia đình đã đến. Cả gia đình ai cũng háo hức, mong rằng từ đây, anh chị sẽ sống những tháng ngày hạnh phúc, bù đắp lại quãng thời gian xa nhau.

Vậy mà từ ngày anh về, chị lại phải sống trong cảnh buồn chán, mệt mỏi. Anh lấy tiền của chị đi cờ bạc. Chị Trâm nhắc nhở thì anh cáu gắt, thậm chí còn ăn trộm tiền.

Chị quản lý gắt gao hơn thì anh gây sự. Chị bảo rằng, ngày trước anh cũng thỉnh thoảng đi cờ bạc, nhưng không đến nỗi tệ thế này, tưởng anh đi tù về thì sẽ tu tỉnh, ai ngờ còn sa đà hơn trước. Chiếc xe máy duy nhất trong nhà anh cũng đem đi cắm lấy tiền nướng vào đỏ đen. Chị xót của chuộc ra, anh lại đem đi cắm tiếp. Mọi người khuyên chị là kiếm việc cho anh làm, bận tay chân, đầu óc thì mới không nghĩ đến cờ bạc, nhưng từ ngày về với vợ con, anh không buồn làm gì cả. Chị nhờ đi lấy hàng anh còn không muốn đi. Một ngày của anh chỉ có ăn ngủ và mon men xem chị có sơ hở thì lấy tiền sang sới bạc.

Nhiều người xui chị là bỏ quách đi cho nhẹ nợ, đèo bòng gì cái giống tù tội đấy cho mệt người. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dù buồn về chồng nhiều lắm, chị Trâm vẫn không thể ly dị. Chị bảo: “Mình đã hai đời chồng rồi, không muốn bỏ chồng lần nữa, con cái lại tiếp tục bơ vơ. Anh Định cờ bạc chán thật đấy, nhưng chưa bao giờ anh ấy đánh hay mắng chửi mình. Thôi, số mình khổ thì thế nào cũng khổ mà…”.

Còn Khánh Như ở Đống Đa, Hà Nội lại rơi vào một “bi kịch” chán chồng kiểu khác. Khánh Như lấy Tiến Lâm do sự quen biết của hai gia đình. Không xuất phát từ tình yêu, nhưng Khánh Như cũng cảm mến Tiến Lâm ở vẻ điển trai và chịu khó làm ăn. Tưởng rằng mình đã lấy được ông chồng tốt, ai dè sống với nhau chưa đầy năm, Như đã phải hứng chịu những trận đòn của Lâm. Lâm nhìn ngoài thì cứng cỏi, điềm đạm, song lại rất cục tính. Hai vợ chồng mở quán nước, nếu khách hàng là đàn ông, Như niềm nở với khách một chút thôi, Lâm nhìn thấy là y như rằng “dạy cho một bài học”, nhẹ là cái bạt tai, nặng là đấm đá. Trên người có vết bầm tím, ai hỏi, Như chỉ trả lời qua quýt hoặc nói dối do bị ngã, hoặc bị đâm vào đâu. Sau mỗi lần bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, Như thấy tình cảm mình dành cho Lâm phai nhạt dần.

Đau khổ nhất là khi Như đang có bầu, mệt mỏi, không thể nấu cơm theo ý của Lâm, Lâm cũng “nổi cơn” và ra tay với vợ làm Như bị xảy thai. Quá buồn, Như đã tâm sự với cô ruột của mình. Xót xa cho đứa cháu, cô của Như gặp Lâm nói chuyện và khuyên can. Lâm không rút kinh nghiệm mà còn nói: “Vợ tôi thì tôi dạy, can dự gì đến cô mà cô xía vào”. Cô Như xui Như đi báo với gia đình nội ngoại hai bên, nếu Lâm không “cải thiện” thì phải báo chính quyền cơ sở, mà sống như thế thì chia tay còn hơn. Nhưng Như không dám nói ra cho ai biết. Như sợ bố mẹ mình buồn mà sinh bệnh, bởi bố mẹ cô cũng đã già rồi. Còn nhà chồng, Như không lạ gì tính của họ, họ luôn bênh vực con trai mình. Với chính quyền cô càng lo họ biết, cô sợ mang tiếng với hàng xóm, láng giềng, bởi họ vẫn nhìn gia đình cô như một gia đình hạnh phúc. Chính vì tất cả những điều như vậy mà dù có thất vọng về chồng thật, nhưng Như chưa bao giờ nghĩ sẽ rời xa Lâm.

Cùng chung “hoàn cảnh chán chồng” là trường hợp của chị Đoan. Yêu nhau, lấy nhau, chị mong mình mãi là người phụ nữ hạnh phúc, nhưng một ngày kia chị phát hiện ra chồng mình đi với người phụ nữ khác. Đắng cay, tủi phận, chị nén vào lòng và chỉ nhẹ nhàng khuyên giải anh. Nhưng chồng chị vẫn không dứt được chuyện “gái gú”. Cứ ở nhà thì anh bên vợ, bên con đấy, nhưng đi công tác vài ngày, chuyện có cô này, cô kia với anh là bình thường.

Là người phụ nữ xinh đẹp, hiền thục và độc lập, không có anh, chị vẫn có thể nuôi con một mình, vẫn có thể đi bước nữa và chị đã từng nghĩ rằng mình sẽ đặt bút ký vào tờ đơn ly hôn. Nhiều đêm chị khóc ướt cả góc gối bởi từ thẳm sâu trong trái tim chị, tình yêu mà chị dành cho anh vẫn còn nhiều lắm, chị mong anh quay trở lại, mong anh lại như ngày xưa… mong vợ chồng lại sống với nhau như chưa có gì xảy ra.

Lối thoát nào cho những người vợ?

Thật đáng buồn và đáng tiếc cho những người vợ rơi vào bi kịch “chán chồng nhưng không thể bỏ”. Đôi lúc, họ có suy nghĩ “bỏ thì thương, vương thì tội”. Tiếp tục sống với nhau thì hương hạnh phúc không thể nồng nàn như thuở ban đầu, thậm chí là họ còn không thể tiếp tục tạo ra “thứ hương quý giá” đó. Chia tay nhau, đường ai nấy đi thì họ cũng không đành, bởi giữa họ còn biết bao ràng buộc về con cái, gia đình, xã hội… thậm chí là cả chính tình cảm mà họ vẫn đang nặng lòng.

Người phụ nữ dù có mạnh mẽ bao nhiêu thì họ vẫn là phái yếu. Với họ, gia đình, chồng con dường như là tất cả. Có câu: “Tình yêu của người đàn ông là sự nghiệp, sự nghiệp của người phụ nữ là gia đình”, nên nhiều khi dù có điều gì xảy ra, thậm chí là tệ hại, họ vẫn quyết giữ lấy “sự nghiệp” của mình. Ngoài ra, sự cam chịu, nhẫn nhịn của người phụ nữ cũng là lý do để họ “không thể bỏ”. Tâm lý lấy chồng phải theo chồng đã in sâu vào suy nghĩ của người phụ nữ bao thế kỷ nay cũng là nguyên nhân để họ “khó xa lìa gia đình của mình”.

Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại, người phụ nữ có thể tự quyết định hạnh phúc của cuộc đời mình. Nếu còn cứu vãn được, bạn hãy cứu vãn; còn nếu bạn đã gắn bó với một người đàn ông không xứng đáng và bạn đã nỗ lực hết sức nhưng cuộc sống vẫn không thể tốt hơn thì bạn nên chấm dứt. Không phải cuộc chia tay nào cũng là đau buồn, đôi khi nó còn là sự giải thoát cho cả hai. Tùy vào hoàn cảnh và từng trường hợp cụ thể để bạn có những cách giải quyết đúng đắn, hợp tình, hợp lý. Không ai khác, bạn là người tạo ra cuộc sống, tạo ra số phận của chính mình.  
 
Theo Gia Đình & Trẻ Em
Chia sẻ