Cái bệnh chửi chồng
“Anh đi cho khuất mắt. Hai mẹ con tôi không cần người chồng như anh” - Diệp tức tối nhắn tin cho chồng. Cảm thấy chưa “đã’, ngay sau đó, Diệp nhắn liên tiếp 2-3 tin chửi chồng.
Do người giúp việc chưa lên, Diệp phải xin tạm nghỉ làm để chăm sóc bé trai 8 tháng tuổi. Lúc thay quần áo cho con thì thấy hết bỉm, Diệp gọi điện dặn chồng, chiều đi làm về thì ghé siêu thị hoặc cửa hàng nào đó mua tạm bịch bỉm cho con. Anh xã ậm ừ rồi cúp máy.
Cũng có lần giận sôi người vì anh chồng vô trách nhiệm, Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) sau đó, lại ân hận vì đã chửi rủa, thậm chí cắn, cấu chồng đến tím tái chân tay. Con gái 6 tháng bị ngạt mũi, Hòa dặn chồng cầm vỏ chai nhỏ mũi cho bé ra nhà thuốc, mua đúng loại đó. Chồng Hòa phóng xe đi mua thuốc cho con từ 8h tối nhưng đến 12h đếm mới trở về trong tình trạng say khướt. Khi cô hỏi về lọ thuốc cho con, anh vô tư bảo, để quên ngoài quán nhậu. Hòa lao vào chửi rủa, cấu véo chồng. Sáng ra, thấy bắp tay chồng tím tái, Hòa lại bật khóc vì thương.
Lần khác, Hòa bị ốm, nằm vật vã ở nhà. Còn chồng vẫn vô tư đi chơi. Nửa đêm, đói bụng, Hòa mò xuống bếp, xúc bát cháo ban chiều bà ngoại chạy sang nấu hộ. Nhưng nồi cháo đã bị chồng ăn hết tự bao giờ. Uất ức vì chồng quá vô tâm, Hòa cầm dao, dọa đâm chồng rồi tự tử. Cũng may chồng cô can ngăn kịp thời nên không xảy ra chuyện gì.
Bình thường, chồng Hòa rất tốt, thương vợ, chiều con. Tuy nhiên, cứ có bạn nhậu rủ là anh quên hết mọi thứ. Hòa biết tật xấu này của chồng nhưng chưa tìm ra cách điều trị phù hợp.
Phải phòng được bệnh
Có vô vàn lý do khiến người vợ mất bình tĩnh, dẫn tới chửi chồng. Một số người vợ thấy chồng lặng thinh, im như thóc giống thì càng chửi hăng. Hoặc có người thấy chồng biết lỗi, không phản ứng gì thì càng chửi thậm tệ. Mắng mỏ chồng cũng là cách để họ tuôn ra hết những ấm ức.
Khi nóng giận, cảm xúc tiêu cực lấn át, khiến người vợ chỉ thấy khuyết điểm của chồng, bên cạnh một đống ưu điểm. Kiểu giận chồng không kiểm soát có thể khiến người chồng bị hụt hẫng, tổn thương. Nhiều người vợ ngay sau đó cũng cảm thấy ân hận vì quá lời với chồng. Nếu họ có cái nhìn thoáng hơn thì thấy chồng mình vẫn tử tế. Sau đó, có thể chính người vợ lại chủ động hàn gắn, tự hứa sẽ luôn bình tĩnh, không bao giờ mắng chửi chồng. Tuy nhiên, lúc lửa giận ngùn ngụt bốc lên đầu, họ lại tái phạm điệp khúc “chửi chồng - mắng con”.
Không ít người vợ “giải nhiệt” bằng cách tập thể dục, yoga, đi mua sắm, đi dạo… nhưng vẫn không ngừng được hành động bột phát là chì chiết, đay nghiến chồng cho thỏa. Lời nói đã phát ra thì sao có thể lấy lại. Mỗi lần vợ chồng chửi nhau thì giống như cái bát bị mẻ một góc. 5-7 lần mẻ thì thành cái bát hỏng, không dùng được nữa.
Theo các chuyên gia tâm lý, ngay từ khi mới chung sống, vợ chồng cần đặt ra những nguyên tắc ứng xử. Khi được đặt trong vòng tròn an toàn, đôi bên sẽ biết đâu là điểm dừng; chẳng hạn, giận nhau đến mấy cũng không được nặng lời, chửi rủa hay đánh đập nhau…
Tiếp đến, vợ chồng cần bình tĩnh trao đổi, tranh luận. Tránh chồng đánh chửi, vợ cam chịu và ngược lại. Khi tự nhận ra mỗi bên cần điều chỉnh bản thân thế nào, vợ chồng sẽ sống hòa hợp hơn.
Theo Me&be